Nhà báo, nhà văn, nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân: Không điều gì khiến tôi có thể “gác kiếm”

Thứ năm, 19/03/2020 10:09 AM - 0 Trả lời

(Nb&CL) “Khi viết cuốn sách này, tôi cố gắng viết sao cho bạn bè tôi cùng tái hiện được ký ức thời kỳ đó, đồng thời để các bạn trẻ sau này hiểu được cuộc sống của con em các nhà báo thời chống Mỹ ra sao"- NB Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ về cuốn hồi ký “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối”.

Không có sự “bận rộn” thuở ấu thơ,  cuốn hồi ký này tôi chẳng có gì để kể

+ Xưa nay, tôi thấy ông toàn viết phóng sự, tản văn, thơ phú, nay lại thấy ông ra hồi ký “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối...”. Bắt đầu “bén duyên” vào hồi ký, có gì khác không, thưa nhà báo?

- Xin cảm ơn bạn đã chia sẻ với tôi về cuốn hồi ký của tôi. Tất nhiên là có những cái khác, có những điều mới khi viết một cuốn sách thể loại hồi ký. Viết báo thì tư liệu chủ yếu là những gì vừa xảy ra, đang xảy ra. Còn hồi ký có nguồn tư liệu từ rất xa xưa, phải dựa vào ký ức và những câu chuyện mọi người kể lại. Văn phong của thể loại hồi ký khá thoải mái, linh hoạt, có thể áp dụng cả phong cách báo chí lẫn văn học. Cái tôi trong hồi ký đòi hỏi giàu cảm xúc và sự trung thực, chân thành.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kí tặng sách bạn đọc.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kí tặng sách bạn đọc.

+ Tôi thấy rằng, ông đã có những năm tháng tuổi thơ rất đa dạng, phải chăng, điều ấy đã làm nên thành công của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hôm nay?

- Tuổi thơ của tôi đúng là có phần sinh động, đa dạng hơn nhiều bạn nhỏ hồi đó. Là con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, lại sống trong khu tập thể toàn nhà báo nổi tiếng của báo Nhân dân. Tôi được ba mẹ cho đi học vẽ, tập bóng bàn, đi đá bóng, học múa, tham gia đội nghi thức của CLB thiếu nhi Hà Nội. Tôi là đứa trẻ nghịch ngợm nhưng học khá môn văn. Tôi vẽ và viết rất sớm, có thơ và tranh đăng báo từ năm 13 tuổi, tham gia bút nhóm thiếu nhi của NXB Kim Đồng từ năm 15 tuổi và có nhiều truyện ngắn được in chung trong nhiều tập sách thiếu nhi. Rồi tôi đi sơ tán về nông thôn khi Mỹ ném bom miền Bắc và học hỏi được rất nhiều điều hay, điều lạ. Tất cả những hoạt động và sinh hoạt đó có thể coi là hơi nhiều nhưng rất bổ ích đối với mấy năm thơ ấu của tôi. Không có sự “bận rộn” thuở ấu thơ ấy, có lẽ trong cuốn hồi ký này tôi chẳng có gì để kể...

Viết hồi ký phải dựa vào ký ức

+ Nhà báo Lê Mỹ Ý khi đọc cuốn hồi ký này đã nhận định: “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối” là tác phẩm “riêng” của một hồi ức riêng, khi ra mắt đã làm tròn sứ mệnh trở thành ấn phẩm – hồi ức “chung” với nhiều người”. Hồi ức chung cho nhiều người, hẳn là không dễ làm “tròn vai”, thưa ông?

- Viết hồi ký là viết cho mình, cho thế hệ mình, cho những ai muốn tìm hiểu về thời kỳ mình đã trải qua. Đối tượng đọc của thể loại hồi ký bị khoanh vùng bởi sự đồng cảm của người có tư liệu đó trong thời gian đó. Câu chuyện có thể gây xúc động với những người cùng thế hệ đó nhưng lại xa lạ với những bạn đọc ở miền ký ức khác. Đây không phải sáng tác mà phải lao động nghiêm túc với sự thật, người thật việc thật.

Bìa cuốn hồi ký.

Bìa cuốn hồi ký.

Hồi ký khó viết vì đôi khi nhân vật là người đương thời, nói ra sự thật nào đó rất dễ đụng chạm đến uy tín nghề nghiệp và đời sống riêng tư của họ. Tôi là người ít muốn làm buồn lòng ai. Chính vì vậy viết hồi ký vừa dễ vừa khó. Viết hồi ký phải dựa vào ký ức, mà phải là những ký ức giàu có, đa dạng về không gian và thời gian, ký ức đó phải gắn với một giai đoạn nào đó của lịch sử. Khi viết cuốn sách này, tôi cố gắng viết sao cho bạn bè tôi cùng tái hiện được ký ức thời kỳ đó, đồng thời để các bạn trẻ sau này hiểu được cuộc sống của con em các nhà báo thời chống Mỹ ra sao. Ngay cả hình ảnh cái mũ rơm thời đó bây giờ ít bạn trẻ nào hình dung ra được. Nếu hồi ký đặt ra nhiệm vụ tái hiện một giai đoạn của cuộc sống, của lịch sử thì tôi hy vọng mình đã phần nào làm được điều đó.

+ Tôi thắc mắc là vì sao, ông có thể viết một cuốn sách trên 300 trang chỉ với cách viết... bằng điện thoại, tuổi trẻ như chúng tôi làm việc này còn quá khó?

- Tôi viết bằng cách gõ trên điện thoại vì thấy tiện hơn là gõ trên máy tính. Tôi viết trên điện thoại thì có thể viết bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, khi bất chợt nhớ được nghĩ được cái gì là lấy điện thoại ra gõ ngay. Được cái là tôi bấm phím chữ trên điện thoại cũng khá nhanh. Viết trên điện thoại cũng dễ sửa chữa, sao chép, cắt gọt, gửi và nhận tin bài. Khi bản thảo đã xây dựng xong “phần thô” tôi mới bắt đầu dùng laptop để hoàn chỉnh “nội thất”. Tất nhiên viết trên điện thoại cũng là tự hành hạ và làm hao tổn thị lực của con người 65 tuổi này lắm.

Cả đời tôi chỉ biết có cây bút

+ Nghe ông kể đã thấy sự say mê rồi, vậy sắp tới ông có định viết hồi ký tập 2-3 về giai đoạn làm báo khá thành công trong 50 năm cầm bút, 45 năm sống ở Sài Gòn và 40 năm làm báo không?

- Hồi xưa nhà báo Vũ Bằng viết “40 năm nói láo” để kể về thời gian làm nghề của mình. Và nay cũng có rất nhiều nhà báo viết hồi ký. Tôi cũng đang ấp ủ dự định viết lại những câu chuyện về thời gian 50 năm cầm bút của mình. Tôi sống ở Hà Nội có 20 năm viết được một cuốn hồi ký, thì 45 năm làm công dân TP.HCM với ba lần chuyển ba đơn vị báo chí (báo Tuổi trẻ, báo Lao động, Tạp chí Nghề báo) và 11 lần chuyển nhà...thì chắc cũng khá nhiều chuyện để viết. Nhưng chắc tôi sẽ tập trung vào những câu chuyện khi đi viết phóng sự theo dạng sách nghiệp vụ. Đây là thể loại sở trường tôi yêu thích nhất và đang là môn tôi giảng dạy ở các trường báo chí.

+ Biết rằng nhà báo đã nghỉ hưu 5 năm rồi nhưng sức viết vẫn còn rất khỏe,  1 năm qua ông lần lượt cho ra đời ba cuốn sách. Không lẽ, ông chuyển qua viết sách, trở về con đường viết văn như thời trẻ, chia tay với nghề báo hay sao?

- Trong thời gian một năm qua, tôi đã cho ra mắt tập thơ “Ký ức chao nghiêng”. Một cuốn tôi chấp bút cho chuyên gia bóng bàn nổi tiếng Nguyễn Trọng Trúc, và đến tập “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối” này là hồi ký của tôi. Thật ra tôi còn hoàn thành việc chấp bút một cuốn nữa khá dày dặn cho một gia đình gốc Hải Phòng. Nhưng cuốn này họ chưa in mà chỉ dùng trong nội bộ gia đình. Ngoài việc trở về con đường viết văn mà tôi đã khởi đầu từ nhỏ, thì tôi vẫn viết báo chứ không phải đã chia tay với nghề báo. Có cái Tết tôi viết tới 25 bài báo Xuân. Còn hiện nay tôi vẫn viết báo, làm thơ, đi chụp hình, đi giảng dạy, chơi Facebook... Và gần đây tôi còn được mời làm cố vấn cho Trung tâm Báo chí TP.HCM, và như thế tôi lại cầm kiếm, tiếp tục lên đường.

+ Tôi thấy rằng, cuộc đời làm báo của ông rất sôi động, miệt mài lao động, viết báo, làm văn, sáng tác thơ. Khi đã nghỉ hưu, sao “rửa tay” rồi mà ông vẫn không “gác kiếm”?

- Nghề báo không có khái niệm nghỉ hưu. Tôi từ nhỏ đã là đứa bé có cá tính và khá năng động. Tôi hầu như không khi nào cho phép mình ngồi yên. Lúc nào tôi cũng muốn làm việc gì đó. Tôi thường tự đặt cho mình những mục tiêu cao hơn khả năng để tự thử thách mình và khi vượt qua được cái ngưỡng đó thì tôi rất vui và lại tìm một cái mốc khác để vượt qua. Cả đời tôi chỉ biết có cây bút. Rời cây bút ra là tôi thất nghiệp. Tôi không dám ví mình như danh họa Picasso, nhưng xin mượn ý một câu nói của ông: “Đừng ai bắt Picasso rời cây cọ vẽ”. Tôi cũng thế. Tôi không muốn rời cây bút “cây kiếm” của mình. Cây bút vừa là nguồn sống vừa là niềm vui của tôi. Khi về hưu, tôi có nhiều thời gian hơn để thực hiện những đam mê của mình. Vậy thì không điều gì, kể cả tuổi tác, khiến tôi “gác kiếm” được.

+ Trân trọng cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân!

Hà Vân (Thực hiện)

Tin khác

Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

(CLO) Cánh rừng sơn tra ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang đua nhau bung nở rực sáng khắp các bản làng. Từ thung lũng đến triền núi đều được bao phủ một lớp màu trắng muốt như điểm tô thêm bức tranh đa sắc màu của miền núi rừng Tây Bắc.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

(CLO) Tối 28/3, tại Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng), UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ qua Chương trình biểu diễn dân gian Holi.

Đời sống văn hóa
Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

(CLO) Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng diễn ra tại chùa Quán Thế Âm trong 4 ngày từ 26 đến 29/3.

Đời sống văn hóa
Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

(CLO) Tối 28/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2024”.

Đời sống văn hóa
Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa