Nhà báo Palestine thiệt mạng, không kịp xem bộ phim về cô ở LHP Cannes
(CLO) Tối 15/5, Liên hoan phim Cannes 2025 đã tưởng niệm nữ nhà báo người Palestine Fatima Hassouna, 25 tuổi, bằng cách chiếu bộ phim tài liệu về cuộc sống của cô ở Gaza.
Điều đau lòng là trước khi được xem bộ phim tài liệu về chính mình, Hassouna đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel nhắm vào nhà cô ở thành phố Gaza.
Bộ phim mang tên Put Your Soul on Your Hand and Walk (tạm dịch: Đặt linh hồn lên tay rồi bước đi), do đạo diễn Sepideh Farsi thực hiện. Farsi kể rằng Hassouna từng rất mong được đến Cannes để tận mắt xem bộ phim về chính mình, bất chấp các khó khăn do lệnh phong tỏa.
“Cô ấy từng nói: ‘Chuyện này rồi sẽ qua’. Và đúng là nó đã qua – cô ấy không còn nữa, nhưng tinh thần của cô thì vẫn còn mãi. Họ đã không thể khiến cô im lặng”, Farsi xúc động nói trước buổi chiếu.
.png)
Đạo diễn Farsi kể rằng bà “vui sướng tột độ” khi hay tin bộ phim được chọn vào hạng mục phim độc lập ACID tại Cannes. Nhưng ngay ngày hôm sau, Hassouna đã thiệt mạng trong một đợt không kích của Israel.
Cái chết của cô khiến Cannes, một liên hoan phim vốn ít khi phát biểu về chính trị, lần đầu tiên ra tuyên bố thương tiếc, gọi cô là “một trong quá nhiều nạn nhân của bạo lực tại khu vực”.
Việc chiếu bộ phim trở thành một hành động tưởng niệm đầy ý nghĩa, đặc biệt khi buổi chiếu trùng với “Ngày Nakba” – ngày người Palestine tưởng nhớ sự mất đất sau cuộc chiến năm 1948 khi Israel ra đời. Trong bối cảnh hiện tại, hàng trăm nghìn người tại Gaza và Bờ Tây tiếp tục phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột, sống tạm bợ trong các trại lánh nạn và đống đổ nát.
Farsi nói bà đang cố gắng đưa bộ phim và triển lãm ảnh của Hassouna – ghi lại đời sống thường nhật giữa chiến tranh – đến với công chúng toàn cầu. “Có những người từng phớt lờ thực tế này. Nhưng giờ, họ buộc phải đối diện với sự giản dị, mạnh mẽ của cô ấy”, nữ đạo diễn gốc Iran nói.
Farsi cũng cho biết một tổ chức nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại London đã gửi cho bà báo cáo nói rằng Hassouna là mục tiêu trong cuộc không kích. “Cảm giác thật phi thực, như đang sống trong một bộ phim viễn tưởng”, bà nói. “Điều duy nhất chúng ta mong muốn là chiến tranh chấm dứt, và thường dân không còn là mục tiêu”.
Tại Cannes, hình ảnh Hassouna không chỉ hiện diện trên màn ảnh. Cô trở thành biểu tượng của một thế hệ người trẻ Palestine – những người cầm máy quay, cầm bút để kể lại sự thật, và đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.