Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Huy Hoàng
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức chương trình Tọa đàm “Quang Đạm – Nhà báo, nhà trí thức cách mạng”. Tọa đàm có đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; Đồng chí Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN; Đồng chí Song Hà - Ủy viên Ban biên tập, Trưởng ban CT-XH Báo Nhân Dân chủ trì.
Đồng chí Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Huy Hoàng
Phát biểu mở đầu buổi Tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN cho rằng những bài viết về nhà báo Quang Đạm của các nhà báo, nhà khoa học đều khẳng định ông là người học vấn uyên thâm, chủ yếu nhờ tự học, một nhà báo tài năng và bản lĩnh, một kẻ sĩ, một người thầy, người anh trong nghề. Quang Đạm là nhà báo có tri thức dồi dào, làm việc hết mình, trong cuộc sống cũng dồi dào nghĩa tình sâu nặng.
Thông qua việc tổ chức cuộc Tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam và báo Nhân Dân mong muốn tạo diễn đàn để các nhân chứng, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có cơ hội gặp gỡ, trao đổi những câu chuyện, những nhận định và tư liệu về nhân vật, về lịch sử báo chí Việt Nam; tổ chức các hình thức, hoạt động tri ân và tưởng niệm các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thiết thực triển khai việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tọa đàm cũng sẽ góp phần vào việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ, thông qua việc học tập tấm gương và kinh nghiệm của các nhà báo tiền bối. Theo chủ đề, cuộc tọa đàm hôm nay đã nhận được nhiều tham luận khoa học và hồi ức của các tác giả là những đồng nghiệp, học trò của nhà báo Quang Đạm, tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra những ý kiến xây dựng xoay quanh về nhà báo Quang Đạm: những đóng góp của ông đối với báo Nhân Dân; những bài học về nghiệp vụ viết bình luận, chuyên luận, xã luận của nhà báo Quang Đạm; tấm gương tự học, tự rèn luyện và bản lĩnh, trách nhiệm cuả người làm báo cách mạng; tình cảm đồng nghiệp, đồng chí, người thân trong gia đình,…
Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Huy Hoàng
Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ rằng, nhà báo Quang Đạm là người giỏi chữ Hán, thành thạo tiếng Pháp, biết tiếng Nga, tiếng Anh, văn phong trong sáng, khúc chiết, ông thường xuyên học và tự học, nâng cao kiến thức để làm tốt mọi công việc được giao, bất cứ trong hoàn cảnh nào ông cũng tràn đầy nghị lực, miệt mài học tập và làm việc, làm việc và học tập, rồi tự rút ra bài học về những việc mình đã làm.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Huy Hoàng
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Nhà báo Quang Đạm từng là thủ trưởng trực tiếp của ông ở báo. Trong số các bài viết của Quang Đạm, thời gian đầu, ông tập trung tìm đọc các bài về báo chí với ý thức tìm hiểu nghề nghiệp, tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về lịch sử báo chí, về nghiệp vụ báo chí, như “Báo chí cách mạng Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám”, “Hai mươi năm phấn đấu vẻ vang…” (nhân kỷ niệm 20 năm báo Nhân Dân ra số đầu tiên), “Con đường báo chí theo Trường Chinh”, “Cải tiến tin tức”, “Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam”, v.v… Quả thật, qua những bài báo này cộng với sự kèm cặp, hướng dẫn, rèn giũa văn phong, chữ nghĩa qua từng bài viết, tôi thật sự nể trọng vốn kiến thức uyên bác về lý luận báo chí cũng như kho tàng kinh nghiệm phong phú về nghiệp vụ báo chí của nhà báo Quang Đạm.
Khẳng định nhà báo Quang Đạm là “Cây từ điển sống”, ông Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ thêm: Trong quá trình tác nghiệp báo chí, khi chữa bài, nhà báo Quang Đạm đều giải thích cho chúng tôi vì sao đoạn ấy, câu ấy lại sửa như vậy; cụm từ nào dùng theo Hán - Việt mà có thể “Việt hóa” để bạn đọc dễ hiểu thì nên dùng. Ở khía cạnh ấy, nhà báo Quang Đạm đúng là một trong những người đi tiên phong giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cho đến nay, chúng tôi vẫn viết theo cách viết của bác Quang Đạm (đã trở thành văn phong của báo Đảng). Ví dụ: tham gia vào (bỏ chữ vào vì “gia” đã bao hàm “vào”); đề cập đến (bỏ chữ đến vì “cập” đã là “đến”); đồng tình với ý kiến (bỏ chữ với); phục vụ cho nhân dân (bỏ chữ cho vì thừa). Có thể kể ra rất nhiều ví dụ ở khía cạnh bác hướng dẫn cách dùng từ gọn và chuẩn xác.
Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam phát biểu kết luận Tọa đàm. Ảnh: Huy Hoàng
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cảm ơn những chia sẻ của các nhà báo về kỉ niệm với nhà báo Quang Đạm, qua các ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm đã phản ánh khái quát sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam và phong cách báo chí của nhà báo Quang Đạm. Từ những cách tiếp cận khác nhau đã thể hiện đậm nét những cống hiến của Nhà báo Quang Đạm cho báo Nhân dân. Đồng thời đồng chí Thuận Hữu khẳng định rằng, nhà báo Quang Đạm là tấm gương sáng, có đóng góp to lớn với báo Nhân Dân nói riêng và hội nhà báo Việt Nam nói chung. Hy vọng buổi tọa đàm là dấu ấn, bài học cho các nhà báo, đặc biệt là nhà báo trẻ noi theo – ông Thuận Hữu nói.
Cũng tại khuôn khổ buổi tọa đàm đã tổ chức trưng bày các hiện vật, các tác phẩm của nhà báo Quang Đạm với chủ đề "Ngọn bút vinh quang cuộc đời thanh đạm".
Nhà báo Quang Đạm, tên khai sinh Tạ Quang Đệ (1913-1999) là một trong những cây đại thụ đầu tiên của báo Nhân Dân – Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học truyền thống, với tư chất thông minh và sự kiên trì rèn luyện, học tập, ông đã tự trang bị cho mình vốn hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến văn hóa, xã hội, pháp luật. Đặc biệt, đến với báo chí qua sự dìu dắt của Tổng bí thư Trường Chinh, ông đã sớm bộc lộ khả năng thiên phú với những bài báo đầy trí tuệ và tính chiến đấu. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vừa bước vào nghề báo chưa lâu, ông đã có những bài báo sắc sảo đăng trên báo Sự Thật, tranh luận với một số học giả có tên tuổi về vấn đề tư pháp – một vấn đề gai góc lúc bấy giờ. Cả cuộc đời làm báo, ông luôn tận tụy với công việc, hết lòng vì độc giả, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trải qua hơn nửa thế kỉ cầm bút, ông nổi lên như một cây bút hàng đầu của báo chí cách mạng Việt Nam. Từ khi nghỉ hưu (1979), cây bút của ông ngày càng phóng khoáng, toàn diện, sâu sắc hơn. Nhiều công trình, bài viết mang tính chuyên khảo của ông lần lượt được công bố trong sự chào đón của bạn đọc. Ông được coi là một trong những cây đại thụ ở báo Nhân Dân, là “từ điển sống” nhờ học vấn uyên bác và tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, chính xác; là người thầy nghiêm khắc nhưng ân cần, chu đáo. Ông nổi tiếng với nhiều bài chuyên luận, bình luận được dư luận chú ý qua các thời kì. Ông dìu dắt, đào tạo được nhiều thế hệ học trò làm báo xuất sắc ở ngay chính báo Nhân Dân, bằng tấm gương tự học, tự làm việc và nêu gương. Đối với các thế hệ nhà báo trẻ, nhà báo Quang Đạm là người thầy nghiêm khắc nhưng thân tình, ân cần chỉ bảo. Trong nghề dịch thuật, Ông là một dịch giả có tên tuổi, là một học giả - nhà báo, thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhiều nền văn hóa: Nho giáo Trung Hoa, văn hóa Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, v.v... |
Huy Hoàng