Kike Mateu, cây bình luận thể thao nổi danh tại Tây Ban Nha, cộng tác viên của El Chireduito de Jugones- chương trình thể thao buổi tối nổi tiếng nhất ở xứ sở bò tót, có lẽ là một trong những nhà báo đầu tiên nhiễm Covid-19 khi tác nghiệp. Thời điểm đó là vào khoảng trung tuần tháng 2- khi Covid-19 vẫn còn là cái gì đó còn mù mờ trong tâm trí nhiều người dân châu Âu.

Ngày 19/2, Kike Mateu bay từ tỉnh Valencia tới Pisa, thuê một chiếc xe hơi tự lái suốt trong 3 giờ để đến Milan, hòa mình vào trận đấu giữa Atalanta với Valencia ở sân vận động San Siro có sức chứa tới 80 nghìn chỗ ngồi. Công việc của Kike Mateu là đưa tin về trận đấu, tham dự họp báo và phỏng vấn vài cầu thủ.  Sau trận đấu, Mateu lái chiếc xe thuê đến trọ ở một khách sạn ngoại vi Milan và hôm sau, bay về Tây Ban Nha. Chuyến đi tới miền bắc Italy ngày 19/2 ấy với anh không có điều gì quá đặc biệt, nó cũng giống như bao chuyến tác nghiệp khác của anh. Khi ấy, Italy mới xác nhận 3 ca nhiễm Covid-19.

Mọi chuyện chỉ trở nên đặc biệt với chàng phóng viên 31 tuổi vào 5 ngày sau. Ngày 24/2, Mateu bắt đầu thấy mệt mỏi và ho khan. Cũng thời điểm đó, miền Bắc Italy ghi nhận số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Ngày hôm sau, sự mệt mỏi và những cơn ho rõ rệt hơn. Lý trí và sự nhạy cảm của một người làm báo đã giúp Mateu ngay lập tức hiểu rằng những dấu hiệu ấy có cái gì đó bất thường. Tra tìm trên Internet, Mateu thấy những triệu chứng của mình trùng khít với triệu chứng của người nhiễm virus corona. Chuyến công tác tới Milan mấy ngày trước càng khiến Mateu nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể đã “dính Covid”. Một mặt, Mateu quyết định nghỉ làm vì biết rằng nếu mình nhiễm Covid-19 căn bệnh này rất dễ lây sang người khác đồng thời gọi tới đường dây cấp cứu để cung cấp tình trạng của bản thân. Tuy nhiên đầu dây bên kia nói rằng anh sẽ được thăm khám sau vì hệ thống đang quá tải.

Một ngày rồi hai ngày, đã không có một cuộc gọi lại nào từ cơ quan y tế. Mateu quyết định tự hành động. Anh tới khám tại một phòng khám y tế tư nhân. Tại đây, anh được chuyển tới Bệnh viện đại học Valencia. 4h30 sáng ngày 27/2, Mateu được xác nhận dương tính với virus corona.

Từ đó đến nay, làng báo không chỉ có Mateu “dính đại dịch”. Mới đây, ngày 25/3, lại có thêm thông tin có 3 nhà báo Pakistan được cho là dương tính với virus corona. Cả 3 không được tiết lộ tên tuổi cụ thể nhưng trong đó có hai phóng viên thuộc kênh truyền hình News 24 HD TV và một phóng viên của AbbTakk TV.

Làng báo thế giới thời gian qua còn liên tiếp chứng kiến những trường hợp nhà báo bị cách ly do tác nghiệp tại những vùng lây nhiễm, tiếp xúc với những đối tượng có khả năng lây nhiễm. Như trường hợp 4 nhà báo ở bang Karnataka, Ấn Độ ngày 14/3 vừa qua. Cả 4 người trong số họ đã phải chịu biện pháp cách ly sau khi tiếp xúc với một gia đình quan chức cấp cao - trong đó một thành viên của gia đình này là ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2 bị tử vong đầu tiên ở Ấn Độ. Buổi phỏng vấn với con trai nạn nhân kết thúc thì cũng là lúc họ phải chịu biện pháp cách ly của nhà chức trách.

Từ câu chuyện của Kike Mateu, của các nhà báo Pakisstan, của những nhà báo Ấn… mới thấy tác nghiệp trong một đại dịch mà hai chữ cách ly và lây lan được nhắc đến hàng đầu thì việc “dính virus” hơn dính thương vong trên chiến trường. Để mang lại thông tin cho độc giả, chuyện người làm báo “dính Covid-19”, rủi ro đến sức khỏe, thậm chí tính mạng khi tác nghiệp là chuyện đã xảy ra và rất dễ xảy ra. Cái giá để có dòng tin, bức ảnh mang tới cho độc giả mà những người làm báo phải trả, là không hề rẻ.

Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn không ngừng khốc liệt, vẫn chưa hẹn ngày kết thúc. Bao mối nguy hiểm nặng nề vẫn bao vây, đe dọa người làm báo khi tác nghiệp cũng như đẩy các nhà báo, các tòa soạn vào những áp lực rất lớn.

Trong những ngày đại dịch, dòng thông tin lớn nhất, được công chúng quan tâm nhất không gì khác là tỷ thứ về dịch bệnh. Dòng thông tin ngày càng dày đặc đã khiến không ít nhà báo cảm thấy… “ngộp thở”. Nhưng dù có “ngộp thở”, thì với chức năng, nhiệm vụ truyền tải thông tin của mình, khi mà độc giả đang từng ngày từng giờ thậm chí từng giây từng phút đón đợi những tin tức mới nhất về dịch bệnh thì các nhà báo tuyệt đối không có quyền được dừng lại, được nghỉ ngơi. Hay nói một cách khác họ là những “cỗ máy” không được phép hỏng hóc. Xét về khía cạnh này, áp lực của họ không khác nhiều với các y, bác sĩ hay những người đang đảm nhiệm việc cung cấp những dịch vụ công cộng thiết yếu cho người dân.

Áp lực ấy càng lớn hơn bởi các nhà báo trước hết cũng là những người bình thường, họ có gia đình, có những đứa con. Thời dịch bệnh, khi nhiều người bạn của họ có thể chuyên tâm chăm sóc gia đình thì với nhiều nhà báo, việc này là phải “hai trong một”. Một mặt các nhà báo phải đảm bảo rằng cung cấp cho công chúng thông tin kịp thời nhất, chính xác nhất về dịch bệnh, thì mặt khác họ vẫn phải để mắt tới việc chăm nom những đứa con phải nghỉ học ở nhà.

Làm sao để bảo đảm an toàn cho bản thân, từ đó cho gia đình, đồng nghiệp khi tác nghiệp trong dịch bệnh truyền nhiễm khủng khiếp như Covid-19 cũng là áp lực lớn khác của các nhà báo. Trong khi đó, không phải nhà báo nào cũng được tòa soạn trả mức lương đủ lớn để có thể bù đắp cho những chi phí chi trả khi không may lây nhiễm. Chưa kể, tại nhiều nước châu Âu- tâm dịch Covid-19 hiện tại- một lượng không nhỏ là các Freelancers- nhà báo làm việc tự do với nguồn thu nhập không ổn định.

Cái gọi là “Enormous pressure” - “áp lực rất lớn” với các nhà báo, các tòa soạn còn là cả ở việc làm thế nào để những dòng tin về dịch bệnh không bị sai lệch. Vấn nạn tin giả đã là nguyên nhân khiến dư luận ngày càng hoang mang, sợ hãi về đại dịch này.

Nhưng với thiên chức của mình, dù nguy hiểm, áp lực đến thế nào, người làm báo vẫn bằng mọi cách phải đảm bảo dòng thông tin liên tục, chân thực nhất, cập nhật nhất về dịch bệnh đến công chúng.

Người xưa có câu “cái khó ló cái khôn”, những người làm báo, các cơ quan báo chí, trong khó khăn, nguy hiểm bộn bề vẫn phải tìm mọi cách để tác nghiệp. Nói như một đồng nghiệp từ kênh truyền hình BBC, Covid-19 là chuyện chẳng mấy vui vẻ nếu không muốn nói là đau khổ, buồn chán, với tất cả nhân loại, trong đó có những người làm báo, khi mọi thứ, cả trong cuộc sống lẫn công việc đều bị đảo lộn, bị ảnh hưởng theo chiều tiêu cực. Nhưng với tư cách một tổ chức báo chí, BBC làm hết sức mình để hỗ trợ các phóng viên, biên tập viên của mình, trong đó có cơ chế hỗ trợ về mọi mặt để các phóng viên, biên tập viên làm việc hiệu quả nhất, an toàn nhất có thể. “Chúng tôi làm vậy bởi chúng tôi quyết tâm theo đuổi dòng thông tin về dịch bệnh, vì cộng đồng và sẽ tiếp tục, cho tới khi nào dịch bệnh còn tiếp tục”- BBC khẳng định.

Lẽ thường, phóng viên phải trực tiếp ra hiện trường, trực tiếp ghi nhận thực tế, trực tiếp gặp gỡ nhân chứng… nhưng  trong đại dịch mà việc hạn chế tiếp xúc, phong tỏa và cách ly là yêu cầu bắt buộc, thì các tòa báo không còn cách nào khác, để bảo đảm an toàn cho phóng viên của cả tòa soạn, nhiều cơ quan báo chí vẫn phải chủ trương làm việc online, xuất bản trực tuyến là chính. Với những “điểm nóng”, các tòa soạn vẫn bắt buộc phải cử phóng viên tới ghi nhận thực tế tuy nhiên tiến hành chia nhỏ lực lượng phóng viên thành từng nhóm nhỏ, tác nghiệp theo phương thức luân phiên.

Nhóm này tác nghiệp xong có thể chịu sự cách ly trong khoảng thời gian tối thiểu 14 ngày, trong thời gian đó sẽ có nhóm khác thay thế. Đơn cử, phương thức làm việc này đã được Straits Times, nhật báo hàng đầu của Singapore áp dụng trong những ngày đại dịch Covid-19.  Straits Times chia đội ngũ biên tập thành hai nhóm, mỗi nhóm khoảng 25 người. Hai nhóm sẽ luân phiên nhau làm việc, nhóm này ở nhà thì  nhóm kia làm việc ở tòa soạn hoặc hiện trường. Hai nhóm giữ liên lạc với nhau thông qua công cụ Google Hangouts. Việc khử trùng và sử dụng các biện pháp bảo hộ là những yêu cầu bắt buộc đối với cả hai nhóm.

Thực tế cho thấy, đã có những trường hợp nhà báo đã dương tính với virus corona, nghĩa là đại dịch Covid-19 không trừ một ai, trong đó có cả các nhà báo.

Nhà báo phải tác nghiệp nhưng cũng cần phải được đảm bảo an toàn. Nhận thấy rõ sự cấp thiết ấy, ngay từ sau khi đại dịch bùng phát, đã có rất nhiều chuyên gia, các Tổ chức báo chí quốc tế đã lên tiếng cảnh báo đồng thời gợi mở một số gợi ý về bảo vệ an toàn khi tác nghiệp trong đại dịch.

Trong những gợi ý đó, đáng chú ý hơn cả là những “cảnh báo an toàn” từ Tổ chức bảo vệ các nhà báo quốc tế (CPJ) và “Bộ lời khuyên” từ GIJN.

Trong cảnh báo an toàn của CPJ, CPJ hướng tới hai khía cạnh: an toàn cho nhà báo trong việc tiếp nhận thông tin chính thống, tránh những thông tin nhiễu loạn mang ý đồ trục lợi hoặc dụng ý xấu và an toàn khi tác nghiệp. Theo CPJ, để cập nhật thông tin về dịch Covid-19, các nhà báo nên bám những thông tin phát đi từ: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), Cơ quan y tế công cộng Anh (PHE)… Nếu không phải từ những nguồn chính thống này, các nhà báo phải thực sự cẩn trọng và phải có khả năng phán đoán, nhận diện thông tin mà mình tiếp nhận, đảm bảo đó không phải là thông tin sai lệch. CPJ đặc biệt cảnh báo các phóng viên hãy thận trọng khi nhấp vào bất kỳ liên kết liên quan đến Covid-19 trên phương tiện truyền thông xã hội bởi một số liên kết có thể hướng bạn đến các trang web lây nhiễm thiết bị có phần mềm độc hại và thông tin sai lệch.

Mạng lưới các Nhà báo điều tra toàn cầu (GIJN) cũng là một trong những tổ chức báo chí đầu tiên sớm có những cảnh báo rất hữu ích về “tác nghiệp an toàn và trách nhiệm nhất có thể” trong đại dịch Covid-19.

Với việc lấy ý kiến tham khảo các tổ chức báo chí, các chuyên gia, các nhà báo giàu kinh nghiệm, GIJN đã đưa ra “bộ lời khuyên” bao gồm những chia sẻ có thể coi là cốt lõi nhất, thiết thân nhất với nhà báo khi tác nghiệp trong đại dịch.

Một điều rất đặc biệt và cũng rất đáng chú ý là trong “bộ lời khuyên” của mình, GIJN xem việc “đưa tin trách nhiệm” là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo. Sở dĩ GIJN lưu ý trước tiên điều này, bởi thực tế thông tin về dịch bệnh Covid-19 thời gian qua cho thấy, có quá nhiều thông tin không chính xác về dịch bệnh tới mức người dân khó phân biệt đâu là sự thật. WHO đã gọi tình trạng này là “bệnh truyền nhiễm thông tin” (infodemic). Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thậm chí đã cảnh báo rằng: “Chúng ta không chỉ đang chiến đấu với dịch bệnh, chúng ta đang chiến đấu với cả một trận dịch thông tin”.

Vậy, rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm báo trên khắp toàn cầu là phải góp sức để chống lại “bệnh truyền nhiễm thông tin” ấy.

Bảo vệ an toàn cho bản thân, bảo vệ an toàn thông tin cho công chúng, bằng cách đưa tin có trách nhiệm- đó là thông điệp cần được mỗi người làm báo đang tác nghiệp trên tận tuyến Covid-19 khắp toàn cầu nhắc nhớ. Có như vậy, cuộc chiến chống giặc dịch mới bớt phần gian nan, để cuộc sống sớm trở lại nhịp trôi chảy thường ngày.

Tin khác

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường đặt hàng truyền thông các cơ quan báo chí

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường đặt hàng truyền thông các cơ quan báo chí

(CLO) Ngày 22/11, tại Trung tâm Báo chí TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM tổ chức Hội nghị hướng dẫn đặt hàng truyền thông các cơ quan báo chí.

Đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm hoặc áp thuế ở mức tối thiểu

Đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm hoặc áp thuế ở mức tối thiểu

(CLO) Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự thảo luật được Chính phủ trình Quốc hội đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh giảm 5%, về mức 15%; với báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức ưu đãi 10% như hiện nay.

Trao giải cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường'

Trao giải cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường'

(CLO) Ngày 22/11, Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức trao giải cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường. Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.

Chung kết Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng: Nhiều dự án, ý tưởng đột phá, bền bỉ, hướng tới cộng đồng

Chung kết Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng: Nhiều dự án, ý tưởng đột phá, bền bỉ, hướng tới cộng đồng

(CLO) Ngày 22/11, tại Nhà Thái Học thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra Vòng Chung kết Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.

Khai mạc Triển lãm Hành động vì Cộng đồng với chủ đề 'Cộng đồng kiến tạo'

Khai mạc Triển lãm Hành động vì Cộng đồng với chủ đề 'Cộng đồng kiến tạo'

(CLO) Sáng 22/11, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.

Bộ Tư pháp tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất

Bộ Tư pháp tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất

Sáng 22/11, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất nhằm góp phần tích cực xây dựng Bộ, ngành Tư pháp ngày càng phát triển. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tổ chức Giải chủ trì buổi lễ.