Về một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ nhà báo; bổ sung chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí; tổ chức, cá nhân cố tình né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí; cung cấp thông tin sai sự thật cho cơ quan báo chí..., báo cáo giải trình tiếp thu của UBTV QH cho rằng những nội dung này đã được quy định tại bộ luật Dân sự, bộ luật Hình sự, luật Xử lý vi phạm hành chính và nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí nên không cần thiết bổ sung vào trong luật. Luật Báo chí (sửa đổi) cũng không quy định báo chí tác nghiệp là hoạt động công vụ.
Về ý kiến đề nghị quy định nhà báo trong quá trình tác nghiệp phải được coi là người thi hành công vụ để có cơ chế bảo vệ đối tượng này. Theo UBTVQH: Công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của xã hội và được pháp luật bảo vệ. Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.
Mặt khác, hoạt động công vụ yêu cầu những đòi hỏi chặt chẽ về trình tự, thủ tục mang tính chuẩn mực nhưng báo chí tác nghiệp có tính đặc thù, linh động. “Nếu coi báo chí là hoạt động công vụ thì sẽ rất khó và ảnh hưởng đến chất lượng của báo chí”, bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho biết.
Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm này, nhiều luật sư cho rằng: Nhà báo thực hiện công việc của mình, viết bài, đăng báo không phải để đọc cho vui mà nhằm mục đích, tôn chỉ đưa, phản ánh thông tin phục vụ cho nhân dân, phục vụ cộng đồng, phục vụ cho Nhà nước; đồng thời hoạt động dựa trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhà nước cũng không cho phép tư nhân hóa nghề báo thì chúng ta không ngại gì mà không thừa nhận hoạt động báo chí là một hoạt động công vụ. Xem hoạt động báo chí là một hoạt động công vụ thì nghề báo sẽ phát huy tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ vốn có.
Trước đó, trả lời báo chí về tình trạng nhà báo bị hành hung ngày càng gia tăng, ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho biết ông đồng tình và cho rằng nhà báo tác nghiệp là đang thực thi
công việc mà cơ quan báo chí giao, nếu ai mà chống lại, hành hung họ thì giống như chống lại người thi hành công vụ. Nhưng những cơ quan bảo vệ pháp luật lại có quan điểm chỉ có những người đại diện công quyền, nhân danh nhà nước thực hiện nhiệm vụ như công an, quân đội... mới là thi hành công vụ. “Nếu không có cơ chế bảo vệ tốt nhà báo, thì những nhà báo càng xông xáo, càng đi vào những điểm nóng càng rất dễ bị rủi ro”, ông Tiến nói.
ĐB Trương Minh Hoàng tỏ ý tiếc khi trong Dự thảo Luật chưa chấp nhận điều này. Theo ông, nếu hoạt động của nhà báo có sự phân công của cơ quan, đơn vị, có đầy đủ giấy tờ cần thiết như thẻ nhà báo, công lệnh, giấy giới thiệu thì hoạt động đó phải được xem là hoạt động thực thi công vụ.
Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất thêm một điểm trong Khoản 2, Điều 25 trong Dự thảo Luật: Nhấn mạnh hơn quyền của nhà báo là được pháp luật bảo vệ khi tác nghiệp. Các ĐBQH cũng nhiều lần đề xuất đưa hoạt động tác nghiệp của nhà báo vào thực thi công vụ. Tuy nhiên, theo giải trình của UBTVQH, thi hành công vụ là thực hiện công việc Nhà nước giao. Còn báo chí là hoạt động mang tính đặc thù. Trách nhiệm hằng ngày của cơ quan báo chí là thông tin, tuyên truyền, phản ánh dư luận và phản biện. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đang tiếp tục đề xuất”.
Mỗi thành công của bài điều tra đều gắn liền với mồ hôi, nước mắt và đôi khi là cả máu của nhà báo. Luật Báo chí (sửa đổi) vừa được thông qua với rất nhiều điểm mới được cho là tạo hàng lang pháp lý vững chắc cho báo chí phát triển thì dường như lại bỏ ngỏ một phần không kém quan trọng: tạo hành lang an toàn cho nhà báo tác nghiệp!❏
Khánh An