Lo ngại an toàn trong tác nghiệp
Trên thế giới đã có rất nhiều tổ chức, trường đào tạo báo chí, các tổ chức xã hội về báo chí nghiên cứu sâu và có chương trình, hành động cụ thể để tăng cường an toàn tác nghiệp báo chí, trong khi đó ở Việt Nam đáng lo ngại là câu chuyện an toàn tác nghiệp báo chí vẫn chưa được đặt ra một cách toàn diện.
Thời gian qua, nhiều chuyên gia đã cùng chỉ ra các nguy cơ ảnh hưởng đến nhà báo khi hoạt động trong môi trường số. Các nguy cơ này có thể đến từ “fake news” (tin giả), tấn công dữ liệu, tấn công nhà báo từ Facebook, đạo đức nghề nghiệp và ứng xử của nhà báo khi tham gia môi trường số… Bên cạnh đó, các nguồn tin và câu chuyện về việc hệ thống thông tin Việt Nam thường bị tấn công bằng cách tung tin giả, lây lan mã độc, thay đổi giao diện, chiếm quyền điều khiển... cũng là một trong những nguy cơ có thể dẫn đến việc mất an toàn.
Vấn đề an toàn tác nghiệp trong môi trường số trở nên quan trọng đối với các nhà báo
Cụ thể, các nhà báo sẽ có nguy cơ bị tấn công trong môi trường kỹ thuật số xảy ra qua việc bị vi phạm sở hữu trí tuệ, “đạo báo”, bị vu khống, bình luận bôi nhọ cá nhân, bị khủng bố tinh thần bằng thông tin sai sự thật, xuyên tạc phát tán trên internet, đối mặt với việc có thể bị giám sát; bị khai thác phần cứng và phần mềm; Nhiều nhà báo bị đe dọa tính mạng, danh dự nhân phẩm, đe dọa an toàn dữ liệu, bị kẻ gian lập tài khoản mạo danh để phát tán thông tin giả mạo, khiến hoạt nghiệp vụ trở nên khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Infonet cho hay, nhà báo cũng như những người sử dụng môi trường số đều có thể bị ăn cắp thông tin. Tuy nhiên, việc tấn công vào nhà báo sẽ có chủ đích cao hơn. Ngoài ra, nhà báo dễ bị lập tài khoản giả mạo để phát tán thông tin giả mạo. Và, mức độ nguy hiểm của tin giả sẽ cao hơn rất nhiều. Trong một trường hợp khác, nhà báo có thể bị tấn công bằng tin nhắn, bình luận trên mạng xã hội. Trong một số trường hợp, phóng viên đi làm nếu không tắt định vị rất có thể bị phát hiện và dễ bị lộ khi tác nghiệp…
Thực tế cho thấy, với việc phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã đặt ra nhiều thách thức về an toàn dữ liệu, an toàn thông tin đối với người sử dụng. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, đã có 1.500 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam (trong năm 2017 là gần 13.000 cuộc tấn công)…
Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin để bảo vệ mình
Trước tình hình đó, bên cạnh việc trang bị kiến thức phòng vệ trong môi trường số, các nhà báo cần nâng cao nhận thức hơn nữa đối với vấn đề an toàn thông tin để tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của hacker là khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng.
Trong 4 ngày, từ 19-22/4/2018, tại Hà Nội và TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), Viện nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED-thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức hội thảo “An toàn số cho Nhà báo”, và đợt tập huấn thứ bảy trong chuỗi lớp của RED về phân tích chính sách (PTCS). |
Từ việc nhận diện các thủ đoạn, nguy cơ, hội thảo “an toàn số cho nhà báo” do Viện nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED-thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, kiến thức, kỹ năng công nghệ nhằm khắc phục và xử lý vấn đề, góp phần tăng cường an toàn tác nghiệp trong hoạt động báo chí. Theo các chuyên gia, các nhà báo tại hội thảo, cần phải nâng cao cảnh giác để có thể bảo vệ mình và dữ liệu trong môi trường số vốn đang đầy rẫy những thách thức. Nhiều chuyên gia cho rằng, trước những nguy cơ ảnh hưởng khi hoạt động trong môi trường số, các nhà báo cần phải trang bị những kỹ năng của mình. Theo tiến sỹ Vũ Tuấn Anh, nhà báo cần phải bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại, bảo vệ thông tin khỏi các mối đe dọa, tạo và duy trì mật khẩu an toàn, bảo vệ tập tin nhạy cảm trên máy. Cùng lúc, các nhà báo cần biết cách khôi phục thông tin bị mất, bảo vệ bản thân và dữ liệu khi sử dụng các trang mạng xã hội, sử dụng điện thoại di động an toàn…
Hà Vân