Nhà báo Thu Uyên- Tranh: Hoàng Tường
Hơn hai năm trở lại đây, khán giả gặp lại Thu Uyên trong vai trò mới, phụ trách thực hiện kiêm MC “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Sau 26 số phát sóng trực tiếp, “cây cầu đoàn tụ” này đã đưa 165 con người tìm được thân nhân của mình. Chương trình nào cũng đầy nước mắt, những giọt nước mắt ngập tràn hạnh phúc.
Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra vào một ngày đầu Xuân, câu chuyện bắt đầu từ thời điểm chị sang Liên Xô du học ngành ngoại giao. Vẫn giọng nói lảnh lót, như không có tuổi, chị nói:
Cha mẹ tôi đều làm khoa học. Cha tôi là giáo sư - tiến sĩ toán cơ, mẹ tôi là giáo sư - tiến sĩ hóa. Thực ra, ý định ban đầu của tôi là học ngành Vật lý chất lỏng, vì toán cơ khô khan, còn hóa học thì độc hại.
Năm 1979, khi tôi tốt nghiệp phổ thông, cũng là lúc Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tuyển con em ngoài ngành. Mẹ tôi nói với ba tôi rằng “con gái mình chơi được piano, thích nghệ thuật, đi ngành ngoại giao có vẻ hợp”. Tức là trong hình dung của bà, ngoại giao trước hết là ngồi chơi piano trước một đám quan khách.
Vâng lời cha mẹ, tôi đăng ký xét tuyển và trúng, được Nhà nước cử đi học tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow. Lúc ấy, đó là trường ngoại giao duy nhất thuộc khối xã hội chủ nghĩa được giáo dục phương Tây thừa nhận về bằng cấp. Qua năm thứ hai, tôi bắt đầu chán, thỉnh thoảng cúp học, đi xem phim… Đại học, với tôi, không phải là kiến thức trên giảng đường.
* Vậy thì là cái gì?- Là nơi học về tự lập, tự học… Là nơi học về mối quan hệ giữa người với người, giữa mình và người nước ngoài, học cách sống với người lạ, chuyện yêu đương,…
* “Những cái khác” học từ ngoài trường có giúp gì cho nghề nghiệp của chị sau này?- Nó giúp cho con người tôi, mang lại cho tôi cảm giác tự do.
* Bệ phóng VTV đã giúp Thu Uyên phát huy sở trường của mình, và được khán giả truyền hình biết đến. Sau hơn mười năm gắn bó với môi trường này, việc chị ra đi có dễ dàng?- Con người ta, dù có chung thủy thế nào, đôi khi cũng rơi vào tình trạng “có mới nới cũ”. Năm 2000, tôi là một thành viên trong đoàn 21 nhà báo từ 21 quốc gia được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời qua tham quan trụ sở một số tờ báo lớn ở Mỹ.
Trong suốt chuyến đi từ bờ Đông sang bờ Tây dài 20 ngày, đoàn được tạo điều kiện tiếp cận những “ông lớn” trong làng truyền thông Hoa Kỳ, từ CNN, New York Times, Bloomberg,… nghe giảng về Luật báo chí của Mỹ. Tôi không tiếp nhận thêm được những ý tưởng gì mới nhưng học được nhiều điều, nói cách khác là được mở mắt.
Nhờ chuyến đi đó mà mình hiểu Internet hóa ra cũng chỉ là một công cụ, chứ không phải là “ông Internet” vĩ đại ai ai cũng trầm trồ kính sợ vào thời điểm ấy. Cũng chính khám phá (cho bản thân) đó mang lại cho tôi sự hứng khởi, thúc giục tôi chuyển sang môi trường mới là Vasc Orient (tiền thân của Vietnamnet - PV).
* Nhưng rồi “môi trường mới” cũng không giữ được chân chị?- Lúc đó, khả năng tiếng Anh của tôi còn nhiều hạn chế. Toàn tự học thông qua đọc tài liệu, tra từ điển… trong quá trình tìm kiếm thêm thông tin làm chương trình Câu chuyện quốc tế khi còn làm việc ở VTV. Để tạo ra động lực học tiếng Anh, tôi nộp đơn thi học bổng Fulbright với niềm tin rằng mình sẽ rớt, trở thành “cái tát”, khiến mình học tiếng Anh đến nơi đến chốn.
Thật bất ngờ là tôi trúng tuyển. Sau khi hoàn tất khóa học, tôi ký hợp đồng hai năm làm tư vấn truyền thông cho một tổ chức giáo dục. Công việc cũng thú vị nhưng môi trường sống không phù hợp với mình. Sau sáu tháng, tôi đề nghị thanh lý hợp đồng.
Tháng 8-2004, tôi về làm việc tại VCTV, kênh truyền hình cáp của VTV. Trước đây tôi chỉ quen với mass media, tức là truyền thông đại chúng, nên tôi cũng hăm hở nghĩ đến truyền hình cáp, là nơi cho phép tập trung phục vụ nhóm đối tượng. Ý tưởng đầu tiên tôi đề nghị là shopping trên truyền hình, và các bản tin kinh tế chạy chỉ số… kiểu mà ngày nay kênh nào cũng có đấy.
Làm truyền hình cáp đòi hỏi đầu tư ban đầu rất lớn. Lúc đó, ngành dịch vụ này còn khá sơ khai, trên thị trường mới có hai nhà cung cấp là VCTV và SCTV. Tuy nhiên, do mù tịt về kinh doanh nên tôi không thể tính toán được rằng nếu bỏ ra một khoản đầu tư là A, sau một khoảng thời gian bao lâu thì sẽ tạo ra A+… nên chẳng thuyết phục được lãnh đạo.
* Đó là lý do khiến chị… Nam tiến?- Việc tôi vào Sài Gòn là để thực hiện chương trình “Tại sao không?”. Tôi nghĩ miền đất mới này sẽ giúp tôi phải tư duy mới. “Tại sao không?” ra đời vào lúc chưa chín lắm. Nó sẽ hay hơn nhiều nếu như được chuẩn bị kỹ hơn, đầu tư suy nghĩ thấu đáo hơn... Sau này, do một số vấn đề về tổ chức sản xuất nên tôi buộc phải xin ngừng chương trình lại nhưng thông điệp “Hãy nghĩ khác!” vẫn tiếp tục lan tỏa đâu đó…
* Môi trường làm việc giữa Hà Nội và Sài Gòn có gì khác?- Khác chứ. Hà Nội chậm rãi, cứ cổ điển thì chắc. Sài Gòn thì phải khác, đổi mới liên tục, dù… lần sau chưa cần phải xuất sắc hơn lần trước. Tôi hình dung vậy đó.
* Có dễ hòa nhập không?- Dễ.
* Nếu như “Tại sao không?” không thành công như mong đợi của chị thì “Như chưa hề có cuộc chia ly” là một trong những chương trình truyền hình thực tế đầy nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc…- Một chương trình truyền hình hay là phải dựa vào cảm xúc thật. “Như chưa hề có cuộc chia ly” tập trung vào hai điểm. Thắt nút là sự chia ly và tháo nút là thời khắc đoàn tụ. Sau nhiều năm ly tán, chờ đợi mỏi mòn thì dù khéo tưởng tượng đến mấy, giây phút gặp lại thân nhân bao giờ cũng tạo nên bất ngờ.
Trong vai trò của một người dẫn dắt câu chuyện, tôi có thể lắt léo một chút nữa bằng cách hỏi thêm vài câu, chờ đợi cảm xúc của nhân vật lên đến cao trào rồi mới cho nhân vật đoàn tụ. Nhưng phần vì sợ mình không chịu nổi áp lực, phần khác vì không cho phép mình làm như vậy, tôi không muốn họ khóc với mình. Những giọt nước mắt hạnh phúc phải dành cho người thân yêu của họ.
Cùng với khán giả, những người thực hiện chương trình chỉ chung vui với họ. Chưa kể, thời gian dành cho chương trình cũng có hạn. Trong thời lượng một giờ đồng hồ, trung bình chúng tôi phải sắp xếp từ ba đến bốn cuộc đoàn tụ, nên cũng khó có thể “dông dài”. Thực tế, có một số trường hợp chúng tôi đã tổ chức cho đoàn tụ bên ngoài, thay vì đưa lên sóng truyền hình trực tiếp. Đến nay, chương trình đã bắc cầu cho 165 trường hợp gặp lại thân nhân.
* Kể từ lúc chương trình khởi động, có khi nào chị gần tới đích nhưng lại không thành?- Việc này khó tránh khỏi. Một vài trường hợp so sánh, đối chiếu dữ liệu thấy trùng hợp lạ lùng, đến mức thấy không cần thiết phải thử ADN, thì trời xui đất khiến thế nào, tới phút chót chúng tôi quyết định kiểm tra lại và được một phen hú vía.
* Chương trình đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ phận khác nhau. Điều gì tạo nên chất keo gắn kết, để các bộ phận hoạt động đồng bộ và hiệu quả? - Một là sự nhạy cảm. Ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào, chỉ cần nghe thoáng chuyện gì liên quan đến chia ly là chúng tôi đều lập tức dỏng tai lên và hỏi ngay liệu mình có thể giúp được gì. Hai là tận tâm. Đã hỏi đến tức là tham gia vào cuộc sống của người ta, xem chuyện của người ta là chuyện của mình.
* Đến nay, đã có bao nhiêu hồ sơ gửi về chương trình, thưa chị?- Trước Tết Nguyên đán, số hồ sơ chúng tôi nhận được khoảng 21.000 và con số này vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày.
* Như vậy, chương trình này sẽ chạy hoài?- Chừng nào còn có những cuộc chia ly, chương trình còn tiếp tục chạy. Phân nửa hồ sơ chúng tôi nhận được là những cuộc chia ly vì chiến tranh. Một phần đáng kể trong nửa còn lại là do cha mẹ ly hôn và các thất lạc trong mưu sinh. Chẳng hạn như trường hợp một gia đình quê gốc Nam Định đi kinh tế mới ở Cà Mau. Năm 1979, cuộc sống quá khó khăn, ông bố quyết định đưa cậu con trai tên Dũng về quê, gửi gắm cho bà con.
Đi xe đò lên tới TP.HCM thì Dũng bị đau bụng, phải vào bệnh viện. Hết tiền, người cha phải để con ở lại bệnh viện, về dưới Cà Mau vay mượn tiền để đóng viện phí cho con. Ba ngày sau, khi ông quay trở lại bệnh viện, thì cậu con trai của ông đã không còn ở đó. Hỏi thăm thì người ta nói có ni cô đưa cậu bé đi. Quá ân hận, người cha rơi vào trạng thái hoảng loạn, bỏ đi lang thang.
Không thấy chồng con về, người vợ bươn bả đi tìm. Đến lúc gặp được thì người chồng đã phát bệnh, thần kinh không bình thường, phải vô viện điều trị và mới dứt được bệnh chừng bảy, tám năm nay. Về phần Dũng, cậu ấy không ở trong chùa, mà sống lang bạt ở Vũng Tàu, lấy vợ sinh con và vẫn không ngừng tìm kiếm gia đình. Sau 29 năm cách biệt, gia đình mới được trùng phùng.
Đáng buồn là sau ngày đoàn tụ, Dũng phát bệnh, phần vì nghề đi biển quá lao lực, phần vì bị những giấc mơ gặp lại gia đình dày vò trong suốt 29 năm đằng đẵng. Sau nhiều năm nuôi chồng trong bệnh viện, mẹ Dũng lại tiếp tục thăm nuôi cậu con trai thất lạc. Mẹ Dũng là một người phụ nữ vĩ đại. Có một điều khá kỳ lạ là hồ sơ của cha mẹ Dũng và Dũng gửi về chương trình theo thứ tự khá gần nhau.
* Đó cũng là một sự may mắn?- Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với những nhân vật của mình. Khi được hỏi thay đổi lớn nhất trong cuộc sống giai đoạn “hậu đoàn tụ”, họ thường trả lời là giờ họ mới được ngủ ngon và không còn mộng mị. May mắn chỉ đến với những người biết kiên nhẫn. Tôi vẫn luôn tin rằng có tìm kiếm thì có ra, vấn đề là bao lâu mà thôi.
* Về phần mình, chị có đang tìm kiếm một ai đó?- Có. Tôi đang tìm kiếm một người bạn học hồi lớp 10. Ngày xưa, bạn ấy học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp. Còn đám chúng tôi chỉ loi nhoi chung quanh, phấn đấu vượt lên ngang bạn ấy. Năm 1979, tốt nghiệp cấp III, bạn ấy cũng đi du học ở Liên Xô. Nhưng do bị ép học quá nhiều nên khi về nước, bạn tôi không còn được bình thường nữa.
Giờ nhận được tập hồ sơ, nhìn tấm ảnh đăng ký là tấm ảnh chụp hồi tốt nghiệp phổ thông, mà chúng tôi trong lớp đã trao đổi cho nhau làm kỷ niệm, thấy đau lòng quá sức.
* Nhìn lại những công việc chị đã kinh qua, liệu chương trình có thể được xem là điểm dừng chân cuối cùng?- Cái đó là do trời. Trời cho đến đâu thì mình dừng ở đó. Năng lực có giới hạn. Thời gian cũng thế. Trước kia, tôi ảo tưởng về sức khỏe của mình. Mỗi lần nảy ra những ý tưởng mới là mơ màng với nó. Bây giờ biết lượng sức mình, có ý tưởng tốt, nếu làm không xuể, thì biếu không cho ai đó cần.
* Nhan sắc và trí tuệ, chị có cả hai. Người ta nói ông trời cho người cái này thì lại lấy của người cái khác. Với chị, ông trời có lấy đi cái gì…- Hai thứ đó trời cho cũng vừa vừa thôi. Cái quý nhất trời cho tôi là sự lạc quan. Sông có khúc, người có lúc. Có những lúc sướng, có những lúc khổ.
* Thế nào là khổ, thế nào là sướng?- Khổ nhất là ảo tưởng. Sướng nhất là bất ngờ. Thực ra, cả hai trạng thái đều là do mình chưa hình dung hết sự việc. Khổ là vì mình hình dung sự việc… hay hơn thực tế. Sướng là bởi mình bị bất ngờ, mọi việc vui quá, hay quá, tươi sáng quá, trong suốt, hơn cả những gì mình nghĩ.
* Ngoài “Như chưa hề có cuộc chia ly”, được biết chị còn phụ trách chương trình Thế giới cập nhật trên VTV9, với 31 phút tin mới mỗi ngày. Ôm đồm như vậy là bởi vẫn còn cái máu “thời sự quốc tế”?- Không. Do VTV9 ban đầu chưa có ai làm quốc tế nên ban lãnh đạo giao cho tôi thôi. Làm tin quốc tế cũng hay, nhưng với tôi, nó không còn nhiều thách thức như giai đoạn 1990-2000 nữa.
* Chị có thể nói rõ hơn?- Thực sự, nếu nói về làm nghề, tôi thích cách đưa tin ngày xưa hơn. Khán giả quan tâm đến mục thời sự quốc tế theo hướng nghe để bình luận. Lúc đó làm việc rất thích. Mình phải đọc nhiều nguồn, tìm ra các chi tiết lạ, xâu chuỗi lại với nhau và kể lại cho khán giả nghe xem họ có đồng ý hay không? Nhiều khi để nói một, phải đọc mười.
Còn bây giờ thì đơn giản hơn, chọn, dịch, và giới thiệu. Những bản tin đụng đến những vấn đề xung đột chính trị thì thường khô khan, khuôn mẫu. Nội dung thông tin cũng thiên về tính giải trí nhiều hơn.
Nhưng nếu chỉ có thế thì tôi chẳng kham nổi lấy một tuần. Tôi hứng thú làm vì lẽ khác. Thí dụ, thái độ của học sinh Nhật Bản đối với lịch sử, Hàn Quốc cải cách giáo dục như thế nào, hoặc ở đâu đó người ta tư duy sống sạch ra làm sao… chỉ là những mẩu chuyện, nhưng cũng là những ô cửa để khán giả nhìn vào. Tự thông tin sẽ tạo ra quan niệm, nói to tát một chút, là tạo ra thế giới quan.
* Nhiều năm gắn bó với nghề báo, chị nghĩ thế nào về nghề này và công việc của người làm báo hiện nay?- Nghề này cần “cái tôi”, nhưng xác định giới hạn của nó đến đâu đòi hỏi không chỉ sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm, mà cơ bản là ở mức độ “tốt” của người làm báo. Còn công việc của những người làm báo hiện nay thì tôi không có ý kiến.
* “Cái tôi”, ở đây nên được hiểu là…- Là cá tính, sự tự tôn, sự tự tin, sự nhất bản.
* Thế nào là “nhất bản”?- Là những gì cha mẹ của một người truyền lại và đầu tư cho người đó học hành. Là những gì người đó được tiếp nhận và tiếp nhận được trong môi trường của người đó. Là những gì thuộc về thể chất và tinh thần mà chỉ người đó, lớn lên trong điều kiện đó, mới có.
* Người ta nói nghề báo đòi hỏi sự dấn thân. Chị nghĩ sao?- Dấn thân, theo cách hiểu của tôi, không có nghĩa là có cái gì đó đẩy đi từ phía sau, mà là đi theo sự vẫy gọi từ phía trước. Không ai lao vào cái gì mình không biết và không say mê.
* Chị quan niệm thế nào về hạnh phúc?- Hạnh phúc giống như một con tàu có neo. Mình ở đâu, làm gì… cũng có một nơi để hướng về.
* Cái neo của chị chắc chứ?- Nếu không chắc thì có lẽ giờ này tôi đã trôi qua Sài Gòn, tới… Cà Mau.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
(Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)