Nghề báo

Nhà báo Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: Không ngừng tự làm mới, phục vụ bạn đọc tốt hơn…

Hà Vân (Thực hiện) 24/07/2025 09:54

(NB&CL) 50 năm qua là một hành trình đáng tự hào của các thế hệ làm báo của Báo Người Lao Động. Thế hệ hôm nay không chỉ nhìn về quá khứ như một chiếc huy chương, mà còn như một lời nhắc nhở về trách nhiệm với tương lai…

“Chúng tôi tin rằng khi báo chí phát triển đúng hướng, xã hội sẽ phát triển lành mạnh hơn. Khi một tờ báo thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình, đó chính là sự đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... 50 năm qua là một hành trình đáng tự hào của các thế hệ làm báo của Báo Người Lao Động. Thế hệ hôm nay không chỉ nhìn về quá khứ như một chiếc huy chương, mà còn như một lời nhắc nhở về trách nhiệm với tương lai…” – nhà báo Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động khẳng định như vậy trước thềm Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Báo (28/7/1975 - 28/7/2025).

Vượt mọi khó khăn, vươn tầm thời đại

+ Tôi vẫn rất thích phương châm, tiêu chí “Nhanh - Hay - Chính xác - Trách nhiệm - Nhân văn” của Báo Người Lao Động. Và trong suốt gần 7 năm qua, dưới sự chèo lái của ông, Báo Người Lao Động đã gìn giữ phát huy tinh thần này như một sứ mệnh “sâu rễ bền gốc”, thưa ông?

Tập thể Báo Người Lao Động không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, chuyển mình – không phải để chạy theo xu hướng, mà để dẫn dắt xu hướng bằng chất lượng nội dung và giá trị cộng đồng... Có thể nói, mỗi sự đổi mới của Báo Người Lao Động, mỗi công nghệ được ứng dụng, mỗi chương trình cộng đồng được khởi xướng… đều gắn bó chặt chẽ với dòng chảy chung của xã hội, góp phần xây dựng một nền báo chí không chỉ đúng – đủ – nhanh – sâu, mà còn giàu bản sắc dân tộc, mang sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

- Chúng tôi xác lập phương châm: Nhanh – Hay – Chính xác – Trách nhiệm – Nhân văn và coi đó là giá trị cốt lõi của tờ báo Người Lao Động. Đó không chỉ là slogan, mà là tiêu chuẩn tự thân, rằng: mỗi tin tức phải nhanh nhưng không được vội, mỗi bài viết phải hay nhưng không được dễ dãi, mỗi thông tin phải đúng, mỗi ngôn từ phải có trách nhiệm và luôn đặt con người ở vị trí trung tâm. Và, luôn lấy sự nhân ái, nhân văn để thắp sáng tình người trong từng trang viết. Và ở mọi giai đoạn phát triển, chúng tôi luôn tự nhắc nhau một điều giản dị, đó là: Làm nghề báo – trước hết phải có trách nhiệm và sự nhân văn, lòng nhân ái. Làm báo – không chỉ để đưa tin, mà để nuôi dưỡng niềm tin.

Nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng biên tập Báo Người Lao Động tại sự kiện ra mắt cuốn sách dấu ấn 30 năm nghề báo của ông.
Nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng biên tập Báo Người Lao Động tại sự kiện ra mắt cuốn sách dấu ấn 30 năm nghề báo của ông.

+ Thử nghiệm, chuyển mình và không ngừng đổi mới, Báo Người Lao Động đã có sự “bứt tốc” như thế nào trong hành trình chuyển đổi số để giữ được nhịp “dẫn dắt xu hướng”, thưa ông?

- Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí toàn cầu chứng kiến những thay đổi chưa từng có. Báo Người Lao Động không “bó gối ngồi yên” mà đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Ngay từ tháng 4/2021, khi khái niệm chuyển đổi số - nhất là trong lĩnh vực báo chí còn khá mới mẻ, Đảng ủy Báo Người Lao Động đã ra Nghị quyết về chuyển đổi số. Bằng sự nỗ lực to lớn, cuối năm 2023, Báo Người Lao Động được vinh danh trong Top 10 cơ quan chuyển đổi số cấp quốc gia, đồng thời dẫn đầu Top 5 cơ quan báo chí địa phương với mức độ xuất sắc. Đó không chỉ là kết quả của hành trình ứng dụng công nghệ mà còn là thành quả của sự đổi mới tư duy, dám làm, dám thay đổi.

z6838718211541_2c60f92fe6d204e45e2f2f063894155f.jpg
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân (bìa trái) và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng (bìa phải) trao bảng tượng trưng và cờ Tổ quốc cho đại diện huyện Bình Chánh, TP. HCM tại Giải Half Marathon “Tự hào Tổ quốc tôi” lần 2, tháng 4-2025. Ảnh: Hoàng Triều

Báo in, báo điện tử và các kênh mạng xã hội với chúng tôi là “cỗ xe tam mã” trong hệ sinh thái Báo Người Lao Động. Báo điện tử Người Lao Động được xếp vào Top 8 nhóm các cơ quan báo chí quốc gia, với lượt view do Similarweb ghi nhận tháng 5/2025 đạt hơn 47 triệu, visit đạt hơn 23,7 triệu. Đồng thời, Báo còn vận hành 20 kênh mạng xã hội chính thức, trong đó có kênh YouTube Báo Người Lao Động đạt nút vàng.

Hiện nay, tổng lượng tương tác của Báo Người Lao Động trên không gian mạng đạt từ 4,6 đến 5 triệu lượt view mỗi ngày. Người Lao Động cũng là nhật báo đầu tiên của cả nước có chương trình thu phí “Dành cho bạn đọc VIP” ra đời vào dịp kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Báo (28/7/2022).

Không dừng lại ở đó, chúng tôi đang tập trung triển khai các dự án chuyển đổi số toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực số, áp dụng công nghệ mới, hiện đại hóa quy trình tòa soạn hội tụ. Mục tiêu không chỉ là báo chí số ở tầm quốc gia mà còn vươn ra tầm khu vực. Đó chính là tinh thần “vượt mọi khó khăn, vươn tầm thời đại” của Báo trong thời đại số – không ngừng tự làm mới mình để phục vụ bạn đọc tốt hơn, nhanh hơn, chính xác hơn…

Nội dung tốt, chất lượng cao và luôn vì con người

+ Tôi rất thích điều ông từng trải lòng: “Từ những công việc nhỏ bé, chúng tôi muốn nhen nhóm lên ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân với Tổ quốc, tình yêu quê hương, đất nước. Đó mới là lâu dài, là hồn cốt thiêng liêng nuôi dưỡng mạch nguồn sức mạnh, khát vọng dân tộc mà người làm báo ngày nay cần chung tay thắp lửa!”… Đó cũng là câu chuyện của Báo Người Lao Động trong hành trình an sinh xã hội, các công việc sau mặt báo, thưa Tổng biên tập?

- Đúng vậy. Yếu tố làm nên bản sắc độc đáo của Báo Người Lao Động không chỉ nằm ở những trang tin tức, các tác phẩm báo chí mà còn ở hàng loạt chương trình chính trị - xã hội - từ thiện. Các hoạt động sau mặt báo của Báo Người Lao Động đều có ý nghĩa, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy sự đoàn kết, sẻ chia; lan tỏa sự nhân văn, nhân ái, nghĩa tình.

Trong nhiều năm qua, Báo Người Lao Động đã tổ chức nhiều chương trình chính trị - xã hội - từ thiện giàu ý nghĩa. Tiêu biểu là chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, nay mang tên “Tự hào cờ Tổ quốc”. Ra đời tháng 6/2019, chỉ sau 6 năm, chương trình đã trao tặng hơn 2,2 triệu lá cờ Tổ quốc đến mọi miền đất nước. Suốt nhiều năm qua, chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” không chỉ trao cờ, ảnh Bác Hồ, trang thiết bị y tế… mà còn trao niềm tin, ý chí, truyền động lực, khơi dậy và lan tỏa tình yêu Tổ quốc ở khắp mọi miền của đất nước!

Chương trình _Tự hào cờ Tổ quốc_ của Báo Người Lao Động đoạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo TP HCM năm 2025.
Chương trình Tự hào cờ Tổ quốc của Báo Người Lao Động đoạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo TP HCM năm 2025.

Ngoài ra, còn rất nhiều chương trình khác mang đậm dấu ấn nhân văn, như Giải Mai Vàng với 30 năm tôn vinh các nghệ sĩ, góp phần phát triển đời sống văn hóa - nghệ thuật nước nhà; các chương trình “Mai vàng nhân ái”, “Mai vàng tri ân” hỗ trợ, vinh danh nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực; các chương trình chống dịch COVID-19 - đồng hành, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người dân chịu ảnh hưởng; các chương trình: “Hướng về miền Bắc yêu thương”, “Trái tim miền Trung”, “Tình thương cho em”, “Vòng tay yêu thương”… lan tỏa lòng nhân ái, sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, nạn nhân chất độc da cam/dioxin…

Các sự kiện tọa đàm, talk show chúng tôi cũng triển khai trung bình mấy chục sự kiện trong một năm, đều là các vấn đề nóng, bám sát thời sự, vừa đảm bảo nội dung thông tin, thu hút công chúng và có thêm thu nhập thêm cho anh em… Có thể nói, với Báo Người Lao Động, những hoạt động “sau mặt báo” không chỉ là trách nhiệm xã hội mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc làm báo, làm người.

+ Tự làm mới mình trong bối cảnh nhiều thách thức… đòi hỏi không chỉ là chuyện của một người mà là cả một tập thể. Nhân sự được Tổng biên tập “nhào nặn” như thế nào trong dòng chảy chuyển đổi số với rất nhiều nhiệm vụ hiện nay, thưa ông?

-Các cụ xưa vẫn nói “dụng nhân như dụng mộc”, vấn đề cốt lõi luôn là bài toán về con người. Mà nói đến vấn đề này thì trước tiên phải là không ngừng được đào tạo. Đầu tiên tôi gửi phóng viên đi đào tạo, thứ hai là tổ chức đào tạo lại tại toà soạn. Chẳng hạn như thời điểm dịch bệnh Covid -19, tôi trực tiếp giao đề bài cho chi hội nhà báo, mỗi tuần hoặc vài tuần đều phải có các buổi sinh hoạt, đào tạo và giải các bài toán về nghiệp vụ, tìm những lỗi sai để rút kinh nghiệm với nhau, cùng nhau phát triển. Phóng viên của báo vừa tích hợp viết, chụp hình, quay phim, dựng, dẫn trực tiếp, vừa triển khai trên báo vừa trên các trang mạng xã hội. Với các sự kiện cũng vậy, bất cứ một chương trình nào vừa xong thì Ban tổ chức đều sẽ phải họp lại để rút kinh nghiệm, thậm chí còn có sơ kết, tổng kết… Các công việc, tôi luôn giao cho một nhóm cốt lõi chịu trách nhiệm chính nhưng sẽ huy động toàn lực lượng cơ quan hỗ trợ. Nhiệm vụ đó vừa riêng lại vừa chung nên thúc giục nhau cùng làm, công việc cứ chạy băng băng và ai cũng thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.

z6838718228530_15928947db85adc427f8938553bb8efc.jpg
Khóa đào tạo “Ứng dụng AI trong nghiệp vụ báo chí” tổ chức tại Báo Người Lao Động năm 2025. Ảnh: Hoàng Triều

+ Trách nhiệm với tương lai sẽ là chặng đường mới của 10 năm tới, 20 năm tới và 50 năm tới sẽ như thế nào, thưa Tổng biên tập?

- Trong hành trình sắp tới, nếu được trao trọng trách, Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục đổi mới, không ngừng học hỏi, liên tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại, làm tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn. Như những năm qua, Báo Người Lao Động không chạy theo công nghệ mà sẽ chủ động ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ những giá trị cốt lõi, đó là nội dung tốt, chất lượng cao và luôn vì con người.

z6838718230359_ce7fb2e8127d86901c373d49b7bfb319.jpg
Ca sĩ Tùng Dương nhận giải thưởng “Nghệ sĩ vì cộng đồng năm 2024” tại lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 30-2024. Ảnh: Quang Liêm

Báo Người Lao Động quyết tâm giữ vững vai trò, vị trí là cơ quan báo chí đáng tin cậy, nhân văn, hữu ích, không ngừng phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển xã hội. Đặc biệt, chúng tôi xác định mục tiêu là cơ quan chính thống, vươn tầm quốc gia, từng bước vươn tầm thế giới… Vừa rồi, chúng tôi đã xuất bản bản tin tiếng Anh, sắp tới sẽ có bản tin tiếng Hoa với sứ mệnh đưa thông tin hình ảnh của TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam ra thế giới.

Một trong những hướng đi tới là tăng cường vị thế, làm tốt hơn nữa sứ mệnh thông tin đối ngoại, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục làm tốt chương trình sau mặt báo với các chương trình đã có, tới đây sẽ làm thêm các chương trình về biển đảo, biên cương… Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, biến động khó lường. Nhưng cũng như 50 năm qua, Báo Người Lao Động chọn cách đối diện và vượt qua mọi khó khăn bằng sự tử tế, bản lĩnh và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ cộng đồng.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhà báo Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: Không ngừng tự làm mới, phục vụ bạn đọc tốt hơn…
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO