Nhà báo trẻ dưới góc nhìn trách nhiệm...

Thứ sáu, 27/03/2020 17:09 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tháng 3 về, trong miên man dòng ký ức của người thanh niên được sống dưới mái trường chủ nghĩa xã hội, của người làm báo trẻ trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, tôi nghĩ về trách nhiệm với xã hội, với đất nước và với Tổ quốc thân yêu...

Trách nhiệm với xã hội, đất nước và Tổ quốc thân yêu thì luôn hiện hữu trong tim mỗi người trẻ ở mọi thời kỳ (Ảnh: minh họa)

Trách nhiệm với xã hội, đất nước và Tổ quốc thân yêu thì luôn hiện hữu trong tim mỗi người trẻ ở mọi thời kỳ (Ảnh: minh họa)

Đến hẹn lại lên, khi bông hoa gạo đỏ rực vùng trời, khi trên khắp phố phường, làng mạc vùng quê được nhuộm bởi những màu áo xanh tình nguyện, trong tôi lại bâng khuâng câu hát: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm/ Là người, tôi sẽ chết cho quê hương” (Tự Nguyện -Trương Quốc Khánh). Tất nhiên, sống trong thời bình, “chết cho quê hương” sẽ được hiểu theo nghĩa khác so với ý mà nhạc sĩ Trương Quốc Khánh viết năm 1968 trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Tuy vậy, trách nhiệm với xã hội, đất nước và Tổ quốc thân yêu thì luôn hiện hữu trong tim mỗi người trẻ ở mọi thời kỳ.

Tôi đã rất xúc động với lời phát biểu của đảng viên trẻ Nguyễn Thùy Linh (sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), là đại diện cho hàng triệu thanh niên Việt Nam trong Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia:  Em đã bật khóc, khi xem hình ảnh những người chị, người mẹ chiều chiều ra bên bờ Hiền Lương giặt áo để được nhìn sang ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới bên kia cầu. Và tôi tin rằng, không chỉ có em, tôi mà còn nhiều thanh niên yêu nước khác, cũng bật khóc về hình ảnh ấy, một hình ảnh mà tôi tạm gọi là “hơn cả triệu triệu lời nói”. Chúng tôi, những người trẻ, những người sinh ra trong hòa bình, chưa từng phải nếm trải đau khổ, mất mát, hy sinh của chiến tranh, nhưng chúng tôi cũng đủ nhận thức để hiểu về khát vọng hòa bình độc lập thống nhất dân tộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Trong những lực lượng xung kích làm nên sự thành công của cách mạng Việt Nam, không thể không nhắc đến những nhà báo, những người đã từng hy sinh cả tuổi đời thanh xuân của mình nơi chiến trường, để rồi may mắn có người được trở về, có người mãi mãi nằm lại trên dải đất hình chữ S thân thương. Gần 700 nhà báo liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đó là con số “biết nói” cho thấy họ đã sống, chiến đấu và cầm bút quên mình, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Có thể kể đến các nhà báo Lê Đình Dư (Báo Quân đội Nhân dân) từng nổi tiếng với câu nói: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn, còn phóng viên chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù”, nhà báo Lê Viết Vượng (Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ) hy sinh thân mình để cứu dân thoát khỏi bom đạn kẻ địch, nhà báo Bùi Nguyên Khiết (Báo Lào Cai) với câu nói nổi tiếng “Cái quý giá nhất của cuộc đời là lòng yêu nước”, nhà báo Thâm Tâm (Báo Quân Đội Nhân Dân), hai anh em nhà báo Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn công tác tại Phân xã Mỹ Tho (Thông tấn xã Việt Nam), rồi nữ nhà báo hy sinh đúng ngày 8/3, Dương Thị Xuân Quý (Báo Phụ nữ Việt Nam)…. Và còn rất rất nhiều nhà báo khác, mỗi người một xuất thân, một vùng quê, một cơ quan nhưng tựu trung lại họ đã hy sinh khi Tổ quốc cần. Đau đớn thay, họ ra đi khi tuổi đời mới ở lứa tuổi thanh niên, nhiều người thậm chí còn chưa có gia đình riêng, chưa có hạnh phúc riêng.

Phóng viên Ngô Khiêm - Tạp chí Xây dựng Đảng trong chuyến tác nghiệp tại Lũng Cú, Hà Giang

Phóng viên Ngô Khiêm - Tạp chí Xây dựng Đảng trong chuyến tác nghiệp tại Lũng Cú, Hà Giang

Tôi cũng vô cùng ấn tượng với một nhà báo đặc biệt, một người bạn thân thiết với nhân dân Việt Nam và cũng là nhà báo nước ngoài duy nhất hy sinh tại đất nước của chúng ta, đó là nhà báo Nhật Bản Takano Isao, phóng viên Báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản (Anh mất đi khi mới 33 tuổi, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới được 5 tuổi đầu). Sinh thời, khi được một người bạn hỏi: “Nếu nhỡ hy sinh thì sao?”, Takano chỉ đơn giản trả lời: “Hy sinh là tất nhiên vì sự nghiệp”. Đúng thế, “Vì sự nghiệp”, anh coi cái chết cũng thật nhẹ nhàng, mà cái cao quý nhất là sự nghiệp, một sự nghiệp vinh quang và tự hào là nối những mạch thông tin giữa vùng chiến sự với hậu phương. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến lời dặn dò của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong cuộc trò chuyện cùng tôi mấy năm trước: “Nghề báo nhọc nhằn thay, khó nhọc thay. Nó không chỉ là nghề nghiệp mà còn là cả một sự nghiệp”.

Trong thời bình, khi đất nước đang hối hả bước vào thời đại 4.0, vững tin tiến lên chủ nghĩa xã hội, cũng đã một nhà báo trẻ, một nhà báo luôn tâm huyết với sự nghiệp thông tin vùng cao, đó là nhà báo Đinh Hữu Dư (Cơ quan thường trú TTXVN tại Yên Bái) hy sinh trong một lần tác nghiệp tại cầu Ngòi Thia. Cái chết của anh đã làm cho nhân dân cả nước nói chung và báo giới nói riêng vô cùng xót xa, tiếc nuối nhưng vượt qua nỗi buồn ấy, chúng ta có quyền tự hào về thế hệ làm báo trẻ nước nhà hôm nay.

Nhưng dẫu ở thời nào đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không thể phủ nhận được một sự thật hiển nhiên rằng, người làm báo trẻ luôn “thừa” sự năng động, nhiệt huyết, tâm huyết nhưng lại “thiếu” kiến thức nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và vốn sống xã hội. Vì thế, bức thiết đặt ra đòi hỏi bản thân mỗi người làm báo trẻ phải luôn trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và kiến thức nghiệp vụ vững vàng. Một khi đã hội tụ 3 điều trên thì cần có phương pháp thể hiện, tức là phải có sự sắc sảo, có “bút chiến”, tính thuyết phục cả về lập luận lẫn dẫn chứng cụ thể rồi luôn đổi mới cách tiếp cận và hình thức thể hiện để công chúng không cảm thấy khô khan, nhàm chán. Tất nhiên đó còn phụ thuộc vào tài năng của mỗi phóng viên nhưng đó là điều cơ bản để làm nên một tác phẩm báo chí sinh động, thuyết phục, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng, của các tổ chức Chính trị - Xã hội- Nghề nghiệp, là diễn đàn rộng lớn của nhân dân.

Đứng trước chủ trương Quy hoạch báo chí thời điểm này, đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội, mỗi nhà báo trẻ phải không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, để không mất “một suất” được đứng trong hàng ngũ những nhà báo cách mạng. Bởi rồi đây, sẽ có biết bao nhà báo phải “dừng cuộc chơi”, phải đành lòng tìm kiếm những công việc khác, ngậm ngùi khi không làm được nghề mà mình đã từng theo học.

Nước nhà đang bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, đặc biệt trong năm 2020 này, chúng ta gánh vác hai vị trí quan trọng của khu vực và quốc tế, đó là Chủ tịch luân phiên của ASEAN cũng như bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Khó khăn nhiều, thách thức lớn, hơn nữa, chúng ta phải “dồn toàn lực” trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu Covid-19, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ chiến thắng, chiến thắng không chỉ trong chống dịch, mà còn chiến thắng trong các mục tiêu quốc gia cũng như trong thực hiện “nhiệm vụ kép”.

Xã hội, đất nước và Tổ quốc thân yêu đang rất cần những nhà báo trẻ, những người tiên phong, “đứng mũi chịu sào” trong “mặt trận” thông tin tuyên truyền. “Mặt trận” này, trong thời kỳ này cũng cam go, căng thẳng và khốc liệt không kém mặt trận đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu và sự đam mê trong nghề nghiệp, những nhà báo trẻ, những thanh niên giàu lý tưởng sống sẽ không những “sống được” với nghề mà “đủ sức” gánh vác được trên vai những nhiệm vụ to lớn phía trước, để không hổ thẹn với thế hệ nhà báo đã từng “chết cho quê hương”. 

Ngô Khiêm

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo