Nhà báo và mạng xã hội: Đừng để bị… sập bẫy

Thứ năm, 24/06/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL)Mạng xã hội giúp nhà báo “nắm trong tay” lượng thông tin khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới. Song, đây chỉ là một công cụ cho người làm báo, chứ không là tất cả. Nhà báo cần giữ các nguyên tắc nền tảng để không bị biến thành công cụ của mạng xã hội, thậm chí cẩn trọng để không bị… sập bẫy.

Từ chuyện một cậu bé được đổi đời từ một bức ảnh trên... Facebook

Phương tiện truyền thông xã hội là nền tảng phổ biến nhất phản ánh bất kỳ điều gì đang diễn ra xung quanh chúng ta. Các nhà báo hiện đại dường như không thể đứng ngoài đời sống của mạng xã hội.

Trong số các “gã khổng lồ” truyền thông xã hội, Twitter là mạng xã hội phát triển nhất trong giới báo chí toàn cầu. Song, tại Việt Nam, Facebook vẫn là nền tảng được ưa chuộng hơn cả. Đây là kênh hàng đầu lan truyền tin tức nóng hổi với rất nhiều câu chuyện đình đám trước khi đến các cơ quan thông tấn. Con số thống kê gần đây cho thấy, Việt Nam có gần 70 triệu người dùng sử dụng mạng xã hội Facebook, chủ yếu là giới trẻ có độ tuổi từ 18-24; chiếm 70,1% toàn bộ dân số. Chỉ từ bức ảnh mang tên “cậu bé xếp dép” được lan truyền trên Facebook đã thay đổi cuộc đời của hai mẹ con nhặt ve chai ở Sài Gòn.           

Tấm ảnh cậu bé xếp dép làm thay đổi cuộc sống của Đạt và người mẹ nhặt ve chai ở Sài Gòn. Ảnh: Nghĩa Phạm.

Tấm ảnh cậu bé xếp dép làm thay đổi cuộc sống của Đạt và người mẹ nhặt ve chai ở Sài Gòn. Ảnh: Nghĩa Phạm.

Còn nhớ, hồi tháng 3/2017, Đạt - một đứa trẻ vô danh cùng mẹ đi lang thang quanh khu vực nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM) để nhặt ve chai. Cậu bé bất chợt nhìn thấy những đôi giày của các bạn học sinh đi dã ngoại nằm ngổn ngang dưới đất. Đạt đã nhặt từng đôi xếp vào ngay ngắn. Khoảnh khắc đó đã vô tình được anh Nghĩa - một nhiếp ảnh gia, cũng là người khá nổi tiếng trên Facebook ghi lại.

Khi bức ảnh được chia sẻ, ngay lập tức trở thành một trong những chủ đề hot nhất mạng xã hội, thu hút hàng nghìn người quan tâm. Giới truyền thông sau đó vào cuộc để tìm hiểu về hoàn cảnh của cậu bé ở nhà thờ Đức Bà. Điều “kỳ diệu” xảy ra, Đạt được nhận vào học ở trường mẫu giáo hoàn toàn miễn phí, còn mẹ bé được công ty Vinamilk nhận vào làm việc, chấm dứt chuỗi ngày lang bạt khắp nơi.

Truyền thông xã hội đã thay đổi bộ mặt của báo chí. Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đem đến cho giới phóng viên khi có thể “nắm trong tay” lượng thông tin khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới. Mạng xã hội có giá trị gợi ý các đề tài, vấn đề cho những người làm báo, giúp họ tiếp cận nhiều thông tin một cách nhanh chóng và cung cấp cho nhà báo nguồn đề tài vô tận, phong phú.

Các nền tảng mạng xã hội mang đến cho phóng viên lượng thông tin khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Hoa

Các nền tảng mạng xã hội mang đến cho phóng viên lượng thông tin khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Hoa

Thực tế, tìm kiếm thông tin từ các nền tảng mạng xã hội tiết kiệm thời gian, công sức hơn nhiều so với việc nhấc điện thoại hoặc gặp trực tiếp ai đó.

Thông tin trên mạng xã hội - cần thận trọng!

Mạng xã hội liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội.

Nền tảng truyền thông xã hội có thể thu hút từ hàng nghìn lên đến hàng triệu thành viên, không giới hạn về địa lý, thành phần xã hội thông qua các cộng đồng hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau như diễn đàn, nhóm, hội công khai hoặc bí mật...

Song, phải nhìn nhận phương tiện truyền thông xã hội có rất nhiều lỗ hổng. Những tranh cãi về tin tức giả buộc nhà báo phải nhìn nhận thông tin bằng con mắt thận trọng hơn đối với các kênh mạng xã hội.

Hiện, những thông tin bịa đặt, giả mạo đang lan tràn với tần suất ngày càng cao trên mạng xã hội. Đây là những câu chuyện gây sốc, hấp dẫn, đánh mạnh vào trí tưởng tượng, tò mò của công chúng. Trong khi tỷ lệ người dân thông hiểu truyền thông còn thấp, đa phần hiếu kỳ, cả tin, rất dễ tin vào những tin tức mà mình đọc được.

Thêm vào đó là sự dễ dãi, không thẩm định, kiểm chứng thông tin của không ít nhà báo và cơ quan báo chí; sự hỗn loạn của các trang web đăng tải thông tin giả mạo; sự dễ dàng trong lan truyền, phát tán thông tin... tất cả đã góp phần tạo nên miếng đất màu mỡ cho các tin tức giả tồn tại.

Nhiều tin giả tràn ngập trên báo chí thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân phóng viên, nhà báo khai thác nguồn tin từ mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, trích dẫn các nguồn tin không chính thống, không rõ nguồn gốc…

Cộng đồng mạng từng xôn xao hình ảnh hàng loạt siêu xe Ferrari, Bentley, Lamborghini... trị giá hàng chục tỷ đồng gắn biển xanh Cần Thơ đậu trong một tầng hầm. Công an TP. Cần Thơ sau đó cho biết những hình ảnh trên hoàn toàn giả mạo. Đây chỉ là xe mô hình (dạng đồ chơi), được đặt dưới gầm giường hoặc gầm tủ rồi chụp với hiệu ứng sắp đặt và đưa lên Facebook.

Song, chỉ từ những bức ảnh này, nhiều nhà báo đã bộp chộp trong quá trình xác minh, cộng với áp lực chạy đua thông tin đã đăng tải nội dung sai lệch lên mặt báo. Để từ đó, một số tòa soạn phải kiểm điểm phóng viên.

Nhà báo nên tường thuật trực tiếp một sự kiện thay vì dựa vào các nguồn thứ cấp.

Nhà báo nên tường thuật trực tiếp một sự kiện thay vì dựa vào các nguồn thứ cấp.

Có thể thấy, việc chỉ kiểm chứng qua một nguồn tin duy nhất cũng có thể sai, thông tin rất dễ bị bóp méo do bị cắt ra khỏi bối cảnh. Nên việc nhà báo chỉ dựa vào mạng xã hội mà không kiểm chứng nhiều nguồn sẽ bị... sập bẫy.

Tương tự, vụ nữ tài xế lái xe BMW gây tai nạn chết người ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào tháng 10/2018 là một bài học cho sự bất cẩn trong việc xác minh thông tin. Nữ tài xế lái xe BMW gây tai nạn đó được báo chí đưa tin ban đầu là Giám đốc của một ngân hàng. Đến mức, cả ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, ngân hàng đó phải phát đi thông cáo để đính chính sự việc. Vụ tai nạn xảy ra tại TP.HCM, trong khi Giám đốc ngân hàng đó đang ở Hà Nội.

Một sự việc về nhầm lẫn khác khi báo chí dựa vào nguồn tin từ... Facebook. Đó là trường hợp cậu bé trong vụ nam sinh lớp 10 và cô giáo vào nhà nghỉ ở Bình Thuận. Người bị báo chí đưa lên hình trong những bản tin ban đầu thực chất không phải là nhân vật chính…

Từ những nhầm lẫn... chết người như trên, đã làm không chỉ chính bản tin đó mà ngay cả nhà báo, người thực hiện bản tin và cơ quan báo chí bị giảm sút niềm tin, mất uy tín. Do đó, nhà báo cần phải nghi ngờ nhiều hơn về những câu chuyện mà họ nhìn thấy trên mạng xã hội. Kiểm tra sự thật và đến gặp người phát ngôn luôn là việc làm đúng đắn. Nhà báo nên tường thuật trực tiếp một sự kiện thay vì dựa vào các nguồn thứ cấp.

Như Johanna Snickars - lãnh đạo truyền thông của Microsoft tại Thụy Điển, giải thích: “Nền tảng kỹ thuật chủ yếu là nền tảng, chúng thường không phải là nguồn thông tin dựa trên thực tế”. Mạng xã hội cung cấp một công cụ cho người làm báo, nhà báo cần giữ các nguyên tắc nền tảng để không bị biến thành công cụ của mạng xã hội.

Yuval Noah Harari (Lược sử tương lai) không hề phóng đại nỗi lo lắng toàn cầu khi cho rằng Internet, mạng xã hội “là một vùng đất tự do và vô luật làm xói mòn chủ quyền quốc gia, phớt lờ các biên giới, phá hủy quyền riêng tư và đem lại mối đe dọa an ninh toàn cầu có thể nói là đáng sợ nhất”.

Từ nhận định trên, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, khi còn là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả.

Theo đó, báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số.

Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông, “làm chủ trận địa thông tin”; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, nhất là các vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan tới biển đảo, biên giới, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chặn tin xấu, độc hại bằng hành lang pháp lý

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào giữa năm 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn Quốc hội về vấn đề tin xấu, độc hại trên mạng xã hội. Theo ông, đây là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện.

Có nhiều giải pháp để ngăn chặn, nhưng yếu tố đầu tiên cần có là hành lang pháp lý. Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, tuy nhiên các quốc gia khác đều có quy định riêng về xử lý tin rác, tin giả. Chẳng hạn, Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh, người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, thậm chí đi tù.

Chỉ một thời gian ngắn sau, tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NÐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”. Ðây chính là cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, đồng thời là yếu tố môi trường quan trọng góp phần xây dựng văn hóa mạng.

Ngô Công Quang

Tin khác

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

(CLO) Ngày 18/3, Trung tâm Báo chí TP.HCM khai giảng lớp bồi dưỡng người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức từ ngày 18 đến 25/3. Tham gia tập huấn có 300 học viên là cán bộ các sở ngành, UBND quận huyện, phường xã.

Nghề báo
Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

(CLO) Chiều 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024, phiên thảo luận với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" đã được diễn ra.

Nghề báo
Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

(CLO) Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, sáng 16/3 đã diễn ra buổi lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày Chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024: 99 chuyện nghề.

Nghề báo
Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

(CLO) Nhận định chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng "cơ hội chỉ đến với các bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan đã sẵn sàng và tự tìm đường, lối ra".

Nghề báo
Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

(CLO) Tiếp tục nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024, sáng 16/3, phiên thảo luận về “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” đã được diễn ra.

Nghề báo