Nhà báo Vũ Mạnh Hùng – Báo Quân đội Nhân dân: Chuyến đi giúp tôi hiểu thêm giá trị của cuộc sống, của nghề báo…
(NB&CL) Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo, Trung tá Vũ Mạnh Hùng - báo Quân đội Nhân dân ngay khi ông từ Myanmar về tới Việt Nam sau một tuần tác nghiệpCâu chuyện về trận động đất khủng khiếp, những mất mát của người dân địa phương, sự khó khăn, vất vả nhưng tràn đầy quyết tâm, bản lĩnh vượt khó của lực lượng cứu hộ Việt Nam và cả những cảm xúc “lắng đọng” khó quên của người cầm bút đều được kể lại…
Nhận lệnh, xách ba lô lên đường chỉ trong vòng khoảng 20 tiếng
+ Được biết, ông là một trong số rất ít phóng viên được cử đi theo đoàn cứu hộ của QĐND Việt Nam đến “điểm nóng” Myanmar – nơi vừa diễn ra trận động đất khủng khiếp. Không phải lần đầu nhận lệnh lên đường, lần này với người phóng viên báo Quân đội Nhân dân có gì khác, thưa ông?
- Đây là chuyến đi rất đặc biệt với cá nhân tôi. Thời gian kể từ khi nhận được thông báo về chuyến đi cho tới khi cùng đoàn lên đường sang Myanmar chỉ khoảng 20 tiếng, chiều tối hôm trước nhận lệnh thì trưa hôm sau đã xuất phát. Trong khoảng thời gian ấy phải sắp xếp công việc gia đình và cơ quan, chuẩn bị đầy đủ thiết bị tác nghiệp, đồ dùng cá nhân cần mang theo.

Tôi đã từng có nhiều chuyến công tác đến những nơi khó khăn, nhưng đây là lần đầu tiên theo chân lực lượng cứu hộ, cứu nạn của quân đội ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất. Chính vì vậy, trước giờ lênđường là cảm xúc xen lẫn giữa tự hào và lo lắng. Tự hào vì được cùng đồng đội đi thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn vơi đi khó khăn, đau thương, mất mát sau thảm họa. Lo lắng vì với thời gian gấp gáp, trước đó lại chưa từng tham gia hoạt động nào giống như vậy, liệu mình có hoàn thành nhiệm vụ và đáp ứng được kỳ vọng của Ban biên tập Báo QĐND cũng như bạn đọc hay không. Tuy nhiên, khi đoàn tập trung đầy đủ, chứng kiến tinh thần và quyết tâm của các thành viên trong đoàn, tôi như được tiếp thêm động lực và cảm thấy tự tin hơn nhiều.

+ Tác nghiệp tại thủ đô Naypyidaw, một trong những địa phương bị ảnh hưởng thực sự là những ngày không hề dễ dàng. Thách thức, khó khăn lớn nào mà ông và các đồng đội, đồng nghiệp phải đối mặt trong những ngày qua, thưa ông?
- Tác nghiệp trong điều kiện nước bạn Myanmar vừa trải qua trận động đất 7,7 độ richter, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông… bị hư hại nặng nề, dĩ nhiên sẽ khiến các phóng viên gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những ngày đầu đặt chân đến thực địa. Tôi còn nhớ khi chúng tôi di chuyển bằng ô tô với quãng đường hơn 500km và đến thủ đô Naypyidaw vào khoảng 3 giờ sáng 31/3, khu vực nơi ăn ở của đoàn Việt Nam mất điện, mất nước hoàn toàn và rất nhiều muỗi, khiến sinh hoạt của lực lượng cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện. Vài ngày sau đó, tình hình đã khá hơn khi chúng tôi có máy phát điện, rồi điện lưới được khôi phục.
Với phóng viên thì vấn đề còn nan giải hơn vì không có điện thì không thể sạc thiết bị tác nghiệp, máy tính mang theo gần như “vô dụng”. Thực tế là trong mấy ngày đầu tiên tác nghiệp ở Naypyidaw, tôi chủ yếu làm tin, viết bài bằng điện thoại vì không có điện, tuy có mất thời gian nhưng vẫn hoàn thành việc gửi tin bài về tòa soạn. Cũng rất may mắn vì cá nhân tôi và nhiều anh em trong đoàn mang theo sạc dự phòng, nên vẫn duy trì sử dụng điện thoại được.
May mắn hơn nữa là ngay từ khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Yangon, cả đoàn đã được Mytel (liên doanh của Viettel tại Myanmar) tặng sim card data, nên hàng ngày tôi vẫn có thể gửi tin, bài về tòa soạn.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại ở thủ đô Naypyidaw, không phải nơi nào cũng có sóng điện thoại. Ví dụ như hôm lực lượng cứu hộ QĐND Việt Nam phối hợp với lực lượng cứu hộ của Myanmar và UAE giải cứu thành công một thanh niên 26 tuổi bị vùi lấp trong một khách sạn. Tại khu vực này sóng điện thoại và internet mất hoàn toàn. Ngay sau khi cậu thanh niên này được đưa lên xe cứu thương, nhóm phóng viên chúng tôi phải tức tốc di chuyển mấy chục km đến nơi có sóng điện thoại để có thể kịp thời gửi tin bài về. Bên cạnh đó, tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả từ các đồng nghiệp ở tòa soạn và các phóng viên, nhà báo từ các cơ quan báo chí khác tác nghiệp tại hiện trường.
Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam rất đẹp, rất sáng
+ Trải qua nhiều thách thức, khó khăn, chắc hẳn khoảng thời gian tác nghiệp ở Myanmar thực sự là những trải nghiệm khó quên đối với người làm báo, thưa ông?
- Có rất nhiều điều đọng lại và sẽ trở thành kỷ niệm không thể quên với cá nhân tôi, và có lẽ cũng là của các thành viên đoàn QĐND sau chuyến đi vừa qua. Trước hết, với vai trò là một phóng viên đi theo đoàn, tôi được trực tiếp chứng kiến sự khó khăn, vất vả nhưng tràn đầy quyết tâm, bản lĩnh vượt khó của lực lượng cứu hộ Việt Nam. Thời tiết ở Myanmar những ngày vừa qua vô cùng nắng nóng, nhiệt độ ban ngày thường lên tới 41-42 độ C. Không gian, mặt bằng tại nơi tiến hành hoạt động cứu hộ cũng rất chật hẹp, và đặc biệt bị ô nhiễm nặng do tử thi phân hủy. Thế nhưng, chúng ta thấy, lực lượng công binh, quân y, chó nghiệp vụ của QĐND Việt Nam đã vượt qua điều kiện khắc nghiệt đó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến Myanmar sau thảm họa động đất, tôi cũng được chứng kiến những mất mát không gì kể xiết của người dân nơi đây. Có những gia đình mất tới 5 người, có những người cha, người mẹ mất đi đứa con duy nhất; có những bệnh nhân ở bệnh viện Ottara Thiri đến giờ vẫn cảm thấy đau khổ, dằn vặt vì bản thân mình sống sót, còn người đến chăm sóc mình thì lại bị vùi lấp dưới đống đổ nát…
Tôi cũng cảm nhận rõ một điều, đó là sau chuyến đi vừa qua, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” rất đẹp, rất sáng trong con mắt của người dân địa phương cũng như bạn bè quốc tế. Gặp bất cứ ai, tôi cũng nhận thấy họ dành cho lực lượng cứu hộ Việt Nam sự trân trọng và những tình cảm hết sức đặc biệt. Thời gian tác nghiệp ở Myanmar thực sự là trải nghiệm khó quên, giúp tôi hiểu rõ thêm những giá trị của cuộc sống cũng như nghề báo.
+Trải qua hơn 1 tuần tác nghiệp khó quên ấy, với một nhà báo luôn ở các “tuyến đầu” sự kiện thời sự, kinh nghiệm nào “cần kíp” trong tác nghiệp tại “điểm nóng”, thưa ông?
- Tác nghiệp trong điều kiện đặc biệt như ở Myanmar vừa qua, theo tôi trước hết cần chuẩn bị tốt về mặt tinh thần, tư tưởng để khi đến thực địa không bị ngợp và bất ngờ trước những khó khăn, tình huống nảy sinh. Đồng thời cần chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ về phương tiện tác nghiệp, vì ở những nơi hạ tầng bị phá hủy do thảm họa, không phải muốn thứ gì là có, thiếu thứ gì là bổ sung được ngay.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả giữa các phóng viên tác nghiệp tại thực địa và những đồng nghiệp ở nhà để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất.
+ Vâng, trân trọng cảm ơn nhà báo!