Nhà báo Trần Thanh Phương – người cả đời say nghề quý bạn

Thứ bảy, 08/02/2020 10:24 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhà văn, nhà báo, nhà sưu tập Trần Thanh Phương - nguyên là phóng viên báo Nhân Dân, Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn kết vừa trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7/2. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với ông, đã kể lại nhiều kỉ niệm về cây bút tài hoa ấy.

Nhà báo Trần Thanh Phương

Nhà báo Trần Thanh Phương

Tôi có một thời gian ở cùng một khu tập thể báo Nhân Dân với ông từ thời Mỹ ném bom miền Bắc. Rồi làm đồng nghiệp với ông suốt những năm sau này. Hơn thế nữa tôi được ông tin tưởng mời viết lời giới thiệu mỗi khi ông in một cuốn sách mới. Tựa sách Ngòi bút và Cây kéo của ông cũng được đặt từ tựa đề một bài viết của tôi về ông. Nghe tin ông mất thật đau buồn và ân hận vì Tết này tôi chưa kịp đến thăm ông....

Hồi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nhà báo Trần Thanh Phương công tác cùng báo Nhân Dân với ba mẹ tôi nên tôi gọi bằng chú, dù ông chỉ hơn tôi 15 tuổi, còn cô Hương vợ ông hơn tôi 11 tuổi. Sau này ông về Nam làm Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết cho tới khi nghỉ hưu.

Nhưng nghỉ hưu trên giấy tờ vậy thôi chứ ông vẫn viết rất khỏe. Ông cũng là kỷ lục gia được ghi nhận bởi Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (VietBooks) với 3 kỷ lục, gồm “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”, “Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam” và “Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam”.

Bà Phan Thu Hương vợ ông, quê ở Thanh Chương (Nghệ An) cũng là một nhà giáo, nhà báo đã nghỉ hưu, bà vừa chăm sóc ông vừa là cộng sự tích cực của ông. Trong nửa thế kỷ qua, nhà báo Trần Thanh Phương cùng với vợ đã thực hiện sưu tầm 150 hình ảnh, bút tích các nhà thơ, nhà văn, được trích chọn trong 700 chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam, và cắt báo dán hơn 120 tập tư liệu báo chí. Trong hơn 38 năm trực tiếp làm báo, nhà báo Trần Thanh Phương viết hơn 1.000 bài báo và xuất bản 33 cuốn sách về văn học nghệ thuật, khảo cứu, hồi ký và sưu tầm biên soạn.

Tác phẩm của cả hai vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương

Tác phẩm của cả hai vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương

Cách đây 5 năm, nhà báo Trần Thanh Phương đã đưa tất cả gia sản tài liệu của mình ra triển lãm lần đầu tiên sau 40 năm dày công sưu tập. Cuộc triển lãm diễn ra tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (69 Lý Tự Trọng, Quận 1) kéo dài trong suốt tháng 6 năm đó. Thư viện Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức một hội đồng nghiệm thu đánh giá chất lượng để bảo tồn các công trình này, thẩm định giá trị và đề ra mức chi phí hàng trăm triệu đồng đền đáp công sức lao động của vợ chồng ông bấy lâu. Đặc biệt trong Triển lãm này có những bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trước đến nay đã được ông Trần Thanh Phương lưu giữ cẩn thận thành 5 tập dày cộp. Ngoài ra những bài báo viết về danh nhân, nguyên thủ quốc gia như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt… đều được ông Trần Thanh Phương hệ thống thành sách.

Tôi thích ông ví von căn nhà ông chất chứa tài liệu sưu tầm, kho tàng tích lũy kiến thức của mình là thư viện không cần thẻ. Ai cũng có thể vào xem được. Tôi cũng thích cái ý niệm “kiến tha lâu đầy tổ” của ông và cái cách ông thân thương gọi người vợ, người đồng nghiệp của mình là “con kiến thứ hai” đã cùng ông – “con kiến thứ nhất” – bao năm trời chuyên chở vun đắp kiến thức vào trong cái tổ ấy. Hai vợ chồng ông không giàu, không có con, và cũng chả nhậu nhẹt mà chỉ chuyên tâm đi tìm nhân vật, tìm báo chí để sưu tầm.

Không phải vợ chồng ông “dị ứng” với vi tính mà vì cắt dán sưu tầm những trang tư liệu ấy có vẻ như có hồn hơn, tình cảm hơn. Công việc ấy truyền cho ông một thú vui đam mê để sống. Xưa kia con gái Các Mác hỏi: “Niềm vui của cha là gì”. Các Mác đã trả lời: “Là lục tìm trong thư viện”. Nhà báo Trần Thanh Phương và người bạn đời của ông đang thực hiện niềm vui ấy trong cuộc đời mình. Bà Phan Thu Hương cũng đã biên soạn cuốn sách “Chân dung bằng chữ” như một món quà vô giá để tặng chồng, đó là cuốn sách sưu tầm lại những bài báo người khác đã viết về ông.

Nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương còn có các bút danh: Trần Thanh, Minh Hải. Ông sinh ngày 23.9.1940 tại Cà Mau và nguyên là phóng viên báo Nhân Dân, Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn kết. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM”.

Khi về hưu, nhà báo Trần Thanh Phương cũng dành riêng cho mình một chút riêng tư, đó là cho in một cuốn sách tập hợp các bài báo các tác giả viết về cuộc đời làm báo và sưu tầm của mình có tên là “ngòi bút và cây kéo”. Bên cạnh cái chất nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn (ngòi bút) thì cái chất nhà sưu tầm (cây kéo) của ông càng về sau càng nổi trội.

Cái công trình sưu tầm “cho vui” như ông nói là cả tấn sách báo cắt dán làm tư liệu. Nhà báo Trần Thanh Phương đã kể lại: “Năm 15 tuổi tôi từ Cà Mau tập kết ra Bắc, sau đó tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được phân công về báo Nhân Dân năm 1967. Thực sự vốn liếng về miền Nam tôi đâu có nhiều, vì ra Bắc lúc còn nhỏ, nên tôi phải đi sưu tầm tư liệu cho mình, cứ thế tư liệu nhiều dần lên. Khi quân ta giải phóng miền Nam, ta đánh đến tỉnh nào, ông Hoàng Tùng – Tổng biên tập báo Nhân Dân – lại bảo tôi viết giới thiệu tỉnh đó, vậy là tôi lại có dịp sử dụng kho tư liệu riêng mình, mà thời đó toàn cắt từ sách báo, làm gì có vi tính như bây giờ…”.

Sau khi cắt dán tư liệu đã thành cái nghiệp, ông lại chuyển sang sưu tầm bút ký chân dung các nhân vật nổi tiếng. Sau đó nhà báo Trần Thanh Phương cũng ra mắt tập sách “Còn là tinh anh”, một công trình sưu tầm, biên soạn tư liệu về những phút lâm chung và chia tay cuộc đời của các nhân vật nổi tiếng mà lâu nay không phải ai cũng có thể biết rõ…Sức viết và sức sưu tầm biên soạn của ông thật đáng nể. Chỉ trong hai năm 2016 và 2017 ông cho ra đời 4 cuốn sách: “Sài Gòn tầng cao tầng thấp”, “Hổ phụ sinh hổ tử”, “Rượu với văn chương” (được trao Tặng thưởng 2017 của Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh), “Lời cuối với nhà văn đã đi xa”.

Gần đây, khi ông bắt đầu cảm thấy mình đau yếu nhiều, ông đã quyết định đi xuyên Việt một chuyến và về thăm quê vợ ở Thanh Chương, sau đó ông đã bàn với vợ quyết định tặng tất cả sách báo và các công trình sưu tập lưu trữ của mình cho Thư viện, và Thư viện đã cho xe đến chở hai ngày mới hết số sách báo đó.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nhà báo Trần Thanh Phương

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nhà báo Trần Thanh Phương

Tháng 5/2018, tôi được ông mời đến dự tiệc kỷ niệm Đám Cưới Vàng – 50 năm ngày cưới – của ông. Và một lần nữa tôi được chứng kiến một câu chuyện cảm động của một đôi vợ chồng nhà báo nhà giáo suốt 50 năm, họ đã vượt qua “một thời đạn bom một thời hòa bình” từ những năm 1960 của thế kỷ trước đến hôm nay đã vào tuổi 80, 70... họ đã chiến thắng bệnh tật, sống lạc quan yêu đời, hạnh phúc và vẫn viết không ngưng nghỉ...

Và cũng trong dịp này, ông lại khiến mọi người bất ngờ và khâm phục khi lại cho ra mắt cuốn sách mới biên soạn “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (tựa sách dựa theo một câu thơ của nhà văn Sơn Nam).Một đôi vợ chồng dành cả cuộc đời để viết và sưu tầm, để lại cho đời, cho thế hệ sau những công trình sưu tầm và những tư liệu quý giá như nhà báo Trần Thanh Phương và bà Phan Thu Hương thì ở Việt Nam xưa nay vẫn hiếm.

Như tôi đã nói, những kỷ niệm về nơi cư ngụ thường có dấu ấn sâu sắc và dai dẳng hơn, đậm đà hơn, da diết hơn trong ký ức của mọi người. Cứ tưởng đã nửa thế kỷ trôi qua rồi, những kỷ niệm chỉ còn phảng phất đâu đó, nhưng không, khi có người hàn huyên tâm sự, ôn nghèo nhớ khổ, thì tất cả ký ức ấy lại ùa về, khiến ngày tháng của nửa thế kỷ trước lại như mới đâu đây ngày hôm qua…Tôi sẽ nhớ mãi tấm gương suốt đời đam mê viết và gương mặt đôn hậu với mái tóc xoăn của ông, và cả cái tật hay nói lắp của ông những khi xúc động nữa...

Xin cúi đầu Vĩnh biệt ông!

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Tin khác

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo
Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

(CLO) Mặc dù tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy theo đúng quy định, nhưng phóng viên Thời báo VTV và VnExpress bất ngờ bị nhóm 3 đối tượng cản trở, hành hung.

Nghề báo
Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

(CLO) Ngày 23/4 tại Hà Nội, Báo Lao Động đã có buổi tiếp đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia gồm 5 thành viên do ông Sihono – Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Nghề báo