Nhà đàm phán hàng đầu Iran và ván cờ hạt nhân cam go với Mỹ
(CLO) Cuối tuần này, nhà đàm phán hàng đầu Abbas Araqchi của Iran sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán với Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới.
Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại Oman, trong bối cảnh giới lãnh đạo tôn giáo Iran tiếp cận tiến trình này bằng thái độ thận trọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump – người từng nhiều lần đe dọa ném bom nếu không có thỏa thuận đạt được.
Bất kể đàm phán diễn ra trực tiếp như ông Trump tuyên bố, hay gián tiếp như Tehran khẳng định, ông Araqchi vẫn sẽ phải đối mặt với đặc phái viên Steve Witkoff – ông trùm bất động sản, đặc phái viên của Tổng thống Trump.
.png)
Sinh năm 1962 trong một gia đình thương nhân ở Tehran, ông Araqchi gia nhập Cách mạng Hồi giáo vào năm 1979 khi mới 17 tuổi, sau đó chiến đấu trong cuộc chiến Iran - Iraq thập niên 1980 trước khi bước vào ngành ngoại giao từ năm 1989.
Ông từng giữ chức đại sứ tại Phần Lan (1999–2003), Nhật Bản (2007–2011), rồi trở thành người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran và được bổ nhiệm làm Thứ trưởng ngoại giao vào năm 2013.
Ông Araqchi lấy bằng tiến sĩ chính trị tại Đại học Kent (Anh), nổi tiếng là người điềm đạm nhưng vô cùng cứng rắn trong đàm phán.
Ông từng đóng vai trò chủ chốt trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1, đổi việc hạn chế làm giàu uranium lấy việc nới lỏng cấm vận. Nhưng thỏa thuận này bị ông Trump hủy bỏ vào năm 2018, kéo theo làn sóng trừng phạt mới.
Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Joe Biden, ông Araqchi cũng dẫn đầu các nỗ lực đàm phán khôi phục thỏa thuận nhưng không thành công.
Năm ngoái, Tổng thống mới Masoud Pezeshkian đã bổ nhiệm ông Araqchi làm Bộ trưởng Ngoại giao. Bên cạnh đó, ông cũng là thư ký Hội đồng Chiến lược về Quan hệ Đối ngoại – cơ quan cố vấn thân cận của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei – giúp ông nằm trong quỹ đạo quyền lực cao nhất Iran.
Một quan chức cấp cao cho biết ông Araqchi có quan hệ tốt với Lãnh tụ tối cao, Vệ binh Cách mạng và mọi phe phái chính trị – điều hiếm có trong bộ máy chính trị Iran đầy chia rẽ.
Từng phục vụ dưới thời nhiều tổng thống với các khuynh hướng khác nhau, ông Araqchi vẫn luôn giữ được hình ảnh là người ngoại giao chuyên nghiệp, khôn ngoan, tránh xa các cuộc đấu đá nội bộ. Nhà phân tích Saeed Leylaz nhận định: "Araqchi là người phù hợp, ở đúng vị trí vào đúng thời điểm. Ông ấy là một trong những bộ trưởng ngoại giao quyền lực nhất trong lịch sử Iran".
Ở Tehran, vị thế của ông đủ mạnh để bảo vệ mình trước làn sóng chỉ trích, nếu Iran buộc phải nhượng bộ trước Mỹ trong đàm phán lần này.