(CLO) Không mua các loại bảo hiểm cho người lao động theo quy định nhưng vẫn trích đủ tiền từ lương của họ. Hay, muốn lĩnh lương, người lao động phải đình công nhiều lần mới được chi trả..... là những bức xúc của tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt kim Haprosimex viết trong đơn tố cáo ông Nguyễn Cự Cẩm - Giám đốc nhà máy, vừa được gửi đến các cơ quan báo chí.
Hơn 8 tỷ đồng tiền BHXH đi đâu?
Ngày 30/06/2016, 51 người là tập thể cán bộ, công nhân viên đã cùng ký tên vào đơn "tố cáo" ông Nguyễn Cự Tẩm – Giám đốc Nhà máy dệt kim Haprosimex, cụ thể như sau:
Hàng năm theo quy định của nhà nước, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đóng một khoản tiền bảo hiểm (gồm BHXH, BHYT, BHTN) và được cấp thẻ BHYT để sử dụng. Tuy nhiên, kể từ năm 2011 (khi ông Nguyễn Cự Tẩm về làm Giám đốc Nhà máy) cho đến nay, công nhân không được cấp thẻ bảo hiểm y tế ( chi phí khám bệnh đều do công nhân tự chi trả 100%) và sổ bảo hiểm XH cũng trong tình trạng "đóng băng" từ năm 2011.
[caption id="attachment_107489" align="aligncenter" width="450"]
Trong đơn có nhiều nội dung "tố cáo" sai phạm của ông Nguyễn Cự Tẩm - Giám đốc Nhà máy Dệt kim Haprosimex[/caption]
Ngoài ra, việc chi trả tiền lương cho công nhân cũng thường xuyên diễn ra trì trệ. Theo nội dung trong đơn, mặc dù tiền lương của mỗi công nhân chỉ hơn 2 triệu đồng/ tháng nhưng cũng phải lấy 3 -4 lần nhận mới hết một tháng lương.
Cụ thể, từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2016, để lấy được tiền lương, hầu hết tháng nào cán bộ, công nhân viên nhà máy cũng phải đình công nghỉ việc đến vài ngày thì mới được chi trả. Tuy nhiên, việc chi trả cũng diễn ra “nhỏ giọt”. Bằng chứng là, tháng 1/ 2016, người lao động phải đình công nghỉ một tuần (từ ngày 21 đến 27/01/2016). Mặc dù vậy nhưng phải đến tận ngày 25/02/2016 hầu hết các công nhân chỉ nhận được một phần lương. Vì vậy, các công nhân lại tiếp tục đình công thì ngày hôm sau mới được lấy đủ tiền.
Ngày 01/ 07/ 2016, lãnh đạo Nhà máy Dệt kim Haprosimex với cán bộ, công nhân ngành dệt may để giải quyết vấn đề nêu trên. Tham gia cuộc họp còn có các đại diện: Công đoàn TP. Hà Nội; Công an TP. Hà Nội, Công an huyện Gia Lâm; Phòng Lao động - Thương binh –Xã hội huyện Gia Lâm; Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm...
Hầu hết các cán bộ, công nhân viên nhà máy đều chất vấn ông Nguyễn Cự Tẩm – Giám đốc rằng: “khi nào công nhân nhận được thẻ bảo hiểm, và khi nào nhận được tiền lương tháng tiếp theo”. Trước hai câu hỏi này, ông Nguyễn Cự Tẩm đều trả lời quanh co không dứt khoát.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Cẩm Liên - PGĐ Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm xác nhận số tiền nợ BHXH của Nhà máy Dệt kim Haprosimex đã lên tới 8,1 tỷ đồng, đơn vị đã nhiều lần đốc thúc nhưng phía công ty vẫn chưa cho phương án trả nợ. Đại diện Bảo hiểm xã hội huy ện Gia Lâm cũng cho biết: “không thể cấp thẻ bảo hiểm cho người lao động được, vì phía nhà máy hiện tại vẫn chưa thanh toán 8,1 tỷ đồng tiền bảo hiểm chưa đóng”. Thông tin này đưa ra khiến cho hầu hết các cán bộ nhân viên Nhà máy đều bất ngờ. Bởi, tất cả người lao động đều bị “cắt” 200.000 đồng tiền lương hàng tháng để đóng BHXH.
[caption id="attachment_107442" align="aligncenter" width="600"]
Cuộc họp giữa lãnh đạo Nhà máy Dệt kim Haprosimex với cán bộ, công nhân viên, cơ quan liên ngành vẫn chưa có đáp án thỏa đáng.[/caption] Rất nhiều công nhân đã trực tiếp hỏi ông Giám đốc Nguyễn Cự Tẩm trước cuộc họp về số tiền bảo hiểm trích ra từ lương của người lao động hiện đang ở đâu? Tuy nhiên, ông Tẩm liên tục "lảng tránh" không chịu trả lời?
Từ bất ổn đến bất thường.
Những bất ổn này đã đẩy người lao động vào đường cùng, trong số đó đã phải đi vay mượn bên ngoài để trang trải cuộc sống. Nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại ở việc: “chậm chi trả tiền lương, công nhân thường xuyên phải đình công, không nhận được thẻ bảo hiểm, hơn 8,1 tỷ đồng tiền bảo hiểm công nhân đóng đang ở đâu..?” mà ông Giám đốc Nguyễn Cự Tẩm còn bị người lao động "tố" có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý, điều hành, chi tiêu sai quy định, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.?
[caption id="attachment_107484" align="aligncenter" width="550"]
Nhà máy Dệt kim Haprosimex đặt tại khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm) với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, Đi vào hoạt động từ cuối năm 2008, công suất thiết kế một năm khoảng 10 triệu áo T-Shirt, Polo-Shirt quy chuẩn và 2 triệu bộ quần áo thể thao.... nhưng Nhà máy đã nhanh chóng "teo tóp" chỉ sau vài năm hoạt động.[/caption]
Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Phương – nguyên Trưởng phòng kế toán công ty công bố trước cuộc họp rằng: “ngày 4/3/2016 tôi nghỉ việc, và đề nghị được trả tiền lương, sổ bảo hiểm và bằng đại học. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay nhà máy vẫn chưa chịu trả cho tôi". Đặc biệt, bà Phương còn cho biết, ông Tổng giám đốc nhận 1 tỷ đồng ngoài sổ, và hàng tháng ông vẫn nhận 30 triệu đồng từ phòng kế toán nhưng không có bất cứ giấy tờ nào kèm theo. Bà Phương cũng hứa sẽ cung cấp tất cả các hồ sơ tài liệu liên quan để các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ những bất thường này.
Được biết, ngoài chức vụ Giám đốc Nhà máy Dệt kim Haprosimex, ông Nguyễn Cự Tẩm đồng thời là Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Haprosimex, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP may Thanh Trì.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Sơn Tùng