PV: Thưa ông, xin ông cho biết đôi nét về việc triều Nguyễn đã lựa chọn và xây dựng Ứng lăng (lăng vua Khải Định) như thế nào?
NNC Vĩnh Cao: Lăng Khải Định khởi xây từ năm Canh Thân (1920), hoàn thành năm Tân Mùi (1931) ở làng Châu Chữ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, có tên chính thức là Ứng Lăng. Vì trước lăng có khe Châu Ê chảy qua nên trước đây người dân Huế cũng gọi là lăng Châu Ê. Lăng xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XX, lúc chịu ảnh hưởng nhiều của kiến trúc phương Tây, nên nặng về bê tông cốt thép mà không có gỗ, vốn là vật liệu chính để xây dựng các lăng trước đây. Tuy nhiên lăng cũng có đủ các thành phần cấu trúc như các lăng thời trước như trụ biểu, sân chầu, bi đình...
Tuy nhiên việc sắp xếp điện thờ cùng tả hữu trực phòng không đúng qui cách thờ tự ngày trước dù cũng đầy đủ án thờ, sập thờ, bàn soạn,… bài vị nhưng lại theo qui cách riêng có vẻ tân kỳ. Có thể đây là do sở thích và sự chuộng cái mới lạ của vua Khải Định, điều này cũng được ghi nhận lại qua nhiều tài liệu và nhân chứng lịch sử. Theo tôi, khu lăng mộ này có nhiều điểm bất lợi về phong thủy.
Hiện trạng bãi đỗ xe trước của lăng Vua Khải Định
PV: Ông có thể nói rõ hơn về những điểm bất lợi đó như thế nào được không?
NNC Vĩnh Cao: Ứng lăng được xây dựng trên ngọn đồi cao, mặt hướng nhìn ra khe nước theo hướng Tây Nam, vì huyệt mộ ở gần đỉnh đồi, nên các cấu trúc khác lần lượt xây dựng từ trên xuống, vả lại thiếu thông thoáng ở bề ngang, nên phải dựng nhiều tầng cấp để lên lăng ở trên cao.
Theo quan điểm ngày xưa về phong thủy thì cả dương trạch (nhà cửa) cũng như âm trạch (mộ phần) đều có những ảnh hưởng không chỉ đến người đang sống mà cả con cháu về sau. Không những thế mà người thế nào (nói về cuộc sống cùng tinh thần) thì phải ở và chôn tại nơi phản ảnh đúng cuộc sống tinh thần của mình. Nhận xét lăng về phương diện phong thủy, không đề cập đến nghệ thuật, tôi có thể đưa ra mấy điểm sau:
- Tả, hữu lăng không có đất để nương tựa, nằm cô độc, chót vót trên cao. Tuy là nói lăng nhưng chính vẫn là huyệt mộ. Chính là yếu tố Nhất sơn nhất huyệt (một huyệt ở trên một ngọn núi). Với dân gian bình thường, huyệt ở quá cao, chỉ có tiền đường, hậu chẩm quá hẹp, tả hữu cũng không rộng nên chỉ có danh vọng mà ít thực quyền, thiếu người trợ giúp, con cháu cũng khó vượng phát. Lỗi lớn nhất của huyệt đạo là không nhìn thấy được mặt đất phía dưới. Với bậc đế vương sống phải nương tựa ở thần dân.
- Khe nước Châu Ê ở mặt trước lăng chỉ là khe nước nhỏ, vả lại quá thấp so với huyệt mộ ở trên cao, nên chẳng tạo được ảnh hưởng, không trợ giúp được gì cho mộ phần.
- Đường phía trước khu lăng Khải Định bọc bên trái của lăng tuy xe di chuyển nhiều, tạo nên yếu tố động, nhưng huyệt mộ quá cao nên không chịu ảnh hưởng gì.
- Mặt trước lăng, cũng như nhà cửa cần phải động để tạo Hỏa khí cho lăng, tuy nhiên cũng quá thấp so với huyệt đạo nên chẳng tạo yếu tố tốt về kinh tế cũng như công danh.
- Khuyết điểm của huyệt đạo là nằm quá cao, ở trên một ngọn đồi mà thiếu sự phụ trợ tả hữu, tiền hậu, quanh đồi thiếu hẳn các yếu tố phò trợ, không được các núi sông ở xa vây bọc phù trì.
- Lăng chỉ được xem là một công trình nghệ thuật, không phải là cấu trúc thờ tự, điện thờ trước ngai lại quá chật, thiếu phần tiền đường, chỉ thích hợp chiêm bái như kiểu phương Tây, không thích hợp với Á đông, hình thức tương tự như dựng một tượng đài ở trên cao cho mọi người chiêm ngưỡng, không phải là công trình nặng yếu tố phong thủy.
PV: Vậy theo ông, có thể làm gì để cải tạo hoặc sửa đổi để giúp cho phong thủy của khu lăng trở nên tốt hơn?
NNC Vĩnh Cao: Theo tôi, cần tạo yếu tố náo nhiệt trước lăng, hầu giúp được phần nào cho người đương thời hiểu biết thêm về hoàn cảnh của vị vua chịu ảnh hưởng của người Pháp, nhưng tạo được phong cách riêng. Luận về phong thủy thì chính vị trí của lăng đã không giúp được duy trì lâu dài cho con cháu về sau.
Nói chung dù có tài ba cũng khó sửa được lăng hợp với phong thủy Á đông. Lăng chỉ xem như một tượng đài nghệ thuật để mọi người chiêm ngưỡng, vì vậy cần sửa mặt trước cho thích hợp với những phương tiện di chuyển hiện đại, như vậy mới tạo được lượng khách chiêm ngưỡng đông đúc.
Hiện nay có một vài người cho rằng thiết lập bến xe tại vị trí ở phía đông (bên trái nhìn từ trong ra) của Lăng có ảnh hưởng về phong thủy, là không có căn cứ. Về dương hay âm trạch, bên tả thuộc Thanh Long, mà đối với phong thủy thì “Long động đa hỉ khí” (Thanh long động nhiều tốt lành), điều này trái với ở phía Tây (bên phải). Đa số tự viện hiện nay đều làm lối đi hoặc mở cổng ở chái đông, tạo hỉ khí, nhờ vậy mà khách thập phương ngày càng đông đúc.
Cũng như vậy ở lăng Khải Định, việc dựng bến xe hiện nay không gây ảnh hưởng gì đến phong thủy của Lăng, vì huyệt đạo của lăng ở quá cao, muốn gây ảnh hưởng cũng không được. Ngoài việc thuận lợi là để dời bến xe cũ vốn ở trước mặt lăng gây cản trở giao thông, đưa hẳn bến xe sang phía đông khiến khu này nhộn nhịp lên, tạo yếu tố động do nhân tạo, để cản bớt phần động của con đường bọc về phía tây của lăng.
Tiếc rằng con đường phía đông này chạy thẳng qua cầu Châu Ê đi thẳng sang phía Nam của lăng. Nếu mở thêm được con đường bọc về phía đông, tiến thẳng đến phía sau lăng, tạo thành một con đường suốt ở phía đông từ Chu tước (phía trước) đến Huyền vũ (phía sau) thì càng thịnh thêm cho thắng tích này. Điều cần lưu ý là vị trí bến xe hiện khá thích hợp (cách một khoảng tương đối bằng 2 chiều ngang của khu cấu trúc). Nếu dời đi quá xa, tất chẳng tạo được ảnh hưởng gì.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Hoàng Dương