Nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất Mỹ muốn chấm dứt sự thống trị của Trung Quốc
(CLO) MP Materials ký thỏa thuận 500 triệu USD với Apple, tăng sản lượng nam châm từ 1.000 lên 10.000 tấn, quyết chấm dứt thống trị Trung Quốc.
Tại một khu công nghiệp thuộc thành phố Texas này, những công nhân mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân đang nhúng những chiếc muôi khổng lồ vào lò kim loại nóng chảy ở nhiệt độ lên tới 982 độ Celsius.

Họ đang sản xuất một thứ mà nước Mỹ hiếm khi, thậm chí chưa từng, tạo ra ở quy mô thương mại trong nhiều thập kỷ qua: kim loại đất hiếm.
Nhà máy này là minh chứng rõ nét nhất cho tham vọng lớn lao của MP Materials, công ty đang đặt cược hàng tỷ USD vào khả năng một doanh nghiệp Mỹ có thể thách thức vị thế thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực kim loại đất hiếm.
Trung Quốc siết chặt nguồn cung, Mỹ đối mặt thách thức
Trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã tận dụng vị thế kiểm soát hơn 90% nguồn cung nam châm đất hiếm toàn cầu để hạn chế tiếp cận của các công ty phương Tây.
Động thái này khiến các tập đoàn công nghiệp lớn như Ford và Tesla rơi vào tình trạng bất ổn, đồng thời buộc chính phủ Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán thương mại để tìm giải pháp.
Để đối phó, MP Materials đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và thiết bị mới. Một mỏ do công ty kiểm soát tại California hiện trở thành nguồn cung khoáng sản đất hiếm lớn nhất ở Tây Bán Cầu.
Với cơ sở đang mở rộng tại Texas và sự hậu thuẫn tài chính mới từ Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm Góc), MP Materials đang gấp rút hoàn thiện chuỗi cung ứng nhằm biến lượng lớn khoáng sản thành nam châm chất lượng cao.
Vào ngày thứ Ba vừa qua, công ty công bố một thỏa thuận trị giá 500 triệu USD với Apple, cam kết cung cấp nam châm đất hiếm làm từ vật liệu tái chế, với các lô hàng đầu tiên dự kiến bắt đầu từ năm 2027.
General Motors cũng đã ký hợp đồng nhận hàng từ cuối năm nay. Đặc biệt, tuần trước, Lầu Năm Góc cam kết rót hàng trăm triệu USD vào MP Materials và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty.
Thỏa thuận này cho phép MP nâng sản lượng nam châm theo kế hoạch từ 1.000 tấn lên 10.000 tấn. Nhà máy mới được đặt tên đơn giản là “10x”.
Một phát ngôn viên Nhà Trắng nhận định: “Thỏa thuận này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tái thiết ngành công nghiệp đất hiếm nội địa của Mỹ".
Ngay sau thông báo, cổ phiếu MP Materials tăng vọt khoảng 50% trong ngày và đã tăng gấp ba lần trong năm nay. Một số đối thủ cạnh tranh cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Hành trình giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Sau nhiều năm nhận được sự hỗ trợ từ cả khu vực tư nhân lẫn chính phủ dưới thời Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden, các nhà sản xuất nam châm trên khắp nước Mỹ đang mở rộng quy mô.
Mục tiêu là xây dựng một nền tảng công nghiệp đủ sức đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mà không phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc cắt giảm đáng kể sự lệ thuộc vào nam châm đất hiếm từ Trung Quốc không phải nhiệm vụ dễ dàng hay ít tốn kém. Dù vậy, một số chuyên gia nhận định rằng điều này có thể đạt được trong vòng 3 đến 5 năm tới, nếu các dự án hiện tại được đẩy mạnh.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang vào cuộc. Vulcan Elements, một công ty sản xuất nam châm tại Durham, Bắc Carolina, do một cựu sĩ quan hải quân thành lập, dự kiến bắt đầu cung cấp sản phẩm cho quân đội Mỹ từ năm sau.
Noveon, có trụ sở tại San Marcos, Texas, đã ký thỏa thuận cung cấp nam châm đất hiếm sản xuất tại Mỹ cho Nidec - một trong những nhà sản xuất động cơ lớn nhất thế giới của Nhật Bản.
Trong khi đó, VAC, chuyên gia nam châm từ Đức, cũng chuẩn bị vận hành một nhà máy lớn gần Sumter, Nam Carolina, với sự tài trợ từ Lầu Năm Góc, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ đạt tổng công suất sản xuất vài nghìn tấn nam châm vào cuối năm, chiếm khoảng hơn một phần ba lượng nam châm Mỹ nhập khẩu hiện nay.
Bà Gracelin Baskaran, Giám đốc Chương trình An ninh Khoáng sản Quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C., nhận xét: “Khi chúng ta xây dựng các cơ sở sản xuất nam châm vĩnh cửu tại Mỹ và các khu vực khác, Trung Quốc sẽ dần mất đi lợi thế của mình”.
Bà nhấn mạnh rằng MP Materials “đang nỗ lực với tốc độ cao để giải quyết một trong những thách thức lớn nhất về an ninh quốc gia và kinh tế mà Mỹ đang đối mặt.”
Trung Quốc vẫn giữ thế mạnh vượt trội
Dù vậy, Trung Quốc vẫn nắm giữ nhiều lợi thế trong ngành đất hiếm. Nước này sở hữu một số mỏ tốt nhất thế giới, nguồn hóa chất giá rẻ để chế biến, lực lượng lao động kỹ thuật dồi dào và khả năng xử lý chất thải độc hại từ khai thác đất hiếm.
Các nhà sản xuất phương Tây từ lâu đã cho rằng Trung Quốc sử dụng vị thế của mình để kìm hãm sự trỗi dậy của các đối thủ, thông qua việc tăng nguồn cung để làm tràn ngập thị trường hoặc áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu.
Chính quyền Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu các công nghệ đất hiếm quan trọng và đang lập danh sách các nhà khoa học trong lĩnh vực này để ngăn họ chia sẻ kiến thức ra nước ngoài. Điều này khiến việc tìm nguồn cung thay thế trở thành nhu cầu cấp bách đối với nhiều doanh nghiệp.
Hồi tháng 4, Trung Quốc yêu cầu người mua nam châm đất hiếm phải nộp đơn xin xuất khẩu phức tạp để chứng minh không liên quan đến quân sự.
Việc xử lý đơn chậm trễ đã khiến một nhà máy sản xuất SUV của Ford phải tạm đóng cửa, gây hoang mang cho toàn ngành công nghiệp. Một nhà cung cấp ô tô thậm chí phải trả hơn 15 USD cho mỗi nam châm nhỏ, trong khi giá thông thường chưa tới 40 xu, theo một nguồn tin từ giao dịch.
Giám đốc điều hành Ford, ông Jim Farley, phát biểu tại một sự kiện cuối tháng 6: “Chúng tôi không thể có được nam châm công suất cao nếu thiếu Trung Quốc”.
Dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được hai thỏa thuận tạm thời nhằm khôi phục nguồn cung nam châm, lượng xuất khẩu từ Trung Quốc vẫn thấp hơn kỳ vọng, đặc biệt đối với các nhà cung cấp quốc phòng.
Mỹ sở hữu trữ lượng đất hiếm đáng kể dưới lòng đất, bao gồm 17 khoáng chất ít được biết đến như neodymium và samarium. Những nam châm làm từ các kim loại này có sức hút mạnh mẽ, có thể nâng được vật nặng gấp hàng trăm lần trọng lượng của chúng.
Tuy nhiên, việc khai thác và chế biến lại phức tạp và tốn kém. Ngành công nghiệp đất hiếm từng phát triển mạnh mẽ tại Mỹ đã sụp đổ vào những năm 1990 và 2000, do không thể cạnh tranh với giá cả từ Trung Quốc.
MP Materials, dưới sự dẫn dắt của hai nhà đồng sáng lập James Litinsky và Michael Rosenthal, đã bước vào lĩnh vực này gần như tình cờ. Từ giữa thế kỷ 20, mỏ Mountain Pass tại sa mạc Mojave, California, từng là nguồn cung đất hiếm lớn nhất toàn cầu.
Nhưng công ty trước đó quản lý mỏ, Molycorp, phá sản vào năm 2015 sau khi Trung Quốc tăng xuất khẩu làm giá sụp đổ. Litinsky và Rosenthal, hai người bạn thời thơ ấu với nền tảng tài chính, đã mua lại mỏ này vào năm 2017, quyết tâm không để tài sản chiến lược này bị bỏ hoang.
Litinsky, Giám đốc điều hành MP Materials, chia sẻ: “Nhiều người tin rằng không thể vực dậy được ngành này.” Ông từng kiếm được khối tài sản lớn khi sáng lập quỹ đầu cơ tại Chicago ở tuổi 28, nhưng giờ đây muốn chinh phục một thử thách mới.
Để khởi động, MP Materials đối mặt với không ít khó khăn. Mỏ Mountain Pass khi đó chỉ có 8 công nhân và rất nhiều lừa hoang dã, nằm ở một địa điểm hẻo lánh. Rosenthal, Giám đốc vận hành, nhớ lại: “Chúng tôi không có tiền, chỉ có 8 người, mỏ thì phá sản, ai cũng nói Mỹ không thể sản xuất đất hiếm”.
Công ty đã hợp tác với Shenghe Resources, một doanh nghiệp đất hiếm Trung Quốc, để nhận tài trợ ban đầu, đổi lại bằng một phần nhỏ cổ phần.
Shenghe sau đó bán quặng của MP cho các khách hàng tại Trung Quốc để tinh chế và sản xuất nam châm. Nhờ nguồn thu từ thỏa thuận này, MP bắt đầu xây dựng cơ sở chế biến riêng, với sự hỗ trợ khoảng 100 triệu USD từ Lầu Năm Góc.
Đến năm 2023, MP Materials trở thành công ty Mỹ duy nhất tách đất hiếm ở quy mô thương mại, cho phép bán trực tiếp cho các khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc mà không qua trung gian Trung Quốc. Hiện công ty đang mở rộng để tách các đất hiếm nặng có giá trị chiến lược, vốn đã được tích trữ tại mỏ của mình.
Dù đạt nhiều tiến bộ, MP Materials vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận ổn định. Từ năm 2022, sự dư thừa đất hiếm từ Trung Quốc đã khiến giá toàn cầu lao dốc, ảnh hưởng nặng nề đến các nhà khai thác phương Tây.
Từ quặng thô đến nam châm chất lượng cao
Để tiến xa hơn, MP Materials không chỉ dừng ở việc chế biến quặng mà còn học cách sản xuất nam châm. Công ty đã tuyển dụng nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm một lãnh đạo từng làm việc tại nhà máy nam châm châu Âu và các chuyên gia từ những công ty ngoài Trung Quốc.
Tại nhà máy Fort Worth, MP tránh mua thiết bị từ Trung Quốc—nơi sản xuất chính các máy móc làm nam châm - để giảm rủi ro bị Bắc Kinh cản trở. Thay vào đó, họ tìm đến các nhà cung cấp ở Bắc Mỹ và châu Âu, dù chi phí cao hơn và thời gian chờ đợi có thể lên tới gần hai năm.
Hiện tại, MP Materials đang chuẩn bị sản xuất nam châm ở quy mô thương mại. Thỏa thuận với Lầu Năm Góc vào thứ Năm tuần trước giúp công ty tăng gấp ba công suất nhà máy tại Texas và xây dựng một cơ sở lớn hơn.
Chính phủ Mỹ còn cam kết bảo vệ MP trước biến động giá bằng cách đặt mức giá sàn cho khoáng sản đất hiếm và đảm bảo mua nam châm, tạo động lực để công ty đẩy mạnh sản xuất.
Với Apple, MP Materials dự kiến xây dựng dây chuyền tái chế quy mô lớn tại mỏ California. Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook, nhận định: “Vật liệu đất hiếm rất cần thiết cho công nghệ tiên tiến, và quan hệ đối tác này sẽ củng cố nguồn cung các nguyên liệu quan trọng tại Mỹ”.
Dù vậy, con đường phía trước vẫn đầy thử thách. Để mở rộng sản xuất nam châm, MP cần thêm đất hiếm nặng vượt quá trữ lượng tại mỏ California, trong khi nguồn cung ngoài Trung Quốc rất hạn chế. Việc xây dựng và vận hành một nhà máy mới quy mô lớn cũng có thể phát sinh nhiều vấn đề.
Một số đối thủ phương Tây lo ngại rằng việc chính phủ Mỹ đầu tư quá lớn vào một công ty duy nhất như MP có thể khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng bị loại khỏi cuộc chơi, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh dài hạn của Mỹ.
Một lãnh đạo trong ngành đất hiếm nhận xét: “Chính phủ đang chọn người thắng kẻ thua, và họ dường như đặt cược lớn vào một công ty".
Tuy nhiên, Litinsky khẳng định sự ổn định của MP Materials sẽ mang lại lợi ích chung cho ngành. “Cơ hội tăng trưởng vẫn còn rất nhiều”, ông nói.