Nhà thầu 'quen mặt' tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang và dấu hỏi về chênh giá chưa có lời giải?
(CLO) Thời gian vừa qua, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang đã ký hàng loạt gói thầu với tổng giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng...
Công ty CP Armephaco trúng nhiều gói thầu “khủng”
Được biết, Công ty CP ARMEPHACO có địa chỉ tại số 118 phố Vũ Xuân Thiều, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP. Hà Nội, được quản lý bởi Cục Thuế TP. Hà Nội. Đây là loại hình doanh nghiệp Công ty Cổ phần ngoài Nhà nước, do ông Nguyễn Văn Dũng làm đại diện pháp luật. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang ký nhiều gói thầu
Theo thông tin từ cổng đấu thầu quốc gia, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2020, ông Trần Ngọc Tính – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang (Hiện nay, ông Tính đang là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang) đã ký liên tục 03 quyết định lựa chọn nhà thầu là Công ty CP ARMEPHACO, có tổng trị giá lên đến 530 tỉ đồng.
Cụ thể, ngày 25/11/2019, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang (BQLDA tỉnh Kiên Giang) đã ký quyết định số 1612/TB-BQL về việc thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 60, cung cấp và lắp đặt thiết bị phòng mổ, hồi sức cấp cứu thuộc dự án Bệnh viên Đa khoa Kiên Giang.
Nhà thầu là Công ty CP ARMEPHACO và các liên danh, giá trúng thầu là 307.339.000.000đ, trong khi đó giá dự toán của gói thầu là 308.411.800.000đ. Như vậy, sau công tác đấu thầu BQLDA tỉnh Kiên Giang đưa lại tỷ lệ tiết kiệm ngân sách cho nhà nước chỉ đạt 1.072.800.000đ, tương đương 0,35%. Một con số tiết kiệm khá “eo hẹp”!
Tiếp đó, ngày 21/8/2020, lãnh đạo BQLDA tỉnh Kiên Giang tiếp tục ký quyết định số 281/TB-BQL về việc thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1, nội thất phòng mổ Hybrid và thiết bị chuyên dùng cho phòng Hybrid thuộc dự án đầu tư phòng mổ kỹ thuật cao (Hybrid) cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.
Nhà thầu duy nhất trúng thầu vẫn là Công ty CP ARMEPHACO. Giá trúng thầu của gói thầu “khủng” này là 222.568.790.000đ, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 1%. Một con số tiết kiệm rất khiêm tốn.

Công ty Cổ phần Armephaco mua sắm có dấu hiệu chênh giá hàng chục tỉ đồng
Trước đó, tại Quyết định số 35/TB-BQL ký ngày 22/3/2019, về việc thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 61, cung cấp và lắp đặt thiết bị tim mạch, thăm dò chức năng, nội soi chẩn đoán thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Nhà thầu vẫn là cái tên “quen thuộc” Công ty CP ARMEPHACO.
Công ty CP ARMEPHACO cung cấp thiết bị giá cao hơn thị trường?
Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang được khởi công xây dựng từ tháng 4/2015, tại Khu đô thị mới Phú Cường, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Công trình có quy mô lớn với 1.200 giường, gồm 9 tầng, diện tích xây dựng hơn 17.400 m2. Tổng mức đầu tư cho dự án này gần 3.000 tỉ đồng do BQLDA tỉnh Kiên Giang và Sở Y tế tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư và mời thầu.
Dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2018, tuy nhiên đến tháng 5/2021, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang mới chính thức được tiếp nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị từ BQLDA tỉnh Kiên Giang để đi vào hoạt động.
Điều đáng nói, trong hàng chục gói thầu tổ chức thực hiện để phục vụ xây dựng và hoàn thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang được Chủ đầu tư thực hiện khá bài bản. Thế nhưng, nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà báo, phóng viên và dư luận gửi về báo Nhà báo và Công luận bày tỏ sự băn khoăn cho rằng, có hiện tượng “nâng giá, thổi giá” ở một số gói thầu mua sắm thiết bị, dấu hiệu gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, ở gói thầu số 1, nội thất phòng mổ Hybrid và thiết bị chuyên dùng cho phòng Hybrid, nhà thầu là Công ty CP ARMEPHACO. Giá trúng thầu là 222.568.790.000đ.
Tại danh mục 34, mua Hệ thống chụp mạch DSA 2 bình diện, chuyên dụng cho phòng Hybrid và các thiết bị phụ trợ, có ký mã hiệu là ARTIS Q biplane (10848282), Siemens Healthcare GmbH, xuất xứ của CHLB Đức với giá 45.700.000.000đ.
Tuy nhiên, năm 2022, Công ty CP ARMEPHACO trúng thầu và cung cấp cho Cục Y tế (Bộ Công an) cùng hệ thống như trên có các công năng tương tự với giá 30.600.000.000đ. Trước đó, năm 2017, Học viện Quân y mua cùng hệ thống này của Công ty TNHH XNK Thiết bị Y tế Đại Phát với giá 29.980.000.000đ.
Tiếp đến danh mục 35, mua hệ thống CT với khoang máy trượt (cho phòng mổ hybrid) và các thiết bị phụ trợ, với ký mã hiệu là SOMATOM Definition Edge (10590000), Siemens Healthcare GmbH, xuất xứ của CHLB Đức được Sở Y tế tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư và BQLDA tỉnh Kiên Giang bên mời thầu đã mua với giá 47.170.000.000đ.
Thế nhưng, cùng sản phẩm tương tự như trên Sở Y tế Hà Nam mua vào tháng 3/2020 với giá 25.960.000.000đ do Công ty TNHH MTV Thiết bị Y tế Hà Cao cung cấp. Tiếp đến, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phê duyệt sản phẩm tương tự nêu trên có giá 25.500.000.000đ do Liên danh Công ty TNHH Trang thiết bị y tế miền Tây và Công ty TNHH MTV Trang thiết bị y tế Toàn Thư trúng thầu. Chưa hết, đến tháng 6/2020, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM mua của Công ty CP Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo với giá 19.135.000.000đ.
Đối với thiết bị, Hệ thống CT với khoang máy trượt và các thiết bị phụ trợ (hệ thống CT scanner với ≥ 128 lát cắt/vòng quay - Hãng Siemens, xuất xứ Đức) nhiều đơn vị bệnh viện ở một số tỉnh thành trên cả nước mua với giá khác nhau và thấp hơn nhiều tỉ đồng so với chủ đầu tư và bên mời thầu.

Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang được đầu tư gần 3 ngàn tỉ đồng
Tương tự, tại gói thầu số 61: Cung cấp và lắp đặt thiết bị tim mạch, thăm dò chức năng, nội soi chẩn đoán (phần 1: Thiết bị nội soi chẩn đoán; phần 2: Thiết bị chụp mạch số hóa xóa nền; phần 3: Thiết bị chuyên ngành) thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư và BQLDA tỉnh Kiên Giang là bên mời thầu.
Cụ thể, ở phần 2: Thiết bị chụp mạch số hóa xóa nền của gói thầu trên, nhà thầu là Công ty CP ARMEPHACO trúng thầu với giá 63.450.000.000đ. Thế nhưng, một số mặt hàng tại đây có dấu hiệu “thổi giá” như: Hệ thống chụp mạch DSA 1 bình diện, chuyên dụng cho phòng Hybrid và các thiết bị phụ trợ (Hãng Sản xuất Siemens, xuất xứ CHLB Đức) có giá 36.200.000.000đ.
Thế nhưng, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mua Hệ thống chụp mạch DSA 1 bình diện (mua vào khoảng tháng 12/2020), có cấu hình, chức năng tương đương với sản phẩm của gói thầu nêu trên của BQLDA tỉnh Kiên Giang nhưng có giá chỉ là 18.680.000.000đ do Công ty Cổ phần Đầu tư HDN (Hà Nội) cung cấp.
Tuy mới khảo sát ngẫu nhiên 3 thiết bị trong một số gói thầu, thế nhưng số tiền chênh lệch lên đến khoảng 60 tỉ đồng.
Một số chuyên gia về đấu thầu cho biết, nhà thầu khi bàn giao sản phẩm cho chủ đầu tư, bên mời thầu, doanh nghiệp còn phải chịu thêm một số chi phí liên quan và lợi nhuận. Các sản phẩm mua sắm ở vùng, lãnh thổ khác nhau, có địa hình vận chuyển khác nhau, thời điểm mua khác nhau, chương trình hướng dẫn đào tạo công nghệ, hậu mãi khác nhau… dẫn đến việc chênh lệch giá là không tránh khỏi. Thế nhưng, sai số, chênh lệch giá chỉ cho phép trong giới hạn. Nếu số tiền bị chênh lệch quá lớn thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm vào cuộc để xem xét kiểm tra lại quy trình đấu thầu tại đây.
Với mong muốn giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, ngày 23/10/2023, phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã đặt lịch làm việc tới BQLDA tỉnh Kiên Giang. Sau đó, phóng viên đã nhiều lần liên lạc đến ông Bùi Phước Châu – Giám đốc BQLDA tỉnh Kiên Giang nhưng người này không nghe điện thoại và cũng không phản hồi tin nhắn. Ngày 6/11/2023, nhân viên văn phòng của BQLDA tỉnh Kiên Giang cho phóng viên biết “Có gì anh xuống anh gặp trực tiếp giám đốc, chứ giờ cái đó giám đốc đang cầm hồ sơ ở trên rồi chưa có chuyển xuống, tụi em cũng không biết làm sao nữa”.
Sau nhiều lần nỗ lực liên hệ với BQLDA tỉnh Kiên Giang bất thành, phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã phản ánh sự việc đến ông Đặng Vũ Bằng – Chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang. Ngày 9/11/2023, ông Bằng cho biết: “Anh Châu tôi có gọi rồi, anh Châu anh nói đang bận, để anh sắp xếp anh liên hệ lại”. Ngày 20/11/2023, phóng viên liên hệ lại với ông Đặng Vũ Bằng, ông Bằng chia sẻ: “Có gì tôi báo lại mấy anh, xem anh Châu có vấn đề gì không, có khi, có vấn đề gì đó anh Châu anh ngại…”. Sau đó, phóng viên cũng gửi các thông tin giấy tờ qua zalo theo yêu cầu của vị Chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang. Thế nhưng, đã hơn một tháng trôi qua Lãnh đạo BQLDA tỉnh Kiên Giang vẫn không phản hồi thông tin đến báo chí.
Để nguồn vốn đầu tư công được đảm bảo triển khai hiệu quả, minh bạch. Kính đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chỉnh phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, UBND tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan ban ngành liên quan khẩn trương thanh, kiểm tra và xử lý dứt điểm nếu có sai phạm xảy ra tại BQLDA tỉnh Kiên Giang.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tếp tục thông tin!