Nhà thơ Anh Ngọc: Đất nước cần những anh hùng trong yêu thương

Chủ nhật, 28/04/2019 09:09 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Lần giở những trang nhật ký đã ngả màu thời gian, đột nhiên giọng nhà thơ Anh Ngọc phấn khởi: Ơ, có cái bài “Chờ anh ở cực nam” mà đề “Gửi H.T” là gửi ông Hữu Thỉnh này. Ông Thỉnh có cái bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng ấy”. Ông ấy mà biết chắc sẽ vui lắm...

Xung phong ra mặt trận

Nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An. Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ xinh xắn ở khu tập thể 4B Lý Nam Đế, nhà thơ Anh Ngọc xúc động giới thiệu những tập nhật ký ông đã viết và lưu giữ từ hàng chục năm qua.

Lần giở những trang nhật ký đã ngả màu thời gian, nhà thơ Anh Ngọc phấn khởi: “Ơ, có cái bài Chờ anh ở cực nam” mà đề “Gửi H.T” là tớ gửi ông Hữu Thỉnh này. Ông Thỉnh có cái bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng ấy”. Ông ấy mà biết có bài thơ này chắc sẽ vui lắm. Trong bài có những câu thơ gửi cho nhanh rất thanh niên, nghịch ngợm mà vô cùng xúc động:

“Chưa tường pháo lớn tăng to

Chờ ôm cái dáng học trò của anh”

(Chờ anh ở cực nam, chiều 18/4/1975)

Anh em văn chương biết và sống với ông nhiều, còn đời sống đại chúng nhắc đến ông với nhiều bài thơ tình tứ như “Mỵ Châu”, “Thị Mầu”... và nhất là bài thơ “Vị tướng già”, viết năm 1994, sau khi nhà thơ cùng các nhà văn quân đội vào ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu thăm Đại tướng nhân kỷ niệm 50 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà thơ Anh Ngọc

Nhà thơ Anh Ngọc

Nhà thơ Anh Ngọc nói: Thật ra ban đầu tôi không làm báo hay viết văn. Năm 1967 tôi tốt nghiệp khóa 6, Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp. Tôi về đi dạy học ở Thanh Hóa. Tháng 6/1967, tôi xung phong tham dự một trại sáng tác ở mỏm Hàm Rồng. Tôi vẫn nhớ chỗ ấy gọi là đồi Ba cây thông, cao điểm 54, sát cạnh bờ Nam của cầu Hàm Rồng. Ở đấy có đại đội 4, về sau được phong anh hùng, có những người lính về sau cũng trở thành những người cầm bút như Từ Nguyên Tĩnh, Lê Xuân Giang...

Điểm cầu Hàm Rồng những năm ấy bom đạn rất ác liệt, ác liệt đến mức, nhà thơ Trinh Đường còn đưa vào thành câu thơ “Người đi qua, rơi bút bỏ đi luôn”. Cây bút quý giá như thế nhưng bom đạn và cái chết luôn rình rập – đến nỗi đánh rơi bút còn không dám quay lại nhặt.

Ngày 6/9/1971 tôi vào đi lính. Luyện quân một thời gian ở Hà Bắc thì được đưa thẳng vào Quảng Trị đúng lúc chiến dịch Quảng Trị nổ ra vào ngày 29/3/1972. Đến tận khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 tôi mới được gọi ra Hà Nội để làm báo. Suốt thời gian chiến dịch Quảng Trị, tôi là binh nhì, lính thông tin, thuộc Đại đội 4, E132, Bộ Tư lệnh Thông tin, chuyên đi nối dây để đảm bảo liên lạc thông suốt từ phía sau ra tiền tuyến.

Nhật ký bằng thơ

Những ngày tháng ấy tôi ghi nhật ký rất nhiều và làm thơ rất nhiều. Có thể nói là làm thơ chẳng khác gì ghi nhật ký. Thơ tôi viết về sự việc cụ thể, có sự chứng kiến của chính mình. Giống như nhà thơ Yesenin nói “Tiểu sử đời tôi là thơ tôi” thì thơ của Anh Ngọc cũng đúng y như vậy.

Chính những bài thơ trong giai đoạn này mà tôi được giải nhì cuộc thi báo Văn nghệ 1972 - 1973 trong đó có bài thơ “Cây xấu hổ” sáng tác năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị. Tôi còn nhớ lúc ấy nhà thơ Xuân Diệu, một thành viên của hội đồng chấm giải đã nói riêng với tôi là “Anh chấm bài thơ của em giải nhất”.

Nhà thơ Anh Ngọc tâm sự: Mặc dù “Cây xấu hổ” được giải thưởng nhưng với tôi, bài thơ tôi thích nhất trong giai đoạn ấy là bài “Khoảng đất dưới võng”.

Giữa bom đạn, trong bài có những câu thơ rất “tình”:

“Ba ngàn đêm nằm võng ở Trường Sơn

Nào ai đã từng nhìn xuống

Nơi một lần ta về mắc võng

Đường hành quân gửi lại một giấc say”

Hay là: “Có thể nào quên những buổi lên đường

Tăng võng cuốn rồi đất bày trống trải

Chào ngọn cỏ cánh hoa rừng ở lại

Chốn tình cờ phút chốc hóa yêu thương”

Hồi ấy, đồng hành cùng tôi, ngoài bạn lính thì có những nghệ sĩ như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trung Thu (tác giả bài “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”) và họa sĩ Duy Độ.

Những trang nhật ký bằng thơ của Anh Ngọc. Ảnh: Tử Hưng

Những trang nhật ký bằng thơ của Anh Ngọc. Ảnh: Tử Hưng

Những ngày sau Hiệp định Paris, chúng tôi hành quân ra Hà Nội rét mướt và mưa gió rất nhiều nhưng tâm trạng thì vô cùng phấn khởi và suốt dọc đường, loa phát thanh phát liên tục bài “Đường chúng ta đi” do Doãn Tần hát.

Ra Hà Nội tôi về báo Quân đội Nhân dân. Đây chính là môi trường thuận lợi để tôi tiếp xúc và gặp gỡ những con người lịch sử, địa danh lịch sử.

Tháng 1/1975, tôi bắt đầu hành quân vào Nam. Những ngày ấy quân đi như một cơn lốc cuốn. Tôi còn nhớ thời gian giải phóng một ấp, đến một huyện, rồi một tỉnh rất nhanh, chỉ vài tuần.

Nhà thơ Anh Ngọc có một thói quen đáng yêu là một mặt ghi nhật ký rất ngắn gọn, khi làm thơ lại trở cuốn sổ để ghi thành hai đầu. Thế nên trong cuốn sổ ghi chép từ năm ấy, nếu đối chiếu lại về thời gian là một trải nghiệm vô cùng thú vị.

Ngày 1/5 tôi đang ở bãi biển Ninh Chữ (Ninh Thuận), chiều ngày 3/5/1975 tôi mới có mặt ở Sài Gòn. Những ngày ấy, nhật ký còn ghi lại “Đến Sài Gòn chiều qua. Tối ngủ ở Cảnh sát quốc gia. Sáng nay đến chỗ Hải quân ở cảng Bạch Đằng”. Sau đó, tôi đi cùng hải quân ra tiếp quản Côn Đảo. Ra đấy tôi hoàn thành bài ký dài 7 kỳ về anh Lê Quang Vịnh, một tử tù rất nổi tiếng ở Côn Đảo. Đấy là lúc tôi viết trường ca “Sóng Côn Đảo”.

Đầu kia cuốn sổ là hàng loạt những bài thơ ghi lại những xúc động tuyệt vời của một nhà thơ – người lính như bài “Âm thanh mới của Sài Gòn”, “Nơi mắc võng”, v.v...

“Lần đầu về với Sài Gòn

Loay hoay tìm nơi mắc võng

Nhìn bốn bức tường nhẵn bóng

Thương tình chẳng dám đóng đinh

Suốt đêm nằm không trở mình

Hai đầu võng treo song cửa

Mơ màng nửa thức nửa ngủ

Bâng khuâng nửa phố nửa rừng

Ru anh như chiếu như giường

Đệm chăn nằm không bén gối

Trong mơ chợt nghe tiếng suối

Mở mắt quạt trần đang quay

(“Nơi mắc võng”, Sài Gòn, 26/5/1975)

Những cảm giác trong trẻo và có phần lúng túng của những người lính bao năm ở rừng nay về phố đã được nhà thơ Anh Ngọc ghi lại bởi chính ông là chứng nhân của những phút giây lịch sử và cả những cảm xúc từ tận chính tâm can những người lính năm ấy.

Đất nước cần những anh hùng trong yêu thương

Trò chuyện với nhà thơ Anh Ngọc về hình tượng anh bộ đội, ông nói: “Thời ấy ai người ta cũng yêu bộ đội, người bộ đội xứng đáng được yêu. Họ là những người dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh, thậm chí chết chóc trong chiến đấu. Hình tượng anh bộ đội là hình tượng trung tâm, được tôn vinh nhất trong suốt 30 năm và mãi về sau này nữa. Một hình tượng lớn như vậy thì tất nhiên báo chí, văn học nghệ thuật tập trung ca ngợi. Trong số đó có những nhà văn bản thân họ là bộ đội, họ suy từ chính họ ra, họ hiểu chính họ và viết về chính họ. Cảm xúc tự thân không thể “khóc mướn thương vay” được. Thời nào cũng có anh hùng của thời đó, thời nào cũng có thi sĩ của thời đó”.

Trò chuyện với ông, ông tự nhận là mình bây giờ có cuộc sống đơn giản khép kín, thế nhưng nói trong ngày thơ Nguyên tiêu hồi đầu năm, ông là người trình diễn mở màn cho chủ đề “Sông núi trên vai”, cái bệnh trào ngược dạ dày tai quái dường như không làm ông bớt hăng hái mỗi khi nói về thơ, về những người lính.

Ông trầm ngâm: “Thời của chúng tôi đẹp đẽ và oanh liệt vô cùng nhưng cũng đã là quá khứ. Chẳng đất nước nào mong có đánh nhau để sinh ra anh hùng. Một đất nước cần nhiều anh hùng chiến đấu là một đất nước bất hạnh. Chúng ta có muốn đánh nhau đâu. Nó bắt mình phải đánh nhau thôi. Quan trọng nhất là đất nước được thanh bình. Tốt nhất là nên có những anh hùng trong thời bình, anh hùng trong lao động, trong yêu thương”.

Trần Quốc

Tin khác

Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

(CLO) Đờn ca tài tử là nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ và Long An là một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam Bộ.

Đời sống văn hóa
Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

(CLO) Chặng đường lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập, thống nhất.

Đời sống văn hóa
Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

(CLO) Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vừa mới tổ chức khai hội Đền Đô truyền thống Xuân Giáp Thìn - 2024, kỷ niệm 1014 năm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang vừa mới tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

(CLO) Triển lãm nhiếp ảnh Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024) sẽ được tổ chức vào ngày mai (24/4). Hiện, các công việc chuẩn bị cho Triển lãm đã cơ bản hoàn tất.

Đời sống văn hóa