Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến kể về những dự cảm trong đời

02/12/2015 05:55

Đây là những câu chuyện không phải mê tín, huyễn hoặc, nói đúng hơn đó là những dự cảm rất đời thường về số phận, về tương lai của chính mình và nó “ứng nghiệm” một cách kỳ lạ đối với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến...

(CLO) Đây là những câu chuyện không phải mê tín, huyễn hoặc, nói đúng hơn đó là những dự cảm rất đời thường về số phận, về tương lai của chính mình và nó “ứng nghiệm” một cách kỳ lạ đối với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến - Người mà giới văn nghệ vẫn hay bảo: mang bản lý lịch “đặc biệt”!

[caption id="attachment_66299" align="aligncenter" width="485"]anh Nguyen Viet Chien 1 Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến[/caption]

1. Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến là vào năm 2011 trong một đêm nhạc chủ đề về biển Đông tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Đêm nhạc có chủ đề lấy từ tựa bài thơ rất hay, rất xúc động và trở thành “hiện tượng” của anh: “Tổ quốc nhìn từ biển”. Chương trình do Vùng 4 Hải quân tổ chức đã diễn ra trong âm vang hào khí yêu nước sôi nổi, và anh – nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là khách mời đặc biệt.

Bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của anh do nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc và được hát mở màn trong chương trình. Hôm đó, có cả đài HTV ghi hình và phát sóng trực tiếp.

Tôi còn nhớ năm ấy, khi tình hình biển Đông đang dậy sóng, bỗng nhiên xuất hiện một bài hát có nội dung rất được lòng dân và phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Bài hát đã gợi lên cho người nghe một tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển cả và lòng tự hào dân tộc chất ngất. Nó như thôi thúc, giục giã người dân nước Việt cùng hướng về biển đảo thiêng liêng: “…Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?...”.

Hỏi ra mới biết, bài hát được phổ từ bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Tôi vào mạng tìm đọc bài thơ:

“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”…

Và tôi mong có một ngày gặp được tác giả.

Rồi hơn sự mong đợi, chẳng lâu sau, tôi gặp được anh trong đêm nhạc “Tổ quốc nhìn từ biển” tại TP.HCM ấy. Đêm đó, khi xong chương trình, tôi, anh và nhà thơ Phan Trung Thành cùng ngồi nhâm nhi đến khuya lơ.

Lần gặp gần nhất là khi anh được mời tham gia đêm công diễn và trao giải cuộc thi sáng tác ca khúc “Tôi yêu Tổ quốc tôi”  (do Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên tổ chức) diễn ra vào tối 14.10 vừa qua. Trong số 2.000 tác phẩm gửi về tham dự, có 11 ca khúc được chọn vào vòng chung kết và trong đó bài thơ “Tổ quốc là tiếng mẹ” của anh do nhạc sĩ Nguyễn Văn Phượng phổ nhạc cũng được trao giải.

Chuyện là trước khi bay vào TP.HCM để tham dự chương trình, anh đã a lô cho tôi biết. Thế là trưa đó, tôi í ới thêm mấy anh em trong giới văn chương, báo chí, báo là có nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến vào chơi. Hôm ấy anh em bạn hữu đến rất đông, cuộc nhậu cứ thế rôm rả với bao chuyện mày tớ, chuyện nghề, chuyện đời...

Dịp này, tôi mới được nghe anh kể về chuyện anh viết bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" một cách đầy dự cảm như thế nào. Đó là vào tháng 4.2009, trong một đợt đi sáng tác cùng anh em Tạp chí Văn nghệ Quân đội với bộ đội Hải quân ở Hạ Long (Quảng Ninh), anh đã viết bài thơ này. Nghĩa là bài thơ được viết hơn hai năm trước khi xảy ra việc Trung Quốc liên tục gây hấn, cắt cáp tàu của ta trên Biển Đông vào tháng 5.2011, và hơn năm năm trước khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của nước ta. (!)

Kể cũng lạ, thói thường, khi một ai đó vừa thoát khỏi cảnh khốn cùng, hoạn nạn, mất tự do (nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến được trả tự do đầu năm 2009), họ sẽ thường tự chiêm nghiệm, thở than thân phận, nói lên những tâm sự, viết lên những nỗi niềm thăng trầm của cuộc đời mình thì Nguyễn Việt Chiến lại viết “Tổ quốc nhìn từ biển” - tác phẩm đầu tay kể từ khi anh trở lại nghiệp viết!

Có thể nói, anh đã vượt lên nỗi đau đời thường của chính mình, bỏ qua những hiềm nghi tầm thường tự sự để nghĩ về Tổ quốc, để xúc động theo cách một nhà thơ đang cảm nhận sự tự do qua mỗi ngày đang sống và nhìn nhận những nguy cơ, những hiểm họa đang đến gần trên vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Và chính từ những cảm xúc lớn lao, trách nhiệm ấy, anh đã viết "Tổ quốc nhìn từ biển" như viết từ chính bằng máu và nước mắt của mình – như lời Nguyễn Việt Chiến tâm sự.

Và không gì vui sướng, thỏa chí hơn khi bài thơ nhận được sự tri âm, đồng điệu từ triệu triệu người yêu nước đúng vào thời điểm “đất nước gian lao”. Ngay sau đó, anh cho ra đời luôn tập trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển” gồm hơn 1.000 câu thơ và mười chương, trong đó có 4 chương viết về biển đảo và 6 chương viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc. Tác phẩm này đã được trao giải thưởng Văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng giành cho những tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài chiến tranh, cách mạng và bảo vệ Tổ quốc. Thế mới gọi là tài chứ – chữ của một nhà văn.

2. Trong cuộc nhậu của giới “thi nhân”, bàn về thơ mãi cũng không chán, nhưng khi nhắc đến từ “dự cảm”, anh lại kể cho tôi nghe câu chuyện “tai nạn nghề nghiệp” cũng mang tính dự cảm không kém của mình. Đó là từ đầu năm 2008, khi nhà báo Nguyễn Việt Chiến sắp bị bắt. Năm đó, vào đêm Thơ Nguyên tiêu, anh đọc thơ trên Văn miếu. Lúc bấy giờ, trên Văn miếu có treo những tấm panô in hình các nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Và trong panô có hình anh in chung với vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. “Mà em biết chuyện tai nạn của đôi vợ chồng nhà thơ tài hoa và bạc mệnh rồi đúng không?” – Anh hỏi tôi. “Thế nên, lúc anh đứng đọc, thấy gió cứ phất phơ tấm panô có hình anh cùng hai nhà thơ bạc mệnh đó làm anh cứ rờn rợn trong người. Nó giống như một dự cảm vậy!” – nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến kể lại.

Như một định mệnh, tháng 2, Nguyễn Việt Chiến đọc thơ, tháng 3 anh vào Nam và cũng viết những bài thơ cũng đầy dự cảm về thân phận, đến tháng 5 anh bị bắt! Anh kể, khi xe áp giải ra tòa xử đi qua Văn miếu, nhìn qua cửa xe, anh tự nhủ: không biết mình có còn cơ hội trở về để đọc thơ trong ngày thơ Việt Nam nữa không? Vậy rồi, đầu năm 2009, anh lại trở về và đọc thơ ngay tại sân thơ từng làm anh “rờn rợn” ấy. “Với anh, chuyện xảy ra như một giấc mơ kỳ diệu vậy!” – nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến khề khà khi kể lại.

Nghe vậy, riêng tôi chợt nghĩ (một nét nghĩ có vẻ nghiệt ngã chăng?) rằng: Biết đâu, nếu anh không “đi” như thế, anh sẽ không có một “Tổ quốc nhìn từ biển” thì sao?!

“Anh còn nhớ anh Hữu Thỉnh (nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – PV) đã cử anh lên đọc thơ năm ấy. Mình nghĩ, anh ấy chắc cũng đắn đo lắm chứ? Vì thân phận của anh lúc bấy giờ như thế mà, nhỡ đâu… Khi đọc xong, ảnh ôm trầm lấy anh xúc động nói: Tất cả những gì anh nghĩ về em hoàn toàn đúng, em là nhà thơ yêu nước vô cùng trong sáng!” – nhà thơ Nguyễn Việt Chiến kể lại.

Nói đến đây, anh lại bảo không nên nói nhiều về dĩ vãng thân phận làm gì. Thế là cuộc nhậu lại láy sang chuyện khác. Tôi hỏi anh về cuộc “bút chiến” bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”, anh bảo: “Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Quang Lập có nói về chuyện này như sau: Thơ dở thì hay lẫn vào nhau và chúng ta không nên tranh chấp vì một bài thơ dở”...

Có tay nọ đánh đét một cái… Hay!

Phùng Hiệu – Nguyên Pháp

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến kể về những dự cảm trong đời
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO