(CLO) Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Uninship) - Trường đại học Nha Trang có trụ sở tại vùng cửa sông Quán Trường, thuộc khu vực Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP. Nha Trang, Khánh Hòa). Đây cũng là địa chỉ đặt Xưởng đóng tàu của Uninship, nơi chuyên đóng các loại tàu thủy, tàu cá bằng vật liệu Comporsite. Theo phản ánh của người dân, trong quá trình sản xuất, Xưởng đóng tàu này thải ra nhiều loại chất thải, nguy hại hơn bãi chứa chất thải nằm ngay sát bờ sông Quán Trường.
[caption id="attachment_116319" align="aligncenter" width="800"]
Xưởng đóng tàu của Uninship[/caption]
Để làm rõ vụ việc theo như phản ánh, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo Uninship, ông Đinh Đức Tiến - Phó giám đốc đại diện Uninship cho biết, mỗi năm Uninship sản xuất khoảng 4- 5 tàu cá bằng vật liệu Comporsite cho ngư dân. Hoạt động sản xuất của đơn vị được thực hiện trong xưởng kín. Xưởng được bố trí các máy hút bụi, công tác vệ sinh công nghiệp nhà xưởng được thực hiện thường xuyên.
Trả lời câu hỏi, chất thải của Xưởng đóng tàu gồm những chất gì. ông Tiến cho hay, chất thải của xưởng là các loại vật liệu Comporsite! chất thải này được xử lý bằng cách đào lỗ chôn ở khu đất trũng trong khuôn viên xưởng sản xuất. Khi tàu hoàn thành thi công, được rửa bằng xà phòng, có hệ thống thu gom nước thải vào hầm rút (!?).
Phóng viên đề nghị được “thực tế” khu xưởng sản xuất và nơi chôn chất thải.
Theo ghi nhận của phóng viên, Xưởng đóng tàu của Uninship khá lớn, nằm sát mép sông Quán Trường. Bước chân vào khuôn viên xưởng, một mùi hôi rất khó chịu giống như của hợp chất sơn - xăng xộc vào mũi. Mùi hóa chất cộng với bụi từ những chiếc máy mài khiến những người lạ bước vào xưởng muốn ngộp thở.
[caption id="attachment_116320" align="aligncenter" width="620"]
Bãi chứa chất thải của Uninship nằm ngay trên bờ sông Quán Trường[/caption]
Trong khu xưởng có 5- 6 tàu comporsite đang được thi công. Trong xưởng được tập kết rất nhiều thùng phuy mà theo công nhân tại đây, đó là các thùng chứa keo công nghiệp. Điều đáng ngạc nhiên, trong điều kiện làm việc như vậy, nhưng phương tiện bảo hộ lao động của công nhân khá sơ sài với mũ nhựa và khẩu trang thông thường.
Khu vực chôn chất thải như ông Tiến nói, nằm ngay bên bờ sông, một bãi rác lộ thiên ngồn ngộn, không che chắn, cũng không hàng rào, gồm vố số rác, phế liệu đủ màu xanh đỏ, được chất đống trên một khu đất rộng cỡ vài ngàn mét vuông. Phía ngoài cùng của khu bãi rác là một cái ao, được xây đá hộc bao quanh để chứa rác.
8 giờ sáng, nước sông mấp mé mặt bờ kè. Dù được xây kè bao, nhưng có lẽ là kè hở chân, xếp bằng đá hộc (chỉ trét hồ phía trên mặt kè), lại có đoạn bị vỡ, nên ngoài sông có sóng, trong ao rác cũng dập dềnh theo nhịp sóng. Nước trong ao đen sánh.
Xưởng đóng tàu và bãi rác chỉ cách khu dân cư vài ba chục mét. Một người dân sống quanh khu vực xưởng đóng tàu cho biết, bãi rác công nghiệp hình thành đã nhiều năm qua nhưng không thấy ai thu dọn khiến vùng cửa sông từ lâu đã bị ô nhiễm. Nước tại vị trí sống quanh xưởng rất đen, bẩn, nên không ai dám tắm.
Cơ sở sản xuất công nghiệp có được phép chôn, chứa rác thải công nghiệp ngay tại nơi sản xuất; nhất là vị trí chôn rác lại nằm trong phạm vi mặt nước của con sông. Và, vì sao, một bãi rác công nghiệp khá lớn, những thành phần hóa học độc hại, lại ngang nhiên tồn tại trong khu vực dân cư nhiều năm qua. Chúng tôi xin chuyển những câu hỏi này tới những cơ quan chức năng thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa.
Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!
Anh Huy