Nhà Trắng - Những ngày cuối cùng của cuộc chiến

Chủ nhật, 29/04/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vào những ngày cuối cùng của tháng 4 cách đây 43 năm, sau rất nhiều những động thái được tung ra trong tuyệt vọng, Nhà Trắng đã phải cay đắng nói lời từ bỏ đối với cuộc chiến mà họ đã dày công xây dựng qua 5 đời Tổng thống Mỹ.

Từ chuyến thị sát của Tướng Frederick C. Weyand

Hiệp định Paris, liên tiếp những chiến thắng vang dội và mang ý nghĩa quyết định, quyết định tới thế cục chiến trường của quân đội cách mạng Việt Nam: chiến dịch Buôn Mê Thuật, chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng… đã đẩy chính quyền Sài Gòn liên tục bị đe dọa từ nhiều phía. Đến ngày 25/3/1975, Quân Giải phóng hoàn toàn làm chủ 6 tỉnh cao nguyên và một số tỉnh duyên hải miền Trung. Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu hết ban hành công điện khẩn đến nhật lệnh kêu gọi, ra lệnh quân đội Sài Gòn "tử thủ" các tỉnh còn lại, song vẫn không cứu vãn được thế thua. 

Tình thế cấp bách đến mức cuối tháng 3/1975, Tổng thống Gerald Ford - người lên tiếp quản Nhà Trắng thay Nixon - quyết định cử Đại tướng Frederick C. Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ đến Sài Gòn, nghiên cứu tình hình miền Nam nguy cấp đến mức nào để có giải pháp ứng phó. Tổng thống Ford nói với Weyand: "Anh hãy đi. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của anh. Anh đừng để mất nhiều thời gian - hãy nghiên cứu tình huống và xem liệu chúng ta có thể làm gì… Chúng tôi muốn anh tư vấn về những điều mà có thể gây sốc cho miền Bắc". Weyand hứa: "Chúng tôi sẽ mang về một đánh giá chung và cung cấp một cái nhìn chính xác nhất về tình hình hiện nay".

Đến Sài Gòn vào tối ngày 25/3/1975, ngày 26/3, Weyand lập tức có cuộc gặp gỡ với các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ và giới lãnh đạo chính quyền Sài Gòn. Những ngày kế tiếp, Weyand gặp gỡ các tướng lĩnh chỉ huy chiến trường của chính quyền Sài Gòn, nhằm trực tiếp nắm tình hình chiến sự. Với nhiệm vụ "kéo dài cơn hấp hối" của VNCH, Weyand suy nghĩ nát óc hòng tìm ra một chiến thuật mới để có thể cứu Nam Việt Nam dù chỉ ít ngày trực tiếp nắm bắt tình hình, ông ta đã sớm hiểu rằng "Miền Nam Việt Nam đang nguy to".

Báo Công luận
Tổng thống G. Ford họp bàn cùng Đại sứ Graham Martin, Tướng Weyand, Ngoại trưởng Kissinger tại Nhà Trắng ngày 25/3/1975.  

Ngày 2/4, tướng Weyand tổ chức cuộc họp hỗn hợp Mỹ - chính quyền Sài Gòn.  Trước đó, sau khi trực tiếp lên Xuân Lộc thị sát, tướng Weyand chọn Xuân Lộc làm tuyến cố thủ và nhấn mạnh: "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Ngay sau đó, một tuyến phòng thủ kéo dài được thiết kế với 2 "tử điểm" là Phan Rang và Xuân Lộc cùng với Tây Ninh. Cùng ngày, tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger, trong một cuộc họp báo cũng công bố kế hoạch thiết lập phòng tuyến cố thủ của Mỹ – Thiệu tại miền Nam Việt Nam và cho đó là một cuộc "trắc nghiệm mới" với thời hạn trong vòng 30 ngày.

Ngày 5/4/1975 (tức ngày 6/4 giờ Sài Gòn), đang trên đường bay về Washington, tướng Weyand được lệnh đổi hướng bay thẳng về Palm Springs (bang Nevada) để phúc trình ngay về tình hình VNCH cho Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger đang đợi tại đó. Trong tóm lược của bản phúc trình về tình hình Nam Việt Nam và đề nghị những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp của Nhà Trắng cho chính quyền Thiệu, tướng Weyand viết: Tình hình quân sự của VNCH đang lâm vào tình trạng nguy ngập, và sự tồn tại của Nam Việt Nam là rất mong manh. Chính quyền VNCH đang bên bờ vực của một thất bại quân sự hoàn toàn. Rất nhiều đề xuất đã được Weyand đệ trình nhằm cứu vãn tình thế.

Ngày 6/4, phòng tuyến Phan Rang hình thành. Hai ngày sau, phòng tuyến Xuân Lộc được bố trí xong với binh lực mạnh nhất mà chính quyền Sài Gòn có trong tay. Hy vọng le lói được thắp lại trên chính trường Mỹ và Sài Gòn. Tuy nhiên, mọi sự dường như đã quá muộn cho mọi "dự án giải thoát". Ngày 7/4/1975, quân giải phóng đã áp sát phòng tuyến Phan Rang, hai ngày sau, ngày 9/4, chiến dịch Xuân Lộc mở màn. Ngày 14/4, quân giải phóng chính thức mở trận tiến công phá vỡ phòng tuyến Phan Rang và chỉ sau hai ngày tiến công, Quân giải phóng đã phá tan phòng tuyến "lá chắn" Phan Rang. Mọi hy vọng của Mỹ – Thiệu dường như tiêu tan. Nguy cơ Quân Giải phóng tấn công Sài Gòn ngày một tới gần.

Thất vọng trước diễn tiến trên chiến trường miền Nam, Tổng thống Mỹ G.Ford gây sức ép buộc Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, nhường ghế cho Trần Văn Hương, hòng hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ vì đó mà chấp nhận những yêu cầu đòi viện trợ quân sự cho chế độ Sài Gòn. Nhưng diễn biến trên chiến trường đã khiến các kế hoạch của Mỹ trở nên quá muộn màng. Ngày 21/4, trước giờ Thiệu đọc diễn văn từ chức, quân Giải phóng đã chọc thủng "cánh cửa thép Xuân Lộc" để tiến vào Sài Gòn. Cuộc trắc nghiệm 30 ngày thất bại thảm hại. Chuyến thị sát của viên tướng Tham mưu trưởng lục quân rốt cuộc đã chẳng giúp ích được gì nhiều cho chính quyền G.Ford cũng như chính quyền VNCH.

Đến lời tuyên bố chấn động nước Mỹ

Ngày 23/4/1975, trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tại Đại học Tulane, bang New Orleans, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố: "is finished as far as America is concerned - Đối với Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc". "Như tôi thấy, đã đến lúc phải tìm kiếm một chương trình nghị sự cho tương lai, để thống nhất, để hàn gắn các vết thương của đất nước (Mỹ) và để khôi phục nó trở về trạng thái khỏe mạnh và tự tin, lạc quan", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh thêm trong bài diễn văn tại Tulane.

Trong số phát hành ngày 5/5/1975, bình luận về tuyên bố của Tổng thống Ford ngày 23/4, tạp chí Newsweek cho biết rất nhiều người Mỹ đã đổ ra các đường phố nhảy múa, ăn mừng khi Tổng thống tuyên bố chấm dứt chiến tranh (people used to dance in the streets when a president declared the end of a war - NV). Với họ, việc Mỹ bị sa lầy trong chiến tranh ở Việt Nam đã hủy hoại niềm tin của người Mỹ vào các lãnh đạo của họ, nhiều người Mỹ thậm chí tin rằng, họ đã bị chính phủ lừa phỉnh và phản bội.

Báo Công luận
 

Trong khi "nhiều người dân Mỹ nhảy múa, ăn mừng" thì với chính quyền VNCH, tuyên bố của Tổng thống Ford chẳng khác gì trận bom B52 nhấn chìm mọi hy vọng, làm gia tăng nỗi bấn loạn trong thời khắc quân đội Giải phóng đã siết chặt các gọng kìm bao vây Sài Gòn. Họ không thể nhận thức hết được rằng thời điểm ấy với chính quyền G.Ford chỉ còn là việc làm thế nào di tản được toàn bộ người Mỹ khỏi Sài Gòn. 10 giờ 50 phút ngày 29/4, sứ quán Mỹ ở Sài Gòn nhận được lệnh thi hành kế hoạch "Gió cuốn". 

Mật lệnh "Tôi đang mơ một lễ Giáng sinh tuyết trắng" được phát liên tục trên đài phát thanh Mỹ để báo cho mọi người Mỹ ở Sài Gòn đến tập trung tại 13 điểm chờ máy bay lên thẳng đến bốc đi. Tại Wasshington, Ford, Kissinger, Shlessinger theo dõi trực tiếp cuộc di tản, yêu cầu Sài Gòn thường xuyên báo cáo bằng điện thoại. Lo ngại trước khả năng người Mỹ có thể bị bắt, Ford đồng ý kéo dài thời gian nhưng ra lệnh phải kết thúc chiến dịch vào 4 giờ sáng ngày 30/4/1975.

11 giờ 30 ngày 30/4/975, quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các Vũ Văn Mẫu đầu hàng vô điều kiện. 11h30 cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc tòa nhà Phủ tổng thống, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã "tiêu tốn" của nước Mỹ 5 đời Tổng thống, 18 tỷ USD viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, huy động tới 6,6 lượt lính Mỹ tham chiến, kéo dài 222 tháng và khiến nước Mỹ phải 4 lần thay đổi chiến lược chiến tranh, 8 lần thay Đại sứ toàn quyền, 4 lần thay Tổng tư lệnh quân viễn chinh tại Việt Nam, song vẫn không cứu vãn được thất bại.

Có lẽ chính quyền VNCH cũng phải "cảm thông" cho lời tuyên bố của Tổng thống G.Ford. Nước Mỹ không thể mãi dính líu đến một cuộc chiến đã kéo quá dài, gây quá nhiều tốn kém và từng có lúc tạo sự chia rẽ ngay trong chính nội bộ nước Mỹ. "Nước Mỹ đã thất bại và hy vọng sẽ rút ra được bài học, sẽ không bao giờ có một Việt Nam khác nữa" - đó là lời của một quan chức CIA trước khi rời Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Hà Anh (Tổng hợp)

 

Tin khác

Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

(CLO) Hệ thống phòng không lỗi thời khiến Iran dễ bị Israel tấn công nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định phớt lờ áp lực toàn cầu để trả đũa trực tiếp bằng loạt tên lửa và máy bay không người lái.

Thế giới 24h
Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

(CLO) Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine đã bị bắt hôm 17/4 trong khuôn viên Đại học Columbia (New York, Mỹ), sau khi cảnh sát New York giải tán một khu trại do sinh viên dựng lên để biểu tình chống lại hành động của Israel ở Gaza.

Thế giới 24h
UAE chật vật phục hồi sau lượng mưa lớn hiếm có trong lịch sử

UAE chật vật phục hồi sau lượng mưa lớn hiếm có trong lịch sử

(CLO) Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang chật vật phục hồi sau khi lượng mưa lớn nhất từng được ghi nhận đổ bộ vào quốc gia sa mạc này.

Thế giới 24h
Truyền thông Iran nói Israel đã tấn công, UAV xuất hiện trên bầu trời Isfahan

Truyền thông Iran nói Israel đã tấn công, UAV xuất hiện trên bầu trời Isfahan

(CLO) Truyền thông Iran đưa tin hôm 19/4 rằng lực lượng nước này đã phá hủy máy bay không người lái (UAV) trên bầu trời thành phố Isfahan, vài ngày sau khi Iran không kích trả đũa vào Israel.

Thế giới 24h
Argentina muốn trở thành đồng minh của NATO

Argentina muốn trở thành đồng minh của NATO

(CLO) Argentina hôm thứ Năm đã chính thức yêu cầu gia nhập NATO với tư cách là đối tác toàn cầu, trong bối cảnh chính quyền cánh hữu của Tổng thống Argentina Javier Milei muốn cường quan hệ với các cường quốc phương Tây và thu hút đầu tư.

Thế giới 24h