Nhà vườn cũ của Tố Như ở Tiền Giáp

11/11/2015 15:13

Xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là quê nội của đại thi hào Nguyễn Du, tự Tố Như, tác giả Truyện Kiều được tôn vinh bậc thần thánh trong làng thơ ca đất Việt. Ông là con quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm, sinh ra ở phủ đệ Bích Câu nơi kinh kỳ.

(CLO) Xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là quê nội của đại thi hào Nguyễn Du, tự Tố Như, tác giả Truyện Kiều được tôn vinh bậc thần thánh trong làng thơ ca đất Việt. Ông là con quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm, sinh ra ở phủ đệ Bích Câu nơi kinh kỳ.

[caption id="attachment_60414" align="aligncenter" width="600"]Nhà trưng bày hiện vật tài liệu Nguyễn Du 1965 -2000 Nhà trưng bày hiện vật tài liệu Nguyễn Du 1965 -2000[/caption]

Khi còn nhỏ tuổi, Nguyễn Du có đôi ba lần theo cha về thăm quê hương xứ sở núi Hồng sông Lam. Thời gian Nguyễn Du về sống ở xã Tiên Điền không nhiều, chủ yếu là sau “10 năm gió bụi” thời biến loạn nhà Lê sụp đổ, Nguyễn từ quê vợ ở Thái Bình tìm đường về quê hương khi: “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” nghĩa là “ở Hồng Lĩnh gia đình không còn, anh em lưu lạc khắp nơi”. Trong thời gian làm quan với triều Nguyễn, mỗi khi có việc về quê, Nguyễn Du sống ở ngôi nhà lá đơn sơ này.

Khi trở về quê nội Tiên Điền, Nguyễn Du được bà con họ hàng, xóm giềng giúp làm một căn nhà mái lá đơn sơ ở ven bờ sông Lam. Căn nhà này được Nguyễn Du miêu tả rõ trong bài thơ “Tạp ngâm 2”, có câu rằng: “Ngôi nhà nhỏ bên sông Lam có nhà nho nghèo”. Trong thơ, Nguyễn nói căn nhà đặt hướng nam “mở cửa bước ra ngõ thấy rõ sắc xanh của núi” Hồng Lĩnh hùng vĩ chạy ngang ra biển, danh sơn đệ nhất xứ Nghệ.

Về quê hương Tiên Điền, Nguyễn Du sống chan hòa với những người dân lao động một nắng hai sương. Cùng những người thợ làm tơi nón “bó vọt”, đóng sườn”, lên núi hái lá nón, hay chẻ tre vót vành nón, khâu nón, vào những đêm trăng tỏ theo trai gái Tiên Điền hát ví phường nón, phường vải, đò đưa, hát giặm thâu đêm suốt sáng. Cùng trai phường nón Tiên Điền sang Trường Lưu, ngược sông Lam lên Nam Đàn hát phường vải, đò đưa, ví giặm xứ Nghệ. Hóa thân làm ngư phủ, theo vạn chài ra sông, xuống biển đánh bắt tôm cá để mưu sinh, tự đặt biệt hiệu mình là “Nam Hải điếu đồ”. Trong những ngày sống ở quê hương, Nguyễn từng mang cung kiếm theo phường săn Tiên Điền lên núi Hồng săn muông thú, tự đặt biệt hiệu “Hồng Sơn liệp hộ”, đặt chân lên danh thắng Hồng Lĩnh, viếng thăm đền Cao Sơn ở núi Trúc, nơi có rừng trúc đẹp nổi tiếng ở Hồng Lĩnh.

Thời gian sống cùng nhân dân lao động, cùng ăn, cùng ở,cùng làm với họ,  Nguyễn giúp họ viết “Văn tế thập loại chúng sinh” để tế lễ cô hồn vào tiết trùng dương. Thỉnh thoảng, thi sĩ sang thăm cháu gái là Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Thị Bành lấy chồng về làng Trường Lưu, theo trai phường nón Tiên Điền đi hát phường vải, ông giúp họ viết bài “Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu”.

Trong những ngày sống ở quê nhà Tiên Điền, Nguyễn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn làm vóc dáng ốm gầy, tiều tụy. Những khó khăn ấy được Nguyễn ghi chép bằng cảm xúc trong thơ chữ Hán: “Trong bếp suốt ngày không khói lửa. Ngoài cửa sổ hoa cúc vàng tươi tốt có thể ăn”. Nhà nho nghèo với cuộc sống ẩn thân trong ngôi nhà tranh vách đất tạm bợ bên sông Lam, cuộc sống lặng lẽ, khoan hòa cùng làng quê bình dị, trong không gian bao la với bối cảnh nên thơ, ông làm bạn với “ chim âu trắng” trên bãi sông Lam, làm bạn cùng đàn và sách vở trong những ngày lưu lại quê hương “Gia tại Hồng Sơn đệ nhất thôn” (Nhà ở núi Hồng thôn thứ nhất).

Những cảm xúc trào dâng rất thật của đại thi hào Nguyễn Du trong thời gian những ngày về quê nội sống ẩn thân ở xã Tiên Điền được chép lại trong tập thơ “Thanh Hiên thi tập” viết bằng chữ Hán. Những bài thơ viết về xã Tiên Điền bình dị, buồn và đẹp, chứng tỏ tác giả rất tinh tế, am hiểu, có tình nghĩa với bà con, bạn hữu và yêu quê hương da diết. Từ những cảm xúc rất thật, bằng tâm sự day dứt của nhà nho nghèo bên sông Lam, đại thi hào danh nhân văn hóa thế giới đã vẽ những bức tranh phong cảnh quê hương bằng ngôn ngữ trữ tình và ghi lại một số địa danh sông Long Vĩ, bãi Long Vĩ, thôn Nam Đài ở Tiên Điền thời cuối Lê đầu Nguyễn.

Hạ chí này, chúng tôi về Tiên Điền tìm hiểu đất đai, nhà cửa mà Nguyễn Du được họ hàng cắt cho ông để làm ngôi nhà lá đơn sơ ở thôn Tiền Giáp (nay là thôn Hòa Thuận). Bà con họ Nguyễn cho biết: “Sau khi nhà thơ  ra làm quan rồi mất tại Huế, táng tại Bàu Đá, năm 1824 con trai ông là Nguyễn Ngũ bốc mộ về táng trong vườn nhà cũ và xây nhà thờ trên nền nhà Nguyễn Du sống trong thời biến loạn và mỗi khi nghỉ việc nước về thăm quê. Vị trí ngôi mộ nay ở phía nam trường tiểu học xã Tiên Điền. Năm 1928, mộ cụ mới được chuyển lên đồng Cùng”. Ngày nay di tích vườn cũ nhà xưa của Nguyễn còn hòn đá tương truyền ông ngồi đọc sách và cây đại tự tay Nguyễn Ngũ con trai ông trồng trước nhà thờ.

Chúng tôi cũng về xã Xuân Hải cách khu lưu niệm Nguyễn Du gần 2 km để gặp ông Nguyễn Minh, cháu trực hệ 7 đời của Đại thi hào để tìm hiểu về ngôi nhà thờ trước đây ở trường tiểu học. Ông Minh cho biết: Khoảng những năm 1939 – 1940, ngôi nhà thờ ở thôn Tiền Giáp do cụ Nguyễn Tời, cháu 4 đời trực hệ của Nguyễn Du trực tiếp trông coi, thờ cúng. Sau khi cụ Tời mất, nhà thờ ở thôn Tiền Giáp bị xuống cấp, mục nát, con cháu trong họ dỡ đưa về xã Đan Hải (tên cũ của xã Xuân Hải – PV) làm một nhà thờ nhỏ để thờ phụng cụ Nguyễn Du.” Theo ông Minh kể, những ngày sống ở quê nhà, Nguyễn Du xa lánh việc đời xô bồ, đua chen của thời buổi loạn lạc. Nhưng cảnh sắc tươi đẹp của quê hương Nghi Xuân đã thức tỉnh tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Du “lòng sáng như trăng”.

Chúng tôi nghĩ rằng trong số những sáng tác thơ chữ Hán của ông về quê hương núi Hồng sông Lam, về Tiên Điền và những trăn trở ,suy ngẫm để đại thi hào Nguyễn Du viết nên tuyệt tác truyện Kiều có lẽ xuất phát từ ngôi nhà lá đơn sơ ven bờ sông Lam ở thôn Tiền Giáp này.

Đặng Viết Tường

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhà vườn cũ của Tố Như ở Tiền Giáp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO