(CLO) Ở tuổi 87, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn ra đi, để lại cả một gia tài âm nhạc đồ sộ. Cả một đời ông dành cho chủ đề về Đảng, về các anh hùng liệt sĩ, với những bài ca đi cùng năm tháng. Những ca khúc nổi tiếng của ông được nhiều thế hệ chuyên và không chuyên hát:"Chiều trên bến cảng"; "Hà Nội một trái tim hồng"; "Tình em biển cả"; "Những tiếng ca vang trên đất này"; "Biết ơn chị Võ Thị Sáu".
Ông- Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn từng khiêm tốn nói rằng: “Cũng thấy mình có một số thành tựu, vài bài hát cũng được đi vào lòng công chúng. Nhưng đại khái tất cả chỉ là tạm thời”... “vì càng sống lâu trong cuộc đời tôi càng thấy mình nhỏ bé lắm, chẳng qua cũng chỉ là một hạt cát giữa biển. Đại khái cũng chỉ là một hạt muối bé nhỏ mang chút mặn mòi của biển cả, không đến nỗi vô vị”.
Có một điều lạ ở ông, ông đến với hội họa trước âm nhạc nhưng âm nhạc đã níu giữ ông lâu hơn, khán giả giữ được ông và rồi đã trở thành con đường mà nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đi, đến gần với công chúng.
Ngoài ca khúc được nhiều người hát của nhạc sĩ -Hà Nội một trái tim hồng, thì với Hà Nội nơi gắn bó nhất của nhạc sĩ, mảnh đất ông sinh ra và lớn lên, đã có những ca khác khác như: Đêm trăng nhớ Hà Nội, Hà Nội sẵn sàng, Bài thơ về Hà Nội, Hà Nội nhớ và cả một hợp xướng mang tên Ký sự Hà Nội... Điều đặc biệt là các tác phẩm về Hà Nội đều được ông viết theo suốt chiều dài lịch sử của Hà Nội và cuộc đời của chính ông.
Trong nhiều sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, có rất nhiều tác phẩm ca ngợi các anh hùng liệt sĩ: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Noi gương anh Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi... Chính vì chuỗi ca khúc với tình cảm đặc biệt, được nhiều công chúng yêu mến nên người ta mệnh danh ông là “nhạc sĩ của những anh hùng liệt sĩ”.
Điều gì đã khiến ông có sự chuyên sâu với những ca khúc về các anh hùng liệt sĩ? Ông từng tâm sự: “Trong cuộc chiến đấu gian khổ, biết bao nhiêu người đã hi sinh, mất mát lẽ nào không được lưu truyền đến đời sau? Khi một cuộc chiến tranh kéo dài, cái sống cái chết rất gần nhau, biết bao trận đánh, biết bao thương vong, biết bao thắng lợi, nhưng còn lại và quan trọng nhất chính là những con người trong cuộc chiến đấy. Và cái chết của những người anh hùng luôn tạo nên những xúc cảm đẹp”.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10/3/1929 tại Hà Nội. Ông từng theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1944). Ca khúc đầu tay của ông viết năm 1945 có tên “Ca ngợi đời sống mới”. Trong những năm 1968-1970, ông tu nghiệp ở Nhạc viện Kiev (Ukraina), tại đây ông đã viết các tác phẩm khí nhạc như Sonate viết cho violon (dàn dựng và xuất bản ở Moscow), Tổ khúc giao hưởng Tổ quốc (dàn nhạc Novosibirk)... Về nước, ông viết những ca khúc, hợp xướng như “Bài ca xây dựng”, “Tiếng hát buổi bình minh”, “Bài ca chiến thắng”...Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.
HN