Nhận hơn 30 cuộc gọi ‘khủng bố’, nhiều người lo sợ dù không vay nợ

21/09/2022 11:05

(CLO) Không ít người dân tại TP. HCM đã liên tục bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền. 

Bị gọi đến bạn bè, cơ quan làm việc

Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, anh Nguyễn Tiến K. (22 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đã trải qua hơn 2 tuần “mất ăn, mất ngủ”, vì bị người lạ gọi đến đòi số tiền hơn 100 triệu đồng, mặc dù anh K. không hề vay mượn trước đó.

nhan hon 30 cuoc goi khung bo nhieu nguoi lo so du khong vay no hinh 1

Các nạn nhân liên tục nhận được cuộc gọi đòi nợ từ số điện thoại lạ. Ảnh: Nạn nhân cung cấp

Bài liên quan

Công ty tài chính không được đòi nợ khách hàng quá 21 giờ

Truy tìm đối tượng ném mắm tôm vào ngõ ở Hà Nội để đòi nợ

Triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua app, đòi nợ thuê quy mô gần 300 nghi phạm

Bắt giữ nhóm đối tượng khống chế, giam lỏng người dân để đòi nợ

Theo lời kể của Tiến K., chỉ trong 2 tuần, K. đã nhận được hơn 30 cuộc gọi từ nhiều số lạ khác nhau, hầu hết là sim rác, không chính chủ.

Không dừng lại ở đó, người lạ còn gọi cho ba mẹ, bạn bè và giả danh làm nhân viên phòng nhân sự - nơi K. đang làm việc để yêu cầu nạn nhân phải trả số tiền. Đáp lại lời của người lạ rằng bản thân không vay nợ, K. liền bị dọa sẽ phát tờ rơi K. vay nợ lên cơ quan mà nạn nhân đang làm việc. Vì quá hoảng sợ, K. không biết nên làm gì ngoài việc “chịu trận”.

“Hai tuần qua tôi rất mệt mỏi. Ngày nào cũng bị những cuộc gọi đó dọa nạt, tôi rất mệt mỏi và bị khủng hoảng về mặt tinh thần. Tôi không hiểu vì sao họ có thể biết được tất cả thông tin của tôi, biết tôi làm ở công ty V. để giả danh thành phòng nhân sự yêu cầu tôi trả tiền. May là tôi gọi cho quản lý xác minh lại mới biết là không có chuyện đó”, K. kể.

Ngoài ra, anh Nguyễn Thanh T. (ngụ quận Bình Thạnh) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh T. kể, người thân trong gia đình, kể cả người mẹ đã 71 tuổi của anh và bạn bè đã nhận hàng trăm cuộc gọi từ các số điện thoại lạ gọi đến đòi nợ, quấy rối, mặc dù anh không vay mượn tiền ai. Anh T. hỏi ra mới biết các cuộc gọi đến yêu cầu anh trả khoản vay của một ngân hàng, do chồng của một nhân viên trong công ty anh vay.

“Các cuộc gọi đòi nợ rất vô lý. Khi tôi hỏi người gọi đến đòi nợ là ai vay, vay bao nhiêu tiền thì đầu dây bên kia không trả lời, chỉ nói hãy trả nợ cho nhân viên”, anh T. bức xúc.

Không dừng lại ở đó, gia đình chị Lâm H.C. (ngụ quận 10) còn bị những người đòi nợ đưa hình ảnh cá nhân lên mạng để bêu xấu. Được biết, một người bạn đồng nghiệp của chị C. đã vay nợ nên những người tự xưng là nhân viên thu hồi nợ đã đưa hình ảnh của chị và người thân lên mạng, quy chụp anh là đồng phạm, tiếp tay vay tiền, quỵt nợ.

nhan hon 30 cuoc goi khung bo nhieu nguoi lo so du khong vay no hinh 2

Người dân trình báo về việc bị "khủng bố" điện thoại với lực lượng chức năng. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp

Trước đó, ngày 18/7, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng nhận được đơn trình báo của anh N.V.K. (lãnh đạo của một đơn vị trong ngành than) về việc bị một số đối tượng lạ mặt nhắn tin, gọi điện đe dọa với lý do anh N.V.K. để cho công nhân là anh T.N.H. (làm việc tại phân xưởng chế biến than) vay tiền không trả.

Đối tượng nhắn tin, gọi điện với lời lẽ thô tục đe dọa anh N.V.K. cùng gia đình, gây ảnh hưởng đến tinh thần, làm gián đoạn công việc của anh N.V.K. Qua xác minh, anh T.N.H. khẳng định bản thân không vay mượn tiền của ai và cũng bị một số đối tượng nhắn tin, gọi điện để đe dọa khoảng 1 tháng trở lại đây.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân

Bộ Công an cho biết, các sự việc trên thường bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Trong đó, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của nạn nhân đã tham gia vay tiền qua ứng dụng và không trả tiền đúng hạn nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, cho dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó.

nhan hon 30 cuoc goi khung bo nhieu nguoi lo so du khong vay no hinh 3

Các nạn nhân bị đối tượng lạ đăng tải hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội, vu khống là đồng bọn trốn nợ.

Ngoài ra, do thủ tục vay tiền qua ứng dụng hết sức đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CMND/CCCD là có thể vay được tiền. Vậy nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng việc đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai của nạn nhân để thực hiện việc vay tiền qua ứng dụng nhưng sau đó không trả.

Các đối tượng giả danh gọi điện đe dọa đòi nợ, thực chất là nhân viên của các công ty đòi nợ thuê, tín dụng đen, nằm trong đường dây cho vay nặng lãi,… thường có trụ sở làm việc ở nước ngoài nên rất khó để tiếp cận, xử lý.

Trước tình hình trên, lực lượng cảnh sát An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền.

Theo đó, trước hết cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng). Kế tiếp nên sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.

Trong trường hợp nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.

Được biết, người cố ý đưa hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi không được sự đồng ý của họ với mục đích cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của họ là vi phạm pháp luật.

Hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác… có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo Điều 156 - Bộ luật Hình sự. Hành vi trên có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Nếu sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù 1-3 năm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhận hơn 30 cuộc gọi ‘khủng bố’, nhiều người lo sợ dù không vay nợ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO