Nhân lên những niềm kỳ vọng!

Thứ hai, 12/02/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hai kỳ họp Quốc hội trong năm 2017 (Kỳ họp thứ 3 và thứ 4, QH khóa XIV) cho thấy Quốc hội ngày càng hoàn thiện nội dung, chương trình hành động, cũng như phương thức làm việc. Đặc biệt là nội dung chất vấn được nâng cao, qua đó phát huy tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tận tâm và trách nhiệm- đó là điều mà Quốc hội Khóa XIV đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực thực hiện, để đáp đền sự kỳ vọng của cử tri cả nước.

Một kỳ họp đổi mới mạnh mẽ 

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4, chiều 24/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động tiếp tục được thể hiện rõ tại Kỳ họp. Việc đổi mới phương thức làm việc, tăng thời gian thảo luận tại hội trường, tăng cường tính đối thoại và tranh luận đã tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. 

Tại Kỳ họp thứ 3 và đặc biệt là Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm thời gian đọc báo cáo - các báo cáo trình bày trước Quốc hội kéo dài không quá 15 phút. Việc bố trí thêm thời gian thảo luận đã tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội có thể trình bày thêm được nhiều ý kiến. Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, trong một thời gian không dài nhưng việc sắp xếp chương trình, cách thức tiến hành hợp lý, Quốc hội đã giải quyết được khối lượng công việc lớn.

Báo Công luận
Tại Kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV, chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu giải trình tại Quốc hội trước khi trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội 
Một nét mới nữa là việc bố trí nhiều hơn các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là việc thảo luận về các báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… đã góp phần gắn kết hơn nữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, theo quan niệm thông thường, hoạt động của các cơ quan thuộc khối tư pháp phần lớn là những nội dung liên quan đến nội bộ của Quốc hội, nhiều tài liệu phát cho đại biểu thuộc khối này được đóng dấu Mật. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 4, lần đầu tiên phiên thảo luận các nội dung thuộc khối cơ quan tư pháp đã được truyền hình trực tiếp. Việc này vừa thể hiện tính công khai, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, vừa thực hiện đúng chức năng của Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, của cử tri cả nước.

Phiên chất vấn với nhiều cái “nhất”

Số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp này nhiều nhất từ trước đến nay, và Thủ tướng Chính phủ cũng dành nhiều thời gian nhất để trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Đó là hai cái “nhất” được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4.

Từ Kỳ họp thứ 2, trong các phiên thảo luận toàn thể, đại biểu Quốc hội có thể giơ biển đề nghị tranh luận với người phát biểu trước. Đây là một bước đổi mới, đánh dấu việc Quốc hội chuyển từ không khí thảo luận sang tranh luận, đặc biệt là trong các phiên chất vấn. Và trong hai Kỳ họp của năm 2017, hàng chục lượt đại biểu đã thực hiện quyền tranh luận này, khiến hoạt động nghị trường trở nên sôi nổi và ngày càng đi vào thực chất hơn. Các buổi thảo luận tại hội trường, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu đều vượt số lượng những đại biểu được phát biểu. Không khí tranh luận tại nghị trường đã được nâng lên với một tinh thần cởi mở, thẳng thắn. 

Báo Công luận
Toàn cảnh phiên chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV. 
Đặc biệt, tại hai Kỳ họp gần đây, nhiều đại biểu không ngại nêu ý kiến của mình ngược với ban soạn thảo, với cơ quan chủ trì thẩm tra. Việc này, theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) là thể hiện trách nhiệm cao của đại biểu, giúp cho Ban soạn thảo các dự án luật và UBTV Quốc hội xem xét, đánh giá vấn đề một cách đa chiều và đầy đủ hơn.

Còn đại biểu Dương Ngọc Hải (TP.HCM) nhận xét, trong những phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt ra những câu hỏi thẳng thắn mang tính bức xúc của cử tri, của xã hội, các Bộ trưởng và Thủ tướng trả lời đi sát vào câu hỏi của các đại biểu. “Không khí trả lời chất vấn như vậy theo tôi là thẳng thắn, đạt yêu cầu, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của đại biểu Quốc hội và cử tri” - đại biểu Dương Ngọc Hải nói.

Nơi cử tri gửi gắm niềm tin

Theo Báo cáo của UBTV Quốc hội, sau Kỳ họp thứ 3, đã có 3.119 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Và ngay trong khoảng thời gian 6 tháng giữa hai kỳ họp, toàn bộ 3.119 kiến nghị đã được trả lời, 94 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; hàng nghìn cuộc thanh tra chuyên ngành đã được tổ chức, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vấn đề theo yêu cầu, kiến nghị của cử tri, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống nhân dân. 

Qua công tác giám sát của Quốc hội cho thấy, các bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri; có tới 21/24 Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ đạo và trực tiếp ký các văn bản trả lời gửi tới cử tri, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có 206 văn bản trả lời; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có 193 văn bản; Bộ Giáo dục - Đào tạo có 145 văn bản... Chính vì vậy, số lượng và chất lượng các kiến nghị được giải quyết có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều vấn đề khó giải quyết nhưng Chính phủ đã rất nỗ lực để tìm giải pháp, tạo đột phá, đáp ứng kỳ vọng của cử tri.

Báo Công luận
Đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật (Đoàn Quảng Bình) chất vấn tại hội trường. 
Có thể nói, càng những nhiệm kỳ gần đây, hoạt động của Quốc hội càng được cử tri hào hứng quan tâm, theo dõi. Nhiều vấn đề của thực tiễn cuộc sống gần như ngay lập tức được chuyển tải trên nghị trường đã tạo nên những chuyển biến trong thực tế. Sinh hoạt nghị trường đã phản ánh rõ nét sự bộn bề của đời sống kinh tế - xã hội đất nước và cử tri có thể cảm nhận không khí dân chủ, cởi mở qua từng kỳ họp, phiên họp. Và đặc biệt, trước những vấn đề khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội đã thảo luận dân chủ, tập trung để cuối cùng đi đến các quyết đáp hợp lòng dân.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi đã nói, đại ý rằng, một Quốc hội luôn tận tâm và trách nhiệm chắc chắn sẽ được phúc đáp lại bằng sự yêu mến và tin tưởng của cử tri. Tận tâm và trách nhiệm - đó là điều mà Quốc hội Khóa XIV đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực thực hiện, để đáp đền sự kỳ vọng của cử tri cả nước.❏

❀ Thế vũ      

 

Tin khác

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

(CLO) Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao".

Tin tức
Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng "chỉ khi nào công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp lại thì mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế".

Tin tức
Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

(CLO) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng.

Tin tức
Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Tin tức
Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức