Nhân lực: Yếu tố quyết định của ngành công nghiệp bán dẫn

Thứ hai, 05/02/2024 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn - ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 đến 50 năm tới.

Một trong những yếu tố được xem là cốt lõi để Việt Nam trở thành trung tâm của ngành công nghệ chip bán dẫn là phải xây dựng được đội ngũ kỹ sư chất lượng cao.

Nhiệm vụ trung tâm của giáo dục đại học

Trong năm 2023 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật đã có nhiều cuộc hội thảo để bàn giải pháp thúc đẩy nhanh khâu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Từ lãnh đạo ngành Giáo dục cho đến các chuyên gia đều nhận thấy, cơ hội lớn về ngành chip bán dẫn cần phải nắm bắt.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Chúng ta vẫn ao ước có lĩnh vực công nghiệp đi được vào lĩnh vực cốt lõi. Chúng ta đã có nhiều nhiệm kỳ của Trung ương Đảng cho rằng,“sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước chưa đạt như mong muốn”. Nhưng ở thời điểm này, nếu chúng ta tận dụng được, chúng ta đang có một cơ hội lớn - khi dịch chuyển FDI trên phạm vi toàn cầu, khi các quan hệ quốc tế thay đổi, khi vị thế của Việt Nam có điều chỉnh, khi sự tin cậy trong quan hệ quốc tế có thể mang lại sự tin cậy, sự chia sẻ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật… Tất cả các điều đó hội tụ”.

nhan luc yeu to quyet dinh cua nganh cong nghiep ban dan hinh 1

Các trường đại học đã sẵn sàng cho trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chip bán dẫn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn sẽ nâng cao được vị thế của đất nước. “Câu chuyện này không phải là câu chuyện của một lĩnh vực sản xuất bình thường. Đây là trách nhiệm, sứ mệnh của Giáo dục đại học mà không được để lỡ nhịp này, nếu để lỡ nhịp này chúng ta có tội với đất nước”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng rất hy vọng, khi phát triển nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực chip bán dẫn được đẩy mạnh, các chỉ số công bố khoa học sẽ gia tăng, phát minh sáng chế sẽ gia tăng, tiềm lực về khoa học và tiềm lực về đào tạo của hệ thống các trường sẽ gia tăng, sẽ có diện mạo mới và đây là cơ hội hiện đại hoá hệ thống đại học; trong đó, đặc biệt là các trường kỹ thuật và công nghệ.

“Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số 1 trong các chỉ đạo chuyên môn của phần giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và các năm sau” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đánh giá, cơ hội nước ta trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn xuất hiện khi hậu COVID-19 là rất rõ ràng hơn nhiều các quốc gia trong khu vực. Sau đại dịch, việc xuất hiện phát triển mạnh các ngành tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đã dẫn đến nhu cầu chip bán dẫn trên toàn cầu tăng lên rất mạnh. Cùng với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng vốn đã ổn định trước đó do sự biến động lớn về địa chính trị. “Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi công nghiệp này cho dù trong lịch sử chuỗi cung ứng chip bán dẫn vốn đã rất chặt chẽ. Đây là cơ hội lớn nước ta có thể tận dụng.” – ông Chử Đức Trình nêu.

Năng lực của người Việt Nam là một thế mạnh

Theo ông Chử Đức Trình, công nghiệp bán dẫn là một ngành công nghiệp công nghệ rất lớn trên toàn cầu. Công nghệ bán dẫn đòi hỏi hội tụ tất cả nhân lực của các ngành khoa học từ cơ bản đến công nghệ tham gia. Có thể kể đến như ngành vật lý vật liệu, hóa học, cách ngành điện tử, kỹ thuật máy tính, ngành thiết kế bán dẫn, cơ điện tử, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin…“Nếu nhìn rộng như vậy chúng ta cũng thấy nước ta có hệ thống đào tạo rất tốt dành cho lĩnh vực bán dẫn” - ông Chử Đức Trình nói.

Cũng theo vị này, tính sẵn sàng của giáo dục Việt Nam cho ngành bán dẫn là rất tốt. Hiện nay, trên thế giới những người Việt Nam học trong nước sau đó sang nước ngoài làm tiến sĩ, thạc sĩ rồi công tác trong ngành bán dẫn trên toàn cầu là rất nhiều. “Ở Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu người Việt Nam làm trong ngành công nghiệp bán dẫn rất nhiều. Điều đó chứng minh nền tảng đào tạo của nước ta rất tốt” - ông Chử Đức Trình nhấn mạnh.

nhan luc yeu to quyet dinh cua nganh cong nghiep ban dan hinh 2

Ngành công nghiệp bán dẫn đang có quy mô hàng trăm tỷ đô.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân lực, trước nhu cầu lớn về nhân lực khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ, hiện nay ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn chỉ là chuyên ngành trong ngành Điện tử Viễn thông. Trong khi, ngành đào tạo Điện tử Viễn Thông hiện nay của nước ta có quy mô 45 ngàn sinh viên. Tức mỗi năm có hơn 10 ngàn sinh viên ra trường. Bên cạnh đó, hiện các trường đại học đang có nhiều ngành đào tạo gần với ngành điện tử viễn thông như tự động hóa, kỹ thuật máy tính… mà quy mô gần 70 nghìn sinh viên. Tức có gần 15 nghìn sinh viên tốt nghiệp hằng năm.

“Với tiềm năng rất lớn, giáo dục đại học có thể đào tạo nhanh chóng, tăng nhanh số lượng để đáp ứng nhu cầu về nhân lực. Các sinh viên học chuyên ngành gần có thể chuyển sang học ngành này, một vài năm tới có thể tăng lên vài ngàn sinh viên tốt nghiệp một năm” – ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Cần chính sách để thu hút người học

Cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam là điều mà nhiều người có thể nhận ra. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay cần có bài toán tổng thể nhằm thu hút được nguồn nhân lực cao cho lĩnh vực này để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp đang có các dự án lớn đầu tư và đang tìm hiểu để đầu tư.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn chưa đúng kỳ vọng. Chính vì vậy cần có chính sách để thu hút người học.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường sẽ đề xuất lên Chính phủ có chính sách nhằm tăng cường năng lực về cơ sở vật chất cho các trường đại học, phòng thí nghiệm đào tạo chuyên sâu, hỗ trợ phát triển đội ngũ giảng viên, cùng với chính sách hỗ trợ người học để khuyến khích người học nhất là các nữ sinh theo học. Có chính sách hỗ trợ việc kết nối các trường đại học với nhau và kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn công nghệ nước ngoài” – ông Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Cơ hội để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hiện rất lớn và rất rõ ràng. Đây là cơ hội “trăm năm có một” cần thiết phải nắm bắt được để xây dựng kinh tế, nâng tầm vị thế quốc gia. Và có được nguồn nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố cốt lõi để chúng ta nắm bắt được cơ hội “trăm năm có một” ấy.

Trinh Phúc

Tin khác

Nhiều công ty xe điện Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường mới nổi khi Mỹ, EU tăng thuế

Nhiều công ty xe điện Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường mới nổi khi Mỹ, EU tăng thuế

(CLO) Giữa những cáo buộc từ phương Tây về trợ cấp khiến xe điện (EV) của Trung Quốc trở nên rẻ một cách không công bằng, một số nhà sản xuất ô tô nước này đã bắt đầu chuyển hướng sang các thị trường mới nổi thân thiện hơn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tăng trưởng điện gió ở châu Âu vẫn còn nhiều nút thắt

Tăng trưởng điện gió ở châu Âu vẫn còn nhiều nút thắt

(CLO) Việc chờ đợi nhiều năm để có được giấy phép kết nối vào lưới điện đang kìm hãm công suất điện gió ở châu Âu, Reuters đưa tin, trích dẫn WindEurope, nhóm vận động hành lang của ngành.

Thị trường - Doanh nghiệp
Open Banking & OneBank by Nam A Bank tiếp tục nhận giải thưởng uy tín quốc tế

Open Banking & OneBank by Nam A Bank tiếp tục nhận giải thưởng uy tín quốc tế

Hệ sinh thái Ngân hàng số Nam A Bank tiếp tục tục nhận 2 giải thưởng quốc tế, khẳng định những bước đột phá trong chiến lược sáng tạo số, chất lượng sản phẩm - dịch vụ hàm lượng công nghệ cao của Ngân hàng trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đức chặn thỏa thuận kinh doanh lớn với Trung Quốc

Đức chặn thỏa thuận kinh doanh lớn với Trung Quốc

(CLO) Đức đã ngăn chặn việc Volkswagen bán công ty con cho Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, giáng một đòn mới vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng với đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Thị trường - Doanh nghiệp
Trung Quốc đáp trả việc tăng thuế xe điện của EU

Trung Quốc đáp trả việc tăng thuế xe điện của EU

(CLO) Bắc Kinh đã công bố giai đoạn tiếp theo trong cuộc điều tra đối với hàng nhập khẩu rượu mạnh của EU, trong biện pháp “trả đũa” mới nhất sau khi khối áp đặt thuế tạm thời đối với xe điện (EV) của Trung Quốc.

Thị trường - Doanh nghiệp