Thế giới 24h

Nhật Bản vật lộn với bài toán xử lý 'núi đất nhiễm xạ' Fukushima

Ngọc Ánh (theo AFP, JT) 02/06/2025 06:04

(CLO) Hơn một thập kỷ sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi năm 2011, chính quyền Nhật Bản vẫn đang vật lộn với bài toán xử lý khối lượng đất nhiễm xạ khổng lồ đã được đào lên trong chiến dịch khử nhiễm.

Lượng đất này đủ để lấp đầy hơn 10 sân vận động bóng chày – và câu hỏi đặt ra là: phải làm gì với nó?

Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter – trận lớn nhất từng ghi nhận ở Nhật Bản – đã gây ra sóng thần dữ dội, khiến ba lò phản ứng tại nhà máy Fukushima Daiichi tan chảy, dẫn tới thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.

Để giảm mức phóng xạ lan rộng, Chính phủ Nhật đã cho nạo bỏ lớp đất mặt bị nhiễm xạ ở nhiều khu vực xung quanh. Chiến dịch khử nhiễm còn bao gồm việc phun nước áp lực cao lên nhà cửa, đường sá, nhằm "rửa trôi" bụi phóng xạ.

Dù phần lớn vùng Fukushima hiện được tuyên bố là an toàn, nhiều người dân vẫn không quay về vì lo ngại dư âm phóng xạ hoặc đã bắt đầu cuộc sống mới ở nơi khác.

Song, thế hệ mới như nông dân trẻ Takuya Haraguchi (25 tuổi) – người trồng kiwi ở đây – đang góp phần tái thiết vùng đất từng nổi danh với hoa quả thơm ngon. “Tôi muốn người ta thực sự biết Fukushima bây giờ là như thế nào”, anh nói.

Hiện tại, toàn bộ 14 triệu mét khối đất nhiễm xạ đang được trữ tại các cơ sở tạm thời gần nhà máy Fukushima Daiichi. Những "ngọn đồi" đất này được phủ bằng nhiều lớp đất sạch và bạt nhựa chống thấm để ngăn nước mưa kéo phóng xạ vào môi trường.

Chính phủ đã cam kết sẽ di chuyển toàn bộ lượng đất này ra khỏi Fukushima vào năm 2045 – một lời hứa với người dân địa phương.

untitled(2).png
Hiện toàn bộ 14 triệu mét khối đất nhiễm xạ đang được trữ tại các cơ sở tạm thời gần nhà máy Fukushima Daiichi. Ảnh: IAEA

Chính quyền Nhật Bản đang đề xuất sử dụng đất nhiễm xạ vào các dự án xây dựng như đắp nền đường sá, đường sắt và một số công trình hạ tầng khác – dĩ nhiên là bên ngoài Fukushima. Tuy vậy, đến nay chưa có nhiều địa phương tình nguyện nhận đất này. Một số quan chức thừa nhận, có thể một phần đất vẫn sẽ phải ở lại Fukushima.

Văn phòng Thủ tướng gần đây cho biết họ sẽ “tái chế mang tính biểu tượng” một phần đất, như dùng làm luống trồng hoa, nhằm cho thấy mức độ an toàn của nó.

Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, khoảng 75% lượng đất lưu trữ hiện có mức phóng xạ tương đương – hoặc thậm chí thấp hơn – một lần chụp X-quang trong năm nếu tiếp xúc trực tiếp.

Akira Asakawa, một quan chức phụ trách dự án, cho biết các lớp phủ như nhựa đường hoặc đất sạch có thể dùng để ngăn chặn sự phát tán phóng xạ khi dùng đất này vào xây dựng.

Các thử nghiệm thực tế đã được tiến hành, bao gồm việc xây đường và ruộng ở Fukushima bằng lớp đất nhiễm xạ làm vật liệu nền. Theo Asakawa, không ghi nhận mức phóng xạ tăng hay sự rò rỉ ra môi trường xung quanh.

Năm 2022, chính phủ từng đề xuất đưa đất từ Fukushima đến một công viên nổi tiếng ở Tokyo – ý tưởng này lập tức bị cộng đồng địa phương phản ứng dữ dội. Kế hoạch hiện vẫn chưa được triển khai, và các địa điểm mới cũng chưa được xác định.

Dù công chúng có sự đồng cảm với người dân Fukushima, tâm lý lo ngại vẫn còn rất mạnh. Chính phủ cho biết sẽ đẩy mạnh truyền thông để giải thích về tính an toàn của kế hoạch từ năm nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhật Bản vật lộn với bài toán xử lý 'núi đất nhiễm xạ' Fukushima
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO