Nhiếp ảnh và sự rung động của tâm hồn

Thứ sáu, 14/12/2018 10:15 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thích “xê dịch”, ham khám phá, chàng trai sinh năm 1987, Nguyễn Hữu Thông đã ghi lại được nhiều khoảnh khắc quý giá về con người, văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên ở những vùng đất mà anh đi qua. Hơn 5 năm đến với nhiếp ảnh, anh đã gặt hái được không ít giải thưởng ảnh uy tín ở trong nước và quốc tế, trong đó phải kể đến Giải Đặc biệt của cuộc thi ảnh thường niên do Tạp chí Smithsonian (Mỹ) tổ chức vào đầu năm 2018.

Cảm xúc là điều vô cùng quan trọng còn máy ảnh chỉ là kỹ thuật

Coi nhiếp ảnh là thú vui bên cạnh công việc chính tại Bệnh viện mắt Alina Vietnam, NSNA Nguyễn Hữu Thông cho biết: Gia đình anh không ai theo đuổi nghệ thuật, bản thân anh hiện nay cũng vậy, mặc dù đã trở thành NSNA của Việt Nam nhưng anh coi đó là đam mê. Anh đến với nhiếp ảnh là để tận hưởng nhiếp ảnh, giống như mọi người thưởng thức món ăn ngon vậy. Và có lẽ bởi sinh ra và lớn lên tại vùng quê Việt Yên - Bắc Giang mà phong cách sáng tạo chủ đạo của anh luôn hướng đến khung cảnh thiên nhiên, làng quê Việt Nam từ đó ca ngợi vẻ đẹp của con người lao động, của văn hóa dân gian truyền thống.

Báo Công luận
NSNA Nguyễn Hữu Thông (ngoài cùng bên phải) 

Từ kinh nghiệm thực tế của bản nhân, anh cho biết nhiếp ảnh là môn nghệ thuật mà cảm xúc là điều vô cùng quan trọng còn máy ảnh chỉ là kỹ thuật, công cụ hỗ trợ. Để có cảm xúc tốt thì người chụp ảnh cần có nhiều trải nghiệm, kiến thức và sự rung động của tâm hồn. Khi chụp anh chỉ nghĩ đó là thứ mình yêu thích chứ không nghĩ nó sẽ dành cho cuộc thi nào hay mục đích gì cả. Chính vì có cảm xúc tốt cộng với khả năng am hiểu tiếng Anh mà các bức ảnh Nguyễn Hữu Thông đã được xướng tên ở nhiều giải thưởng quốc tế, như: Giải Nhất của cuộc thi Plan staff in action khu vực châu Á do Plan Asia tổ chức năm 2013, Giải Nhì của cuộc thi Green travel do C&E Central tổ chức năm 2014, Giải Nhất của cuộc thi Global health challenge do University of North tổ chức năm 2013... Nhờ đó mà hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, hiền hòa đã được quảng bá đến khắp bạn bè năm châu.

Báo Công luận

Bức ảnh của NSNA Nguyễn Hữu Thông làm ảnh bìa cuốn sách ảnh “Cao Bằng bốn mùa sản vật”

Trong những ngày tháng 12 này, anh đã giành giải Nhì trong cuộc thi ảnh “Chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân Việt Nam” do Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WorldBank) và Uỷ ban châu Âu (EC) tổ chức. Đó là bức ảnh “Mắt học đường” được anh chụp trong dịp bệnh viện mắt Alina phối hợp với UBND, Trạm Y tế xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam tổ chức chương trình khám mắt và cấp kính miễn phí cho học sinh. Điều đặc biệt đây là bức ảnh mà Nguyễn Hữu Thông chụp trong một hoạt động nhân đạo của cơ quan anh đang công tác.  

90% số ảnh chụp về vùng núi phía Bắc

Báo Công luận

Bức ảnh “Bữa ăn sáng ở chợ phiên” của NSNA Nguyễn Hữu Thông giành Giải Đặc biệt của cuộc thi ảnh thường niên do Tạp chí Smithsonian (Mỹ) tổ chức

Nói về bức ảnh “Bữa ăn sáng ở chợ phiên” vượt qua 48 nghìn tác phẩm của các nhiếp ảnh gia đến từ 155 quốc gia trên thế giới để xuất sắc giành Giải Đặc biệt của cuộc thi ảnh thường niên do Tạp chí Smithsonian (Mỹ) tổ chức, NSNA Nguyễn Hữu Thông cho biết: “Đây là một sự tình cờ, tôi là người thích tìm hiểu về lịch sử và văn hóa địa phương nên đến mỗi miền đất tôi thường thích tham quan các công trình lịch sử, văn hóa… thông thường thì văn hóa bản địa được thể hiện qua chợ, và đặc biệt chợ phiên vùng cao luôn mang một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Lần nào đến với Đồng Văn vào ngày chủ nhật, tôi cũng tham gia chợ phiên. Và thật may mắn cho tôi khi lần này vừa ngang qua quán phở đã bắt gặp khoảnh khắc con người với ánh sáng và không gian tuyệt vời. Việc duy nhất tôi phải làm là bấm máy”.

Thế nhưng “Bữa ăn sáng ở chợ phiên” chỉ là một trong rất nhiều bức ảnh mà anh chụp ở vùng núi cao phía Bắc. Thật bất ngờ khi anh chia sẻ có đến 90% số ảnh anh chụp là về vùng đất này, và cũng 90% số giải thưởng mà anh có được cũng từ vùng đất này đem lại. Gần đây, trong cuốn sách ảnh “Cao Bằng bốn mùa sản vật” được xuất bản nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng về vẻ đẹp non nước Cao Bằng, về những sản vật nơi đây, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng cũng như góp phần phát triển kinh tế của tỉnh, Nguyễn Hữu Thông đã đóng góp đến 4 tác phẩm về thung lũng Phong Nậm, Ngọc Côn, sông Quây Sơn… ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây là những bức ảnh mà anh chụp trong năm 2017 và 2018.

Lý giải tình yêu của mình với các tỉnh miền núi phía Bắc, anh cho biết đây chính là nơi đầu tiên mà sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã đến công tác, trải nghiệm và chính cảnh sắc, con người và văn hóa nơi đây đã thôi thúc anh với việc dùng nhiếp ảnh để ghi lại. NSNA Nguyễn Hữu Thông bồi hồi chia sẻ: “Miền núi phía Bắc có thể được coi là vùng đất đa dạng văn hoá nhất Việt Nam, không chỉ vậy, cảnh sắc nơi đây cũng vô cùng tuyệt mĩ. Mỗi khi quay lại nơi đây tôi vẫn có cảm giác như về nhà”. Tuy nhiên anh cho rằng số tác phẩm của anh chưa nhiều, đặc biệt nếu đem số tác phẩm ấy so với bề dày và vẻ đẹp của miền núi phía Bắc thì số tác phẩm của anh còn quá nhỏ bé, vì vậy anh chưa thể nhận mình có nhiều tác phẩm thành công.

Báo Công luận
NSNA Nguyễn Hữu Thông 

Hiện tại do bận công việc nên anh không có nhiều thời gian đi sáng tác, nhưng mỗi lần quay lại các tỉnh miền núi phía Bắc anh đều rất miệt mài. “Nhớ có lần tôi chụp ảnh trong bản từ sáng cho tới 2h chiều, khi đói thì tôi vào nhà người dân xin cơm, lần đó tôi được vợ chồng chủ nhà người H’Mông mời món mèn mén, ăn cùng với canh rau cải, nhưng đặc biệt nhất là món thịt treo gác bếp xào ớt xanh, ở đây họ ăn ớt xanh như ăn rau. Đến bây giờ tôi vẫn có thể nhớ nó ngon và cay như nào. Một trong những điều thú vị trong những chuyến đi sáng tác của tôi đó là được gặp gỡ những con người mới, ngắm nhìn cảnh vật mới, và tìm hiểu văn hoá mới”, NSNA Nguyễn Hữu Thông nhớ lại.

Và cũng chính vì ham mê khám phá với nhiều vùng đất với mong muốn bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà hiện nay, Nguyễn Hữu Thông còn là một cộng tác viên tích cực của chương trình “Trên từng cây số” trên sóng VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam. Miệt mài đi, miệt mài sáng tác, Nguyễn Hữu Thông đã dần khẳng định được “thương hiệu” của mình trong giới nhiếp ảnh và tin rằng trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều giải thưởng hơn nữa khi mà tay nghề và tuổi tác của anh vẫn còn đang rất sung sức./.

Hà Linh

Tin khác

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa
Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa