Nhiệt điện than: Không phải cứ muốn là được

Thứ năm, 19/12/2019 11:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Thà xóa quy hoạch chứ nhất quyết không làm nhiệt điện than”- thông điệp rất “rắn” ấy của tỉnh Long An đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt cũng như tạo nên những luồng tranh cãi của dư luận.

Bảo vệ môi trường là lý do căn bản của quyết định từ bỏ nhiệt điện than được Long An và nhiều địa phương đưa ra, tuy nhiên, rất nhiều ý kiến băn khoăn cũng đang đặt ra là khi nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất ngày càng tăng, nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng thì việc “quay lưng” với nhiệt điện than trong khi đây vẫn là nguồn giá rẻ, cung cấp điện ổn định nhất liệu có phù hợp? Một bài toán với rất nhiều yếu tố trong câu chuyện loại bỏ nhiệt điện than đã, đang được đặt ra và không hề dễ giải đáp một sớm một chiều.

Nhìn từ các quốc gia

Sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ chưa từng có, từ năm 2016 đến nay, công suất điện than của toàn thế giới đã giảm xuống đáng kể. Nguyên do là ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng loại bỏ dần nhiệt điện than. Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), trong ba năm qua tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than mới ở khu vực Đông Nam Á liên tục giảm mạnh. Nếu như năm 2016 tổng công suất là 12.920 MW thì năm 2017 giảm hơn một nửa, còn 6.355 MW, và tiếp tục giảm hơn một nửa còn 2.744 MW trong năm 2018.

nhiet-dien-than-2

Tại châu Âu, tính đến năm 2018, 109 dự án nhà máy nhiệt điện than đã bị hủy bỏ. Tại Mỹ, 179 dự án nhiệt điện than mới đã bị ngăn chặn và 165 nhà máy đang vận hành đã ngừng hoạt động. Tương tự tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ra lệnh cấm cấp phép xây nhiệt điện than ở nhiều nơi. Ngày 26/1 vừa qua, sau hơn 20 giờ đàm phán, Ủy ban Than Đức (GCC), bao gồm nhiều công ty sản xuất điện, các nhà khoa học, nhà môi trường đã tiến tới được thỏa thuận đóng cửa tất cả nhà máy điện than.

Trong năm 2019, Ngân hàng DBS của Singapore, Tập đoàn OCBC trụ sở tại Singapore, Ngân hàng UOB trụ sở ở Singapore và Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ trụ sở tại Nhật Bản là những cái tên mới nhất ở châu Á tham gia danh sách hơn 100 tổ chức tài chính trên thế giới hạn chế và ngừng cho vay với các dự án xây nhà máy nhiệt điện.

Báo cáo từ Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu cho biết, chi phí đầu tư cho điện năng lượng tái tạo đang giảm nhiều khiến nhiệt điện than đang bị loại dần ra khỏi thị trường. Hơn 100 tổ chức tài chính đã đưa các nhà máy nhiệt điện than vào danh sách đen và có hành động chính trị nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon đang gia tăng.

Sự kiên trì và quyết liệt của Long An

Theo thống kê của Cục điện và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tính đến đầu năm 2019, tỷ lệ các nguồn điện vẫn có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 41,2%. Đứng thứ hai là nhiệt điện khí chiếm 21,9%. Tỷ lệ thủy điện, điện hạt nhân và điện tái tạo chiếm tỷ lệ không cao. Dù nhà máy nhiệt điện than đang chiếm tỷ lệ khá cao trong cung cấp nguồn điện, tuy nhiên, thời gian gần đây, một số tỉnh đã thẳng thừng từ chối hình thức hoạt động nhà máy này. Bởi lẽ theo lý giải, với hình thức xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than, họ lo ngại sẽ gây ô nhiễm môi trường. Long An là một trong những địa phương kiên trì và quyết liệt nhất với quan điểm này.

Co cau nang luong anh 2

Cụ thể, cuối tháng 11/2019, ông Nguyễn Văn Út - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh vẫn đang làm thủ tục xin Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng. Theo đó, Long An cho rằng, việc quy hoạch Trung tâm điện lực Long An sử dụng nguồn nhiên liệu khí hóa lỏng sẽ đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững mà Nhà nước và Chính phủ đã đề ra và để phát triển kinh tế tỉnh Long An theo định hướng “nền kinh tế xanh - sạch - hiện đại”.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, người dân về việc nghiên cứu sử dụng nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện này. Tất cả ý kiến tại các hội thảo đều không nhất trí với hình thức xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than bởi lo ngại sẽ gây ô nhiễm.

Trước đó, sau khi nhận được ý kiến từ UBND tỉnh Long An, tháng 9/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời với nội dung cho rằng theo quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016, tỉnh Long An được quy hoạch phát triển 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu là than. Bộ Công Thương cũng trả lời không có đủ cơ sở để phê duyệt quy hoạch trung tâm điện lực sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng như kiến nghị của tỉnh Long An. Tuy nhiên, Long An vẫn kiên quyết với ý định xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng, song song đó kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng vào dự án này. Mới đây ngày 1/11, UBND tỉnh Long An tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng.

Không chỉ Long An, nhiều địa phương cũng đang quyết liệt từ chối điện than một cách quyết liệt và mạnh mẽ. Theo đó, nhiều dự án nhiệt điện than thời gian qua đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.

Không thể một sớm một chiều

Đó là nhìn nhận của nhiều chuyên gia về câu chuyện: đã đến lúc nên loại bỏ nhiệt điện than tại Việt Nam chưa và lộ trình loại bỏ đó sẽ diễn ra như thế nào? Trả lời băn khoăn này của PV. VietNamNet tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị cấp cao lần thứ 3 và diễn đàn các bên liên quan lần thứ nhất Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), ông Pier Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định không thể bỏ nhiệt điện than trong “một sớm một chiều”. “Chúng ta phải chuyển đổi từ từ, không thể đột ngột yêu cầu ngay trong 1 ngày chuyển từ điện than sang năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo” - ông Pier Giorgio Aliberti nhấn mạnh. Ông Pier Giorgio Aliberti cho rằng phải tìm ra được sự cân đối tỷ trọng giữa các nguồn năng lượng trong hệ thống điện quốc gia, bởi “không thể nói 100% nguồn điện này hay 100% nguồn điện kia”.

Ngay cả có những nguồn năng lượng thay thế khác thì trong bối cảnh Việt Nam hiện nay vẫn khó từ bỏ điện than - đó là nhìn nhận của nhiều chuyên gia. Ông Lê Văn Lực - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), từng phụ trách lĩnh vực nhiệt điện, khẳng định đặt trong bối cảnh hiện nay các nguồn điện gặp nhiều khó khăn, không thể “bỏ ngay nhiệt điện than”. Để đảm bảo hệ thống điện với nhu cầu phụ tải tăng trên 10%, chỉ có nhiệt điện than mới đáp ứng được vì đảm bảo ổn định nguồn tốt nhất. Chưa kể, nguồn nhiệt điện than có mức giá hợp lý để các thành phần kinh tế - xã hội sử dụng sản xuất, kinh doanh, trong khi các nguồn khác như năng lượng tái tạo có giá thành cao. Điện là đầu vào cho sản xuất hàng hóa, nếu giá tăng có thể tác động đến giá thành sản phẩm, chi phí chi trả của người dân. Vì vậy, huy động điện khí hay điện tái tạo giá cao chiếm tỷ lệ càng lớn, sẽ càng làm tăng giá điện, từ đó tạo sức ép lên đời sống người dân và sản xuất, kinh doanh. Về lo ngại nhiệt điện than có thể gây ra ô nhiễm, ông Lực cho biết hiện đã có nhiều dự án nhiệt điện than có công nghệ hiện đại được đầu tư và đã có một số dự án đi vào vận hành, kiểm soát được ô nhiễm, với mức độ đều thấp hơn so với tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.

Mong muốn có nguồn điện sạch hơn là mong muốn chính đáng. Loại bỏ nhiệt điện than cũng có thể là phương án đã đến lúc phải tính đến. Nhưng loại bỏ vào thời điểm nào, loại bỏ theo một lộ trình như thế nào để vừa đảm bảo được an ninh năng lượng, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, của chính đời sống thường ngày của người dân, lại là vấn đề cần phải được xem xét một cách bình tĩnh, thấu đáo.

Theo Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, nếu muốn giảm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng hơn 2oC thì điều kiện bắt buộc là không một nhà máy nhiệt điện than mới nào được xây dựng. Cùng với xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 34 vào tháng 6 năm nay ở Thái Lan, lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất và khẳng định mục tiêu đến năm 2025, 23% nguồn cung năng lượng đến từ năng lượng tái tạo, hiện đại, bền vững. Tại Hội nghị thượng đỉnh Climate Action 2019 vào tháng 9/2019 tại Liên Hiệp quốc, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres cũng phát đi kêu gọi cắt giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trên toàn cầu. Theo nhận định của GEM, cuộc chuyển mình vào điện tái tạo là “một sự lựa chọn thông minh hơn để thúc đẩy nền kinh tế”.

Trang Thư

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn