Nhiều bất cập từ việc ngân sách chi cho giáo dục đại học ngày càng thấp
(NB&CL) Theo các chuyên gia, giáo dục đại học cần được đầu tư bài bản, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Tuy nhiên khi ngân sách đầu tư ít đi thì câu chuyện đào tạo đảm bảo chất lượng sẽ rất khó thực hiện và hệ lụy đó là chất lượng nguồn nhân lực sẽ đi xuống.
Nguồn ngân sách đầu tư ngày càng mờ nhạt!
Hiện nay, các trường đại học đã công khai báo cáo tài chính của nhà trường. Điều dễ dàng thấy được sự đầu tư cho giáo dục đại học bằng nguồn ngân sách nhà nước ngày một ít đi, hoặc tỷ trọng ngày một ít đi, một số trường có tăng nhưng không đáng kể. Trong khi đó, khối đại học tư thục thì ngân sách nhà nước đầu tư hàng năm gần như là con số không. Đây đang là bất cập lớn đối với giáo dục đại học hiện nay.
Theo báo cáo của Trường Đại học Điện lực, tổng thu của nhà trường năm 2020 hơn 257 tỷ đồng, trong đó tiền từ ngân sách chiếm 8 tỷ đồng. Đến năm 2021, tổng thu hơn 282 tỷ đồng trong khi nguồn từ ngân sách có 2,6 tỷ đồng.
Tại Đại học Bách Khoa, trong năm 2023 tổng thu của nhà trường đạt 2.137 tỷ đồng. Trong đó, tiền từ ngân sách 290 tỷ đồng (19 tỷ đồng từ chế độ chính sách cho người học, 71 tỷ đồng cấp cho nghiên cứu khoa học và 201 tỷ đồng cấp để xây dựng cơ bản). Trong khi đó, trong năm 2022, tổng thu của nhà trường là 1.706,37 tỷ đồng. Tiền từ ngân sách 433,69 tỷ đồng. Như vậy, năm 2023, tiền đầu tư từ ngân sách của Đại học Bách Khoa giảm hơn 140 tỷ đồng so với năm 2022.
Tại Trường Đại học Công nghiệp, trong năm 2023 tổng thu của nhà trường đạt 843 tỷ đồng, trong đó tiền ngân sách là 14 tỷ đồng. Tổng thu năm 2022 đạt 804 tỷ đồng, trong đó ngân sách 3,5 tỷ đồng.

Đầu tư cho giáo dục đại học sẽ mang lại quả ngọt cho nền kinh tế.
Tại Trường Đại học Kinh tế, năm 2023 tiền thu từ học phí của nhà trường hơn 1.014 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền từ ngân sách nhà nước chỉ đạt 28,97 tỷ đồng. Năm 2021, tiền từ ngân sách là 22,2 tỷ đồng, tiền thu từ học phí 836,2 tỷ đồng. Khối các trường đại học công, ngân sách nhà nước chi thấp, còn đối với các khối tư thục gần như ngân sách nhà nước không có. Cụ thể, tại Trường Đại học Văn Hiến năm 2023, nhà trường có tổng thu 955 tỷ đồng. Trong đó, từ học phí chiếm 953 tỷ đồng, không có tiền từ ngân sách.
Nhìn vào bảng công khai tài chính của các nhà trường có thể thấy mức đầu tư vào các trường đại học hiện nay từ ngân sách nhà nước không đáp ứng đúng kỳ vọng của xã hội. Theo các báo cáo của các trường, thì ngân sách đầu tư nhỏ giọt, nguồn thu chủ yếu đến từ học phí của sinh viên.
“Không được đầu tư nhiều, chắc chắn chất lượng giáo dục đại học sẽ không đạt như kỳ vọng” – ông Nguyễn Văn Thành, ở quận Ba Đình, Hà Nội. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị An ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, các trường đại học là trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nếu không được đầu tư một cách lâu dài, có chiến lược thì rất khó cho việc đào tạo ra được đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.
Cần có chiến lược đầu tư bài bản
Việc ngân sách chi cho giáo dục đại học ngày càng giảm đang đặt các trường trước thử thách lớn muốn tồn tại, nâng cao chất lượng đào tạo thì phải tăng học phí. Tăng học phí sẽ tạo nên áp lực lớn đối với sinh viên theo học, hạn chế tiếp cận giáo dục đối với sinh viên có điều kiện khó khăn.
Bàn về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học cho rằng, đầu tư của Nhà nước đối với giáo dục đại học rất quan trọng. Theo vị này, không khó để lấy ví dụ về bài học giữa việc đầu tư của Nhà nước và chất lượng đào tạo sinh viên đầu ra.
Trên thế giới, các nước đầu tư cho giáo dục đại học rất lớn, không chỉ đầu tư cho trường công mà trường tư cũng được đầu tư từ nguồn ngân sách. Nhờ sự đầu tư của ngân sách nhà nước mà sinh viên các trường phát triển mạnh. Như tại Trường Đại học Thanh Hoa Trung Quốc, Nhà nước đã chủ động đầu tư cho sinh viên nghiên cứu những đề tài lớn như chế tạo máy bay tự lái để ứng dụng trong nông nghiệp… Chính nhờ sự đầu tư đó, chất lượng đào tạo đầu ra của sinh viên được nâng cao.

Bên cạnh đó, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, sứ mệnh của các trường đại học hiện nay phải đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực, phổ cập tri thức đại học đối với toàn dân. Muốn hay không muốn, các trường đại học sẽ phải đào tạo lượng sinh viên rất lớn, chính quy hoặc không chính quy.
Bởi xã hội lúc này, kiến thức trung cấp thôi là chưa đủ để hoạt động nghề nghiệp. Để đào tạo lượng lớn người theo học như vậy, nếu chỉ dựa vào thu học phí chắc chắn rất khó khăn tuyển sinh. Thậm chí, nhiều trường đại học không mở lớp đào tạo vì làm sẽ có nguy cơ lỗ. Do đó, Nhà nước cần đầu tư vào cơ sở vật chất, công nghệ cho các trường đại học.
“Hiện đa số các trường rất bí về tiền, các trường tự chủ nên nguồn thu chủ yếu để trả lương, để kéo giảng viên, không có nhiều để đầu tư vào cơ sở vật chất, công nghệ vì thế không thể nâng cao được chất lượng đào tạo. Các trường đại học không đủ tiền để tái đầu tư mở rộng, nâng cao cơ sở vật chất, công nghệ để phục vụ dạy học. Ngay cả trường tư cũng cần được Nhà nước đầu tư” - Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Thiếu nguồn đầu tư ngân sách nhà nước chắc chắn rất khó để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đây thực sự là vấn đề bất cập của giáo dục đại học hiện nay. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định, việc các cơ sở giáo dục đại học phải tăng học phí để bù đắp chi phí trong khi thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả cho người học dẫn tới thu hẹp cơ hội học đại học chất lượng cao đối với những nhóm đối tượng yếu thế.
Ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, tự chủ đại học đã phát huy hiệu quả nhưng đã đến giới hạn. Giáo dục đại học sẽ chưa thể có bước chuyển biến mạnh nếu không kịp thời có cơ chế, chính sách tài chính đột phá. Đó chính là cái bẫy chất lượng trung bình của giáo dục đại học - một trong những điểm nghẽn lớn nhất đang cản trở sự phát triển của giáo dục đại học.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước phải đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục đại học. Việc đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học trong đó các trường đại học trọng điểm giảm sút nên các trường rất khó để nâng cao được chất lượng đào tạo. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực mà muốn phát triển được đất nước cần có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào.
Việt Nam cần tăng ngân sách cho giáo dục đại học Theo nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần tăng đầu tư với tỉ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học từ 0,23% lên ít nhất 0,8 - 1% GDP trước năm 2030. |
Trinh Phúc