Nhiều khách hàng 'ngậm trái đắng' sau khi mua quyền sở hữu kỳ nghỉ

15/05/2023 06:57

(CLO) Tham gia hợp đồng quyền sở hữu kỳ nghỉ kéo dài lên tới 30 năm với các ưu đãi như chiết khấu % trả theo từng quý, cam kết mua lại hợp đồng… nhưng mới đây, nhiều khách hàng đã nhận được thông báo bị cắt các đặc quyền nói trên vì lý do công ty đang gặp khó khăn.

Ưu đãi chưa thấy, chỉ thấy ưu phiền

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản du lịch và chia sẻ thời gian nghỉ dưỡng đã trở thành một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, những mô hình kinh doanh mới này cũng đem lại nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Một trong những loại hình đang gây tranh cãi và khiến nhiều người bức xúc đó là hợp đồng bán quyền sở hữu kỳ nghỉ.

Phản ánh đến Báo Nhà báo và Công luận, chị P.T.H (trú tại quận Tân Phú, TP HCM) cho biết, vào cuối năm 2020, chị nhận được lời mời chào tới tham gia sự kiện về du lịch và được tặng voucher nghỉ dưỡng. Tại nơi tổ chức sự kiện, chị H. được tư vấn và mời mua hợp đồng “tuần nghỉ hạnh phúc” tại khu du lịch sinh thái có tên Dragon Valley do Công ty Cổ phần Tập đoàn Ones Group (hiện đổi tên thành Công ty Cổ phần Vacation Paradise) phát triển.

nhieu khach hang ngam trai dang sau khi mua quyen so huu ky nghi hinh 1

Một hợp đồng được kí kết từ khi công ty này còn hoạt động dưới tên Ones Group.

Các tư vấn viên quảng cáo, khi tham gia hợp đồng này, khách hàng sẽ được cam kết nhận lãi suất 14%/năm trong 3 năm đầu và được trải nghiệm nghỉ dưỡng 4 ngày 3 đêm trong bộ sưu tập liên kết hệ thống khách sạn 4-5 sao của công ty trong thời gian này. Sau thời gian 3 năm, nếu không hài lòng với dịch vụ, công ty cam kết thu mua lại hợp đồng bằng giá trị bên mua từ ban đầu (không bao gồm VAT và các khoản phí đã thanh toán). Quy trình mua lại được quảng cáo là sẽ chỉ trong 30 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo bán lại của khách.

Với những lời quảng cáo “có cánh” như vậy, chị H. đã đồng ý ký hợp đồng với giá trị 300 triệu đồng với thời hạn lên tới 30 năm. Sau khi thực hiện hoàn toàn nghĩa vụ tài chính với công ty, trong năm 2021, chị H. được hưởng chiết khấu đầy đủ từ phía công ty. Nhưng đến quý III năm 2022, thì khoản chiết khấu của quý này bị cắt với lý do dịch bệnh, công ty không hoạt động được và đến quý IV thì chị H. tiếp tục nhận được chiết khấu.

Nhưng vấn đề lại xảy ra khi kết thúc quý I/2023, lúc này chị H. nhận được thông báo của công ty về việc ngưng trả chiết khấu, chuyển sang sử dụng quyền nghỉ dưỡng và phải đóng phí thường niên hàng năm, đồng thời công ty này cũng đơn phương ngưng chính sách thu mua lại hợp đồng như đã cam kết.

“Cũng từ thời điểm đó, việc liên lạc với công ty khó khăn hơn vì gọi điện thoại không ai nhấc máy, nhân viên tư vấn cho tôi thì báo đã nghỉ việc tại Vacation Paradise nên hầu như chỉ có thể gửi email và đợi trả lời sau vài ngày. Gần đây thì gửi email đi cũng không thấy công ty hồi âm”, chị H. cho biết.

nhieu khach hang ngam trai dang sau khi mua quyen so huu ky nghi hinh 2

Nhiều khách hàng của Vacation Paradise tỏ ra bức xúc khi không được hưởng quyền lợi đã cam kết.

Ngoài ra, khách hàng này cũng bức xúc khi tìm hiểu về dự án được quảng cáo ở Đà Lạt thì lại không hề thấy bất kì thông tin gì, sau đó liên hệ công ty để tìm hiểu các dự án ở Phú Quốc thì lại không nhận được phản hồi. Trong khi đó, khách hàng được tư vấn sẽ nhận được các kỳ nghỉ ở khách sạn 4-5 sao nhưng danh sách các điểm liên kết công ty cung cấp lại không đúng như quảng cáo.

Cũng rơi vào trường hợp như chị P.T.H, chị H.D (quận 3, TP HCM) cũng mua một hợp đồng kỳ nghỉ dưỡng “Tuần nghỉ hạnh phúc” của Vacation Paradise sau khi được mời đến tham dự một sự kiện có phát voucher du lịch. Theo gói này, chị H.D có thể sở hữu một kỳ nghỉ 8 ngày 7 đêm trong thời gian 10 năm tại các khu nghỉ dưỡng mà nhân viên tư vấn cho biết đều đạt đẳng cấp 4-5 sao do công ty làm chủ đầu tư hoặc liên kết với công ty khác.

“Nhân viên tư vấn quảng cáo nhiều dự án như Dragon Valley ở Đà Lạt rồi đến các khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Phan Thiết… để phục vụ gói nghỉ dưỡng này. Ngoài ra họ còn cam kết sẽ chiết khấu cho tôi 12%/năm và hưởng thêm một kỳ nghỉ 4 ngày 3 đêm trong 3 năm đầu. Sau đó nếu không có nhu cầu nữa thì công ty sẽ mua lại hợp đồng”, chị H.D cho biết.

Tuy nhiên, để hưởng các ưu đãi nói trên, nhân viên tư vấn yêu cầu chị H.D phải đóng cọc 50% giá trị hợp đồng là hơn 60 triệu đồng và thanh toán phần còn lại sau một tuần. Đáng nói, khi muốn mang hợp đồng về để nghiên cứu trước khi thanh toán thì nhân viên cho biết phải đọc và thanh toán tại chỗ vì đây là hợp đồng “bí mật nội bộ” của công ty.

Do thời điểm chị H.D được tư vấn đã gần 10 giờ đêm nên chị này đã chấp nhận đóng tiền để về nhà. Sau một tuần, chị H.D tiếp tục thanh toán phần còn lại cho Vacation Paradise qua nhiều tài khoản như: Công ty Cổ phần Vacation Paradise, Công ty TNHH Bất động sản Phú Gia Hân. Nhiều khách hàng khách cũng cho biết mình thực hiện thanh toán giống như chị H.D, nhưng đáng nói là các giao dịch đó sau khi hoàn thành thì đều không được công ty xuất hóa đơn VAT.

nhieu khach hang ngam trai dang sau khi mua quyen so huu ky nghi hinh 3

Các thỏa thuận đặt mua có trị giá hàng trăm triệu.

Sau gần 2 năm ký hợp đồng, mới đây chị H.D cũng nhận được thông báo dừng chi trả chiết khấu và thu mua hợp đồng với lý do như đã nêu trên. Lúc này chị H.D mới nghiên cứu kĩ lại hợp đồng thì thấy rất nhiều điều khoản gây bất lợi cho khách hàng.

“Tôi thấy việc ngừng ưu đãi chiết khấu và mua lại không được chấp thuận trong hợp đồng. Công ty cũng chỉ thực hiện quyền nghỉ dưỡng sau khi tôi đã đóng phí thường niên hàng năm, dù chưa đến thời hạn tôi phải đóng. Đáng nói là trong hợp đồng quy định, việc chi trả chiết khấu chỉ dừng khi có khu nghỉ dưỡng của công ty hoạt động. Tôi đã yêu cầu Vacation Paradise cung cấp thông tin về khu nghỉ dưỡng đã hoạt động như nào, có giấy phép để mở cửa đón khách hay không thì không được hồi đáp”, chị H.D bức xúc.

nhieu khach hang ngam trai dang sau khi mua quyen so huu ky nghi hinh 4

Các khu nghỉ dưỡng trong tài liệu quảng cáo mà nhân viên tư vấn của Vacation Paradise gửi đến khách hàng.

Ngoài hai trường hợp nói trên, còn nhiều khách hàng khác ở TP HCM và Hà Nội cũng đang bày tỏ sự bức xúc khi quyền lợi trong hợp đồng của mình bị dừng đơn phương. Họ cho rằng mình là một khách hàng mua dịch vụ, ở đây là quyền sở hữu kì nghỉ với các ưu đãi và chiết khấu chứ không đầu tư vào Vacation Paradise. Vì thế chỉ chấp nhận được việc dừng chiết khấu tại thời điểm dịch bệnh, còn không thể đưa yếu tố làm ăn khó khăn để cắt các ưu đãi đã cam kết với khách hàng.

Đại diện Vacation Paradise từ chối trả lời

PV đã liên hệ ông Nguyễn Thanh Bình - người đại diện của Công ty Cổ phần Vacation Paradise để giải đáp những phản ánh trên của nhiều độc giả TP HCM cũng là khách hàng của công ty. Mặc dù trước đó đã đồng ý gặp mặt trao đổi trực tiếp các vấn đề đang được nhiều khách hàng phản ánh thì ngay trong cùng ngày, ông Bình lại nhắn tin từ chối gặp mặt vì cho rằng đã có kết luận của Công an về vụ việc.

Để chứng minh điều đó, đại diện công ty này gửi cho PV một thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm của Công an quận Đống Đa (Hà Nội), trong đó nêu về việc không có sự việc phạm tội, quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với tố giác của người dân.

nhieu khach hang ngam trai dang sau khi mua quyen so huu ky nghi hinh 5

Trụ sở của Công ty Cổ phần Vacation Paradise và nhiều công ty khác do ông Bình đứng tên.

Tuy nhiên, khi trình bày các nội dung mà bạn đọc đang phản ánh, liên quan đến quyền lợi cũng như những cam kết mà công ty này đã đưa ra trong hợp đồng để mời chào khách hàng mua những kỳ nghỉ dưỡng lên tới hàng trăm triệu chứ không chỉ liên quan đến việc tố cáo công ty, ông Bình đã chấp nhận trả lời.

Nhưng sau khi nhận được câu hỏi về các vấn đề liên quan đến pháp lý công ty, đóng thuế, xuất hóa đơn VAT cho khách hàng, việc thanh toán qua Công ty TNHH Bất động sản Phú Gia Hân… thì sau đó hơn một tuần, ông Bình lại thông báo từ chối làm việc, trả lời các câu hỏi nói trên.

Lý do được đưa ra là do đang trong thời điểm khó khăn, đang phải xử lý nhiều công việc nên không thể sắp xếp được thời gian làm việc. Ông này cho biết hoạt động của công ty đều tuân thủ pháp luật và các giao dịch với khách hàng đều thực hiện đúng nguyên tắc, hợp pháp.

Qua tìm hiểu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì được biết, hiện Công ty cổ phần Vacation Paradise do ông Nguyễn Thanh Bình làm người đại diện đang trong tình trạng tạm nghỉ kinh doanh. Ngoài ra, ông Bình còn là người đại diện của khoảng 16 doanh nghiệp, chi nhánh khác như: Công ty Cổ phần đầu tư UBG Link, Công ty Cổ phần – Tập đoàn công nghệ điện tử ALEO Việt Nam, Công ty Cổ phần UBG Vacation, Công ty TNHH IBG Việt Nam…

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Cục CTBVNTD), sau khi loại hình kinh doanh mới này du nhập vào Việt Nam một thời gian, đã xuất hiện những vấn đề gây bức xúc khi người tiêu dùng tham gia các giao dịch liên quan đến dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ.

Để hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp phải khi tham gia giao kết những “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” như vậy, Cục CTBVNTD đưa ra một số vấn đề cần lưu ý trước khi xác lập giao kết loại hình này như sau:

Cần phải nhận thức rõ “sở hữu kỳ nghỉ” không phải là bất động sản theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên bán trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ chỉ là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cụ thể là dịch vụ lưu trú.

Cần tìm hiểu kỹ, xác minh rõ các thông tin về hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp. Đặc biệt, cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với các thông tin quảng cáo của doanh nghiệp về dự án.

Nghiên cứu kỹ toàn bộ nội dung của hợp đồng và các phụ lục kèm theo trước khi ký kết, so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và khách hàng phải thanh toán một số tiền lớn ngay từ đầu, bên cạnh khoản phí cố định sẽ còn kèm theo rất nhiều các khoản phí khác phát sinh chỉ được quy định trong hợp đồng chứ không có trong thông tin quảng cáo, chào bán. Vì vậy, cần cân nhắc thật kỹ và tỉnh táo trước các chiến lược khai thác khuynh hướng tâm lý khách hàng của doanh nghiệp trước khi quyết định đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào hoặc đặt bút ký vào bất kỳ tài liệu nào với doanh nghiệp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhiều khách hàng 'ngậm trái đắng' sau khi mua quyền sở hữu kỳ nghỉ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO