Môi trường

Nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực môi trường được phân cấp, phân quyền cho địa phương

Phúc Ân 08/07/2025 20:16

(CLO) Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Nghị định 136/2025/NĐ-CP, trong đó nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực môi trường được phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Nghị định 136/2025/NĐ-CP đã quy định chi tiết việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường theo nguyên tắc rõ ràng, phù hợp năng lực của các cấp chính quyền, tránh chồng chéo, đảm bảo minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo đó, từ tháng 7/2025, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trước đây thuộc Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường được phân quyền cho UBND tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh được trao quyền xây dựng và ban hành kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng trong các trường hợp do lịch sử để lại hoặc không xác định được cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm. Địa phương cũng sẽ chịu trách nhiệm tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh mương, công trình thủy lợi thuộc quyền quản lý, đảm bảo các hoạt động này đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Thu gom rác thải (ảnh minh họa).
Thu gom rác thải (ảnh minh họa).

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ được thực hiện nhiệm vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp đặc biệt tiếp tục do Bộ thực hiện như dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên chưa được xác định rõ thẩm quyền, hoặc các dự án thuộc lĩnh vực nhạy cảm như khai thác khoáng sản, sử dụng tài nguyên nước, xử lý chất thải nguy hại, có nguy cơ ô nhiễm cao.

Trường hợp dự án nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp nhưng thuộc loại hình có mức công suất lớn, nguy cơ gây ô nhiễm cao theo quy định tại phụ lục II Nghị định 08/2022/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 05/2025/NĐ-CP) thì vẫn do Bộ trực tiếp cấp phép. Ngược lại, với các dự án quy mô vừa, phù hợp với năng lực quản lý địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ là người quyết định.

Song song với nghị định 136/2025/NĐ-CP, nghị định số 131/2025/NĐ-CP quy định cụ thể về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm đảm bảo rõ ràng, tránh chồng chéo.

Cụ thể, ở cấp tỉnh, UBND tỉnh được giao thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cho cụm công nghiệp khi không có chủ đầu tư; yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái theo đề nghị của UBND xã. Đồng thời, tiếp nhận báo cáo về làng nghề, phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề của UBND xã.

Chủ tịch UBND tỉnh được quyền cấp giấy phép môi trường cho các dự án cơ sở thuộc nhóm I, II, III, với các tiêu chí cụ thể về phát sinh nước thải, khí thải và chất thải nguy hại theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 05/2025/NĐ-CP). Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại hoặc thu hồi giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Ở cấp xã, chính quyền xã cũng được trao thêm nhiều thẩm quyền mới quan trọng trong lĩnh vực môi trường. Hội đồng nhân dân cấp xã có quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

UBND xã có thẩm quyền lập danh mục các cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, tổng hợp nhu cầu ngân sách bảo vệ môi trường làng nghề, chỉ đạo triển khai các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề, đầu tư và vận hành các hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn và nước thải tại chỗ. Bên cạnh đó, UBND xã còn có trách nhiệm công bố sự cố môi trường, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và xây dựng kế hoạch phục hồi môi trường, ứng phó sự cố môi trường cấp xã, yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã được giao nhiều quyền hạn trong lĩnh vực môi trường như tiếp nhận đăng ký môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền, chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường và chất thải, huy động lực lượng, thiết bị, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp xã. Đồng thời, Chủ tịch UBND xã có quyền thành lập đoàn kiểm tra đột xuất, xác định sự cố chất thải và chỉ đạo các biện pháp ứng phó theo quy định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực môi trường được phân cấp, phân quyền cho địa phương
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO