Nhiều nước ASEAN hướng tới sống chung an toàn với COVID-19

Thứ ba, 12/10/2021 07:52 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều nước trong khối ASEAN bắt đầu gỡ bỏ lệnh phong tỏa, cho phép người dân tự do đi lại và tiếp tục tăng cường tiêm vaccine, hướng tới mục tiêu sống chung an toàn với COVID-19.

Sự kiện: COVID-19

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến hết ngày 11/10, các nước ASEAN ghi nhận thêm 30.029 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tăng lên trên 12,5 triệu ca.

Toàn khối cũng ghi nhận 301 ca tử vong, như vậy, tới nay virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 269.043 người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11,7 triệu trường hợp.

nhieu nuoc asean huong toi song chung an toan voi covid 19 hinh 1

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Batu, Malaysia, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX

Trong 24 giờ qua, có 8 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới (2 nước không công bố số liệu); 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Lào và Việt Nam.

Tình hình dịch bệnh tại khu vực Đông Nam Á đã có những dấu hiệu cải thiện, do đó nhiều nước trong khu vực bắt đầu gỡ bỏ lệnh phong tỏa, cho phép người dân đã tiêm đủ liều vaccine tự do đi lại. Một số nước công bố kế hoạch mở cửa biên giới và tiếp tục tăng tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh, hướng tới mục tiêu sống chung an toàn với COVID-19.

Tại Malaysia, đúng theo kế hoạch, các địa phương của nước này đã mở cửa trở lại từ ngày 11/10 trong bối cảnh chính phủ nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới trong nước. Chính quyền đã cho phép những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ được đi lại tự do trên khắp đất nước tùy theo nhu cầu cá nhân.

Quyết định này của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob được đưa ra sau khi chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 90% dân số ở độ tuổi trưởng thành vào ngày 10/10.  Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm nay, người dân Malaysia được tự do đi lại giữa các tỉnh trong nước. Từ tháng 3/2020, Malaysia đã duy trì lệnh cấm người dân nước này xuất cảnh vì các lý do không khẩn cấp.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Malaysia liên tục giảm kể từ cuối tháng 9 và gần đây, Malaysia ghi nhận chưa đến 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đây là thông tin tích cực so với cuối tháng 8, thời điểm nước này ghi nhận gần 25.000 ca/ngày. Số ca tử vong do COVID-19 tại Malaysia cũng đang giảm mạnh.

Tại Thái Lan, từ ngày 1/11 tới, nước này sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại đối với du khách đã tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID19 bằng đường hàng không từ các quốc gia được coi là có nguy cơ thấp.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết có 10 quốc gia được nước này đánh giá là nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19 thấp, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức và Singapore. Ông nhấn mạnh khi nhập cảnh Thái Lan, du khách từ các nước nói trên sẽ phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 và tiến hành xét nghiệm tại điểm đến thêm một lần nữa. Sau đó, du khách nước ngoài đó có thể tự do đi lại như người dân trong nước.

Trước đó một ngày, chính quyền Thái Lan đã thông báo sẽ mở cửa thêm 5 địa điểm du lịch cho du khách đầu tháng 11/2021, gồm Bangkok, Chiang Mai, Prachuap Khiri Khan, Phetchaburi và Chon Buri.

Chính phủ Thái Lan hy vọng sẽ đạt doanh thu 1.500 tỷ baht từ khách du lịch trong năm tới. Gần một nửa trong số đó, tương đương khoảng 600 tỷ baht, sẽ đến từ 15 triệu khách du lịch nước ngoài. Doanh thu từ thị trường du lịch nội địa được dự báo sẽ vào khoảng 800 tỷ baht.

Những con số này chỉ bằng một nửa thu nhập của ngành du lịch trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, khi doanh thu du lịch đạt tổng cộng 3.400 tỷ baht và lượng khách nước ngoài là gần 40 triệu trong năm 2019.

Tại Indonesia, ngày 11/10, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này giảm do người dân đã có khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 thông qua con đường tự nhiên sau khi tiếp xúc với virus SARS-Cov-2 hoặc qua con đường tiêm chủng.

Tuy nhiên, ông Budi cũng cho rằng, để có chứng cứ khoa học về việc này cần tiến hành nghiên cứu cụ thể với việc lấy mẫu ngẫu nhiên. Theo đó, Bộ Y tế Indonesia sẽ tiến hành lấy mẫu từ 21.880 người tại 100 huyện và thành phố trên khắp cả nước.

Bộ Y tế Indonesia sẽ hợp tác với Khoa Y tế công cộng thuộc Đại học Indonesia (FKM UI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành một loạt các xét nghiệm, định kỳ sáu tháng một lần. Theo Bộ trưởng Budi, kết quả khảo sát dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa tháng 12 tới nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình trạng miễn dịch hoặc kháng thể của tất cả người dân ở 34 tỉnh thành trên toàn quốc. Đây cũng sẽ là cơ sở để Indonesia xây dựng các chính sách trong tương lai.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Cảnh giác cao độ với cúm gia cầm nhưng không hoang mang, gây hại cho ngành chăn nuôi!

Cảnh giác cao độ với cúm gia cầm nhưng không hoang mang, gây hại cho ngành chăn nuôi!

(NB&CL) Sau khi ghi nhận trường hợp một bệnh nhân bị tử vong do cúm gia cầm, nhiều người đã cẩn trọng khi không sử dụng thực phẩm như trứng, thịt gia cầm trong khi đó cũng có người chủ quan vẫn ăn tiết canh, trứng sống. Chuyên gia cho rằng, những phản ứng như trên đều không phù hợp.

Sức khỏe
Khối ngành sức khỏe đua nhau tuyển sinh bằng điểm học bạ: Ưu tiên chất lượng hay số lượng?

Khối ngành sức khỏe đua nhau tuyển sinh bằng điểm học bạ: Ưu tiên chất lượng hay số lượng?

(CLO) Việc các trường mở rộng hình thức tuyển sinh, mở rộng chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển học bạ cho thấy vấn đề tuyển sinh ở nhiều trường ngày càng cạnh tranh, khó hút thí sinh.

Sức khỏe
Điều dưỡng Bạch Mai cứu sống người ngừng tim: Tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện!

Điều dưỡng Bạch Mai cứu sống người ngừng tim: Tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện!

(CLO) Theo các chuyên gia, việc cấp cứu ngoại viện hết sức quan trọng, nếu nhiều người dân có kỹ năng thì cơ hội cứu sống người bệnh khỏi nguy cấp rất cao.

Sức khỏe
Vụ tấn công website của Viện Tim TP HCM không gây rò rỉ thông tin người bệnh

Vụ tấn công website của Viện Tim TP HCM không gây rò rỉ thông tin người bệnh

(CLO) Ngày 27/3, Sở Y tế TP HCM đã thông tin làm rõ về việc webiste lấy số khám bệnh của Viện Tim TP HCM bị tấn công mạng, gây ảnh hưởng đến việc cấp số thứ tự cho người bệnh.

Sức khỏe
TP HCM sẽ phát triển 3 Trung tâm cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu hàng không, đường thủy

TP HCM sẽ phát triển 3 Trung tâm cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu hàng không, đường thủy

(CLO) Đây là nội dung nằm trong Đề án “Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP HCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo” vừa được UBND TP HCM phê duyệt.

Sức khỏe