Nhiều nước chuyển sang chiến lược 'sống chung với COVID-19'

Thứ năm, 14/10/2021 07:37 AM - 0 Trả lời

(CLO) Việc theo đuổi “zero COVID” trong trung và dài hạn là không bền vững, vì vậy, nhiều nước nay đã chuyển sang chiến lược “sống chung với COVID-19”.

Sự kiện: COVID-19

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 239.857.588 ca, trong đó có 4.887.834 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 399.100 trường hợp mắc COVID-19 và 6.721 ca tử vong.

Ngày 13/10, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

nhieu nuoc chuyen sang chien luoc song chung voi covid 19 hinh 1

Người dân đi bộ tại khu vực Nhà hát Opera ở thành phố Sydney, Australia ngày 11/10/2021. Ảnh: THX

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID” sang “sống chung với COVID-19”.

Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết nước này đang cẩn trọng cân nhắc kế hoạch bước vào trạng thái bình thường mới trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Ủy ban dân sự - chính phủ của Hàn Quốc, bao gồm các chuyên gia dân sự và quan chức chính phủ, đã được thành lập để đưa ra kế hoạch "sống chung với COVID-19".

Thủ tướng Kim cho biết chính phủ sẽ chuẩn bị để coi COVID-19 là một căn bệnh truyền nhiễm có thể kiểm soát được, qua đó khôi phục đời sống bình thường cho người dân. Ông cũng khẳng định chưa thể bỏ ngay khẩu trang và chính phủ vẫn để ngỏ chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh xấu hơn, cũng như xem xét biện pháp dùng thẻ vaccine cho phép người dân tiếp cận nhiều hơn các nơi công cộng.

Tại Australia, bang New South Wales (NSW) có thể nới lỏng thêm các hạn chế ở thành phố Sydney sớm hơn một tuần so với kế hoạch vào ngày 18/10, trong bối cảnh bang đông dân nhất nước này đang đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hướng đến mốc 80% dân số tiêm đủ 2 mũi.

NSW đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% dân số vào khoảng cuối tháng 10 này, theo đó nhiều quy định hạn chế sẽ được nới lỏng. Tuy nhiên, mốc 80% được cho là có thể đạt được vào cuối tuần này, sớm hơn dự kiến. Nhà chức trách bang NSW trước đó cam kết sẽ nới lỏng thêm các hạn chế đối với những người đã tiêm phòng COVID-19 vào thứ Hai đầu tiên sau khi đạt mốc này.

Hiện chính quyền NSW vẫn chưa cho phép những người chưa tiêm vaccine ra khỏi nhà cho đến ngày 1/12/2021. Australia được cho là đã duy trì được số ca mắc COVID-19 ở mức khá thấp, với tổng cộng 133.400 ca ghi nhận cho đến nay, trong đó có 1.478 ca tử vong.

Ở châu Phi, Algeria đã quyết định mở lại các tuyến vận tải hành khách đường biển đến Pháp và Tây Ban Nha sau khi tạm dừng vào năm ngoái do đại dịch COVID-19. Bộ Giao thông vận tải Algeria cho biết công ty vận tải biển ENTMV Algerie Ferries sẽ nối lại các tuyến tàu thủy chở khách đến Alicante (Tây Ban Nha), từ ngày 21/10 và đến Marseille (Pháp), từ ngày 1/11.

Việc lên lịch cho các tuyến khác sẽ được nhà chức trách Algeria xem xét tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh của nước này. Số ca mắc COVID-19 mới ở đất nước gần 44 triệu dân này đã giảm mạnh trong những tuần gần đây, tạo điều kiện thuận lợi để chính phủ dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế.

Đến nay Algeria đã ghi nhận tổng cộng hơn 215.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.855 ca tử vong.

Tại châu Mỹ, Mỹ thông báo từ tháng 11 tới sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại bằng đường hàng không tới 33 quốc gia, áp dụng với những người đã tiêm phòng vaccine đầy đủ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các du khách quốc tế cần có giấy chứng nhận tiêm các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được các cơ quan quản lý của Mỹ hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.

Thực tế diễn ra trong vài tháng qua cho thấy, đa số quốc gia và vùng lãnh thổ thành công với chiến lược “zero COVID” ban đầu lại chật vật đối phó với làn sóng dịch bệnh tiếp theo khi xuất hiện biến thể lây lan nhanh Delta.

Tải lượng virus SARS-CoV-2 ở biến thể Delta cao gấp 1.000 lần so với virus ban đầu. Một người mắc biến thể Delta sẽ truyền virus cho trung bình 5,1 người, so với 2,8 với virus ban đầu. Điều này có nghĩa là với chỉ một ca mắc, có thể có thêm 200 ca lây nhiễm trong ba tuần. Khi đối diện với loại biến thể nguy hiểm này, chiến lược “zero COVID” không còn hiệu quả.

Tại Đài Loan, số ca mắc mới tăng vọt trong tháng 5. Tại Singapore, số ca mắc đã tăng từ mức hai con số hồi đầu tháng 7 lên trên 3.000 ca hiện nay. Australia, với số ca mắc hàng ngày hiện vào khoảng 2.000, cũng đi theo xu hướng tương tự. Thậm chí ở New Zealand, thành trì chống COVID-19 cũng đã vỡ khi số ca mắc hàng ngày ở hai con số.

Khi biến thể Delta hoành hành, chiến lược nhổ tận gốc COVID-19 “vỡ trận”. Có thể nói gần như không thành trì nào đứng vững trước biến thể nguy hiểm này. Khi nó đã xuất hiện thì ngăn chặn nó là quá muộn.

Do đó, việc các quốc gia từ bỏ chiến lược “zero COVID” là phù hợp và dễ hiểu. Singapore là quốc gia đầu tiên. Hồi tháng 6, chính phủ nước này cho biết đã tới lúc sống chung với virus SARS-CoV-2. Chương trình tiêm chủng của Singapore là thành công nhất ở châu Á khi 82% dân số đã đượctiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Đây chính là động lực để mở cửa trở lại.

nhieu nuoc chuyen sang chien luoc song chung voi covid 19 hinh 2

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo chấm dứt chiến lược “zero COVID”. Nước này xác định sẽ để cho số ca mắc gia tăng miễn là các bệnh viện có thể đối phó. Một khi tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 80%, có thể là vào cuối năm nay, phần lớn các biện pháp phòng chống dịch sẽ được dỡ bỏ.

Gần đây, tới lượt New Zealand từ bỏ chiến lược “zero COVID”. Mặc dù Thủ tướng Jacinda Ardern được ca ngợi về cách xử lý đại dịch “chắc tay” nhưng tâm lý người dân có vẻ xấu đi. Ngày 2/10, người dân thủ đô Auckland đã phản đối các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hai ngày sau, bà Ardern buộc phải thừa nhận: “Trở lại thời điểm không có ca bệnh là khó khăn không tưởng”. Bà đã thông báo cách thức chống dịch mới, dần dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.

Có thể khẳng định sống chung với dịch bệnh sẽ là xu hướng chủ đạo và tất yếu trên thế giới. Sống chung sẽ giúp các chính phủ đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc thay vì phải hy sinh lợi ích kinh tế như chiến lược “zero COVID”. Tuy nhiên, sống chung không có nghĩa là không có chiến lược phòng chống dịch bệnh mà sống chung phải đi kèm với an toàn.

Khi thực hiện “zero COVID”, nhiều quốc gia đã không làm hệ thống y tế quá tải nhưng điều này đã liên tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế xã hội.

Việc theo đuổi chiến lược “zero COVID” trong trung và dài hạn rõ ràng là không bền vững. Biến thể Delta khiến hiệu quả của “zero COVID” ngày càng giảm, thậm chí sẽ thất bại nếu các quốc gia cứ bám đuổi mãi với chiến lược này.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Một mỹ phẩm Hàn Quốc bị đình chỉ lưu hành ở Việt Nam

Một mỹ phẩm Hàn Quốc bị đình chỉ lưu hành ở Việt Nam

(CLO) Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam xuất xứ từ Hàn Quốc sản xuất.

Sức khỏe
Người phụ nữ có hai bàng quang

Người phụ nữ có hai bàng quang

(CLO) Sau khi thăm khám, được bác sĩ thông báo có hai bàng quang người phụ nữ 74 tuổi rất sốc, người này có quen tiểu đêm từ 3 đến 4 lần.

Sức khỏe
TP HCM thí điểm mô hình tổ lưu động chăm sóc răng miệng cho học sinh

TP HCM thí điểm mô hình tổ lưu động chăm sóc răng miệng cho học sinh

(CLO) Đây là chương trình kết hợp của Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM để thí điểm mô hình trường - trạm về nha học đường tại quận 1, quận 5, quận 6 và huyện Cần Giờ, trước khi triển khai rộng toàn thành phố.

Sức khỏe
Một sản phụ đẻ ngay tại nhà xe bệnh viện

Một sản phụ đẻ ngay tại nhà xe bệnh viện

(CLO) Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hà Đông vừa kịp thời cấp cứu hồi sức thành công cho sản phụ "đẻ rớt" con ngay tại nhà gửi xe của bệnh viện.

Sức khỏe
Bỏ túi Gamma Lipid - Bí quyết vàng cho người mỡ máu cao

Bỏ túi Gamma Lipid - Bí quyết vàng cho người mỡ máu cao

(CLO) Mỡ máu cao là một vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho tim mạch, tai biến mạch máu não,...

Sức khỏe