Thế giới 24h

Nhiều sinh viên Trung Quốc từ bỏ giấc mơ Mỹ

Ngọc Ánh 22/04/2025 18:32

(CLO) Hàng nghìn sinh viên Trung Quốc đang rời bỏ giấc mơ Mỹ giữa lúc chính sách nhập cư siết chặt, thị thực bị thu hồi và định kiến an ninh ngày càng tăng.

Khi chương trình tiến sĩ của Yao, nữ nghiên cứu sinh ngành sinh học 25 tuổi, bị hoãn vì trường đại học tại Mỹ cắt giảm tài trợ, cô trở thành một trong hàng nghìn sinh viên Trung Quốc đang tìm kiếm giấc mơ học thuật ở những chân trời mới.

“Tôi từng nghĩ chính trị chẳng ảnh hưởng gì đến mình, nhưng giờ thì tôi cảm nhận rõ ràng rồi”, Yao chia sẻ, từ chối nêu tên trường dự định theo học.

Các chính sách nhập cư cứng rắn và tình hình căng thẳng Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump đang khiến làn sóng du học sinh Trung Quốc tại Mỹ lung lay dữ dội.

untitled(13).png
Trung Quốc là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất tại Mỹ trong 15 năm, đóng góp 14,3 tỷ USD vào năm 2023, cho đến khi Ấn Độ vượt qua vào năm ngoái. Ảnh: EPA

Sau khi ông Trump tái đắc cử vào năm 2024, hơn 4.700 sinh viên Trung Quốc đã bị xóa khỏi hệ thống nhập cư Mỹ, có nguy cơ bị trục xuất bất cứ lúc nào. Họ hiện chiếm khoảng 14% trong tổng số 327 trường hợp bị thu hồi thị thực được ghi nhận trong báo cáo gần đây của Hiệp hội Luật sư Di trú Mỹ.

Trung Quốc từng là quốc gia có số lượng sinh viên quốc tế đông nhất tại Mỹ suốt 15 năm liên tiếp, trước khi bị Ấn Độ vượt mặt vào năm ngoái. Theo số liệu của Open Doors, sinh viên Trung Quốc đã đóng góp khoảng 14,3 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2023. Tuy vậy, trong mắt các nhà lập pháp Mỹ, họ ngày càng bị xem là mối đe dọa an ninh.

Tháng trước, Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ đã yêu cầu 6 trường đại học cung cấp thông tin liên quan đến sinh viên Trung Quốc trong các ngành STEM, đặc biệt những người tham gia nghiên cứu do liên bang tài trợ.

Chủ tịch ủy ban, ông John Moolenaar, gọi hệ thống thị thực hiện tại là “con ngựa thành Troy của Bắc Kinh”, mang đến cho Trung Quốc quyền tiếp cận không giới hạn tới các cơ sở nghiên cứu hàng đầu.

Phía Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ “ngừng sử dụng lý do an ninh quốc gia làm cái cớ” để áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang thúc đẩy một dự luật nhằm cấm cấp thị thực du học cho công dân Trung Quốc, viện dẫn lý do bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong học viện.

Ủy ban 100, tổ chức phi lợi nhuận gồm những người Mỹ gốc Hoa có tầm ảnh hưởng, đã lên tiếng phản đối dự luật, cho rằng điều này đi ngược với các giá trị truyền thống của Mỹ và có thể làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này trong lĩnh vực khoa học và đổi mới sáng tạo.

Giữa bầu không khí căng thẳng, nhiều sinh viên Trung Quốc đã chọn quay đầu. “Họ đơn giản là những người thuộc tầng lớp trung lưu đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc học, và giờ họ muốn có một con đường chắc chắn hơn để thu lại khoản đầu tư ấy”, giáo sư Chen Yiran từ Đại học Duke khẳng định

Nhiều trường đại học tại châu Âu và châu Á đang trở thành lựa chọn thay thế. Theo bà Summer Wu, giám đốc khu vực Trung Quốc của Đại học Bocconi (Ý), số lượng sinh viên hỏi thông tin nhập học đang tăng rõ rệt. “Không ít người nói thẳng là vì tình hình chính trị ở Mỹ, họ phải cân nhắc kỹ hơn các phương án khác”, Wu nói.

Tại Anh, các tổ chức giáo dục cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Bà Pippa Ebel, chuyên gia nghiên cứu giáo dục Trung Quốc thuộc HEPI (Vương quốc Anh), cho rằng sự vươn lên của các trường đại học trong nước và nguồn tài trợ nghiên cứu lớn đang hấp dẫn sinh viên Trung Quốc.

Mỹ vẫn là quốc gia được tìm kiếm nhiều nhất trên hệ thống của Keystone Education Group, nhưng mức độ quan tâm đã giảm 5% kể từ khi ông Trump thông báo áp thuế mới. Số lượng tìm kiếm liên quan đến chương trình tiến sĩ cũng giảm 12%.

Mức thuế 145% của ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc không chỉ tác động tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng tài chính của các gia đình Trung Quốc có con đang theo học tại Mỹ.

Không ít sinh viên đã chọn những hướng đi hoàn toàn khác. Tại Hồng Kông, chính sách thị thực linh hoạt đã giúp thành phố này trở thành điểm đến học tập hấp dẫn. Li, một sinh viên từng học ba năm tại New York, đã quyết định từ bỏ hành trình xin Thẻ xanh Mỹ đầy gian nan, chuyển đến Hồng Kông để học sau đại học và làm việc.

“Khi tôi nhận ra cuộc sống có thể mở ra nhiều hướng khác, tôi không còn thấy thất vọng với lựa chọn của mình nữa”, cô nói.

(theo SCMP, Reuters)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhiều sinh viên Trung Quốc từ bỏ giấc mơ Mỹ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO