Tin tức

Nhiều tỉnh đồng loạt kiện toàn tổ chức, nhân sự sau sáp nhập

Hoàng Minh 02/07/2025 07:28

(CLO) Ngày 1/7/2025 đánh dấu mốc lịch sử khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức được vận hành trên phạm vi cả nước. Các địa phương như Tuyên Quang, Ninh Bình, An Giang, Tây Ninh đã đồng loạt tổ chức kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự theo mô hình mới sau sáp nhập, thể hiện quyết tâm cao trong sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Tuyên Quang công bố hàng loạt quyết định về công tác tổ chức, nhân sự

4.jpg
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tặng hoa chúc mừng Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Chiều 1/7, Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ, thành lập cơ quan, đơn vị và nhân sự lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đáng chú ý, Ban Tổ chức Tỉnh ủy công bố quyết định của Ban Bí thư về việc ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, được nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng từ ngày 1/7/2025.

Tại hội nghị, 12 quyết định thành lập tổ chức mới được công bố, gồm 4 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 5 cơ quan chuyên trách tham mưu, 2 đơn vị sự nghiệp và 1 cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố 95 quyết định nhân sự lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh khẳng định, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy là yêu cầu tất yếu, cần được triển khai nghiêm túc, bài bản, đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả. Ông Trần Mạnh Lợi, đại diện các cán bộ nhận nhiệm vụ, cam kết phát huy tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", chung sức xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Ninh Bình kiện toàn bộ máy sau sáp nhập, phân công 61 cán bộ

3.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy trao các Quyết định cho lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Cũng trong chiều 1/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình công bố quyết định thành lập 4 Đảng bộ trực thuộc gồm Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh; thành lập các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy và các đơn vị sự nghiệp như Ban Tuyên giáo - Dân vận, Văn phòng Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Báo - Phát thanh Truyền hình Ninh Bình hợp nhất...

Đáng chú ý, 61 cán bộ được phân công, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, trong đó có ông Đinh Việt Dũng giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, ông Phạm Duy Hưng giữ chức Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, cùng nhiều cán bộ giữ các vị trí chủ chốt khác trong bộ máy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Trương Quốc Huy nhấn mạnh, đây là dấu mốc quan trọng cho sự tái cơ cấu tổ chức bộ máy sau sáp nhập, bảo đảm sự lãnh đạo kịp thời, tập trung, thống nhất của Đảng và nâng cao hiệu lực hoạt động của chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

An Giang thành lập 14 sở, ngành sau hợp nhất với Kiên Giang

5.jpg
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải trao các quyết định lãnh đạo Đảng bộ Các cơ quan Đảng và lãnh đạo Đảng bộ UBND tỉnh An Giang trực thuộc Tỉnh ủy An Giang. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Tại kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh An Giang khóa X, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ định ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng thời công bố các Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021–2026.

Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng thông qua nghị quyết thành lập 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất các sở ngành của An Giang (cũ) và Kiên Giang (cũ). Các cơ quan này có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định pháp luật, hoạt động dưới sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: Việc thành lập tỉnh An Giang mới không đơn thuần là sắp xếp địa giới, mà là bước cải cách chiến lược để kết nối thế mạnh vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại biên giới và du lịch sinh thái. Ông yêu cầu UBND tỉnh nhanh chóng cụ thể hóa các nghị quyết bằng kế hoạch hành động rõ ràng, không để gián đoạn điều hành hay khoảng trống trách nhiệm.

Tây Ninh ra mắt bộ máy hành chính mới, bổ nhiệm đồng loạt giám đốc sở ngành

6.jpg
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh trao quyết định bổ nhiệm các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Tây Ninh công bố quyết định về công tác cán bộ đối với các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Theo đó, Tây Ninh hiện có 14 cơ quan chuyên môn, 2 đơn vị trực thuộc là Quỹ Đầu tư phát triển và Ban Quản lý Khu kinh tế, cùng 12 đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiều lãnh đạo sở được bổ nhiệm như ông Trương Văn Liếp (Giám đốc Sở Tài chính), ông Võ Minh Thành (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), ông Nguyễn Nam Hưng (Giám đốc Sở Xây dựng), cùng lãnh đạo các sở Giáo dục, Y tế, Công thương, Khoa học – Công nghệ, Ngoại vụ...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út đề nghị đội ngũ cán bộ được bổ nhiệm tiếp tục phát huy sáng kiến, kinh nghiệm từ hai địa phương trước sáp nhập, tham mưu hiệu quả cho chính quyền tỉnh, tránh tình trạng chồng chéo, né tránh trách nhiệm. Ông nhấn mạnh tinh thần dân chủ, kỷ cương, dám nghĩ, dám làm là yêu cầu xuyên suốt đối với bộ máy mới.

Việc đồng loạt kiện toàn tổ chức, phân công nhân sự tại các địa phương ngay sau khi chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp cho thấy sự chủ động, quyết liệt trong thực hiện chủ trương lớn của Đảng, bảo đảm bộ máy chính quyền hoạt động liên tục, hiệu quả, tạo tiền đề để các địa phương phát triển ổn định, bền vững.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhiều tỉnh đồng loạt kiện toàn tổ chức, nhân sự sau sáp nhập
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO