Xã hội

Nhiều trường chất lượng cao ở Hà Nội thiếu giáo viên đứng lớp, giảm sức hút tuyển sinh

Hồng Phúc 07/07/2025 22:47

(CLO) Dù được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và có đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, nhưng nhiều trường chất lượng cao ở Hà Nội vẫn gặp khó trong việc duy trì ưu thế, trong đó có tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp so với quy định.

Theo báo cáo giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP. Hà Nội) về việc triển khai mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hiện toàn Thành phố có 22 trường mầm non và phổ thông được công nhận đạt chuẩn chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai (từ 2013), mô hình này bắt đầu bộc lộ những hạn chế đáng chú ý. Đặc biệt, 100% (7/7) trường mầm non chất lượng cao đều có tỷ lệ tuyển sinh thấp hơn chỉ tiêu nhiều năm liền. Một số trường phổ thông cũng gặp tình trạng tương tự khi không duy trì được sự khác biệt rõ rệt so với trường đại trà.

Đáng lưu ý, nhiều trường công lập chất lượng cao bố trí số giáo viên đứng lớp thấp hơn định mức quy định tại Thông tư 20/2023 của Bộ GD&ĐT, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học và hoạt động ngoài chương trình chính khóa. Cụ thể, Trường Tiểu học Nam Từ Liêm chỉ đạt 1,37 giáo viên/lớp; các trường THCS như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Chu Văn An (Việt Hưng) dao động từ 1,63–1,85 giáo viên/lớp; Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) chỉ đạt 1,65 giáo viên/lớp. Các trường mầm non cũng chưa đảm bảo đầy đủ giáo viên chuyên biệt như tạo hình, âm nhạc, thể chất.

TH Nam từ Liêm
Trường Tiểu học Nam Từ Liêm tổng kết năm học 2024 - 2025. (Ảnh: Trang tin nhà trường)

Ngoài ra, công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị tại các trường chất lượng cao còn gặp vướng mắc do vẫn phải tuân theo quy định chi tiêu, quy trình mua sắm chung như các đơn vị công lập thông thường, trong khi chương trình dạy học có nhiều yêu cầu đặc thù.

Một nguyên nhân nữa là hệ thống tiêu chí đánh giá trường chất lượng cao đã không còn phù hợp với bối cảnh mới. Hai văn bản pháp lý quan trọng: Quyết định số 20 và 21/2013 của UBND TP Hà Nội chưa được sửa đổi, bổ sung, dẫn đến thiếu sự đồng bộ với Luật Giáo dục năm 2019 và các Thông tư mới của Bộ GD&ĐT.

Ban Văn hóa - Xã hội nhận định: Việc chưa kịp thời điều chỉnh các chính sách, tiêu chí và cơ chế vận hành mô hình trường chất lượng cao đang làm lu mờ dần vai trò tiên phong, giảm sức cạnh tranh và mức độ thu hút của các trường này trong hệ thống giáo dục Thủ đô nhất là khi thời gian gần đây, nhiều trường chuẩn quốc gia được Thành phố đầu tư đồng bộ, hiện đại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhiều trường chất lượng cao ở Hà Nội thiếu giáo viên đứng lớp, giảm sức hút tuyển sinh
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO