Nhìn bằng sự tích cực chúng ta sẽ có năng lượng tích cực để sống tốt hơn

Thứ năm, 06/01/2022 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Cuộc sống này muôn hình vạn trạng… nếu nhìn bằng sự tích cực, chúng ta sẽ có năng lượng tích cực để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn”.

Đó là chia sẻ của phóng viên Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc - Đài PTTH Đồng Tháp khi nói về tác phẩm phát thanh “Câu chuyện về chai nước nghĩa tình” vừa giành giải B - Giải Báo chí Quốc gia năm 2020.

Các hoạt động diễn ra đều rất chân thực, tự nhiên

+ “Câu chuyện về chai nước nghĩa tình” - tác phẩm phát thanh chỉ có độ dài 14 phút nhưng mang đến cho thính giả một câu chuyện hấp dẫn, vậy ý tưởng ban đầu từ đâu để chị làm tác phẩm này?

- Thật ra “Trạm dừng chân nghĩa tình”, phát nước suối và khăn lạnh miễn phí cho bà con Đồng Tháp trên đường về quê ăn Tết đã bắt đầu từ mùa Tết 2018. Nhiều người nghĩ đó chỉ đơn thuần là một hoạt động tình nguyện thường niên của lực lượng CSGT, đoàn thanh niên và các đoàn thể. Nhưng sau lần đó, những kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5, Quốc khánh 2/9… và các dịp Tết Nguyên đán đều được tổ chức. Kể cả khi có dịch như mùa tết năm 2021 thì “Trạm dừng chân nghĩa tình” vẫn thực hiện trong điều kiện đảm bảo phòng dịch. Chính vì những điều này, bản thân tôi thấy rằng, đây là một hoạt động xuất phát từ cái tâm của người chiến sĩ, thật sự mong muốn làm sao để giữ bình yên cho nhân dân. Có thể nói, cách làm đó là một ý tưởng rất hay, trước nay chưa từng có ở Đồng Tháp và miền Tây. Qua hoạt động này còn thể hiện tính cách hào sảng, đậm nghĩa tình của người miền Tây nói riêng và dân tộc Việt Nam ta nói chung.

nhin bang su tich cuc chung ta se co nang luong tich cuc de song tot hon hinh 1

Phóng viên Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc, Phòng sản xuất chương trình - Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp.

Tôi thực hiện tác phẩm này xuất phát từ chất liệu thực tế, các hoạt động diễn ra đều rất chân thực, tự nhiên, không một ai, từ người phát nước suối cho đến người nhận cảm thấy gò bó hoặc là cố tình “diễn” trước ống kính, máy ghi âm. Và tôi cũng cố gắng để đưa tất cả chất liệu đó vào tác phẩm của mình. Nói thật là, trong những ngày “đặt bút” viết tác phẩm này có đêm đang trong giấc ngủ tôi giật mình tỉnh giấc vì tác phẩm còn dang dở. Tôi gác lại các công việc khác để dồn sức viết tác phẩm, sửa đi sửa lại không ít lần để làm sao trọn vẹn, vừa ý nhất. Ngày hoàn thành tác phẩm, tôi đuối sức và ngủ cả một ngày để lấy lại sức…

+ Là một tác phẩm mang tính nêu gương, nhiều người nghĩ rằng nó không quá khó cho quá trình triển khai. Với đề tài này thì sao, thưa chị?

- Để có một tác phẩm phát thanh hay thì phóng viên phải ghi được những âm thanh tự nhiên và biểu đạt tốt nhất cho câu chuyện của mình. Ví dụ người dân nhận chai nước, họ vui như thế nào, họ xúc động, họ cảm kích người gửi cho họ món quà đó như thế nào thì tôi phải cố gắng “bắt” được thanh âm đó. Nó cũng đòi hỏi người phóng viên phải có sự “nhạy” để phán đoán tình huống xảy ra tiếp theo có hay hay không để mình nhấn ngay cái nút “REC” để ghi lại từ tiếng cười, lời cảm ơn, lời khen… Người tặng nước, khăn lạnh là CSGT, thanh niên, tổ dân phố, dân quân tự vệ họ sẽ nói gì với người dân, họ chia sẻ sự mệt mỏi của người dân như thế nào. Và để ghi lại đầy đủ những âm thanh của hoạt động này tôi đã có mặt từ sáng sớm và cho đến khi mà những chai nước, chiếc khăn cuối cùng trao đến tay người dân.

nhin bang su tich cuc chung ta se co nang luong tich cuc de song tot hon hinh 2

Phóng viên Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc trong một lần tác nghiệp.

Mùa Tết 2021 đến vào đúng lúc dịch bệnh phức tạp, người dân về quê phải khai báo y tế và làm các yêu cầu theo quy định. Bản thân tôi và các anh chiến sĩ cũng có một phần lo lắng vì khả năng lây lan, nhiễm bệnh nên tất cả mọi người đều mang khẩu trang, khoảng cách và chủ động bảo vệ mình tốt nhất có thể. Khi cảm thấy đã làm đầy đủ các biện pháp để an toàn thì tôi tác nghiệp hết mình.

Tôi thực hiện phóng sự này không phải để “phản biện” hay chứng minh gì

+ Dành nhiều thời gian cho một phóng sự phát thanh, chắc hẳn có nhiều nhân vật đã để lại cho chị ấn tượng?

- Đầu tiên là tôi ấn tượng với chiến sĩ Trung tá Phan Quyền Anh - đội trưởng Đội CSGT Trật tự Công an thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), người đã cho ra ý tưởng và khởi xướng “Trạm dừng chân nghĩa tình”. Bởi lẽ anh không chỉ là một chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ thường ngày là trấn áp tội phạm, xử phạt vi phạm… mà còn là một người giàu lòng trắc ẩn, nghĩa tình. Sau nhiều năm làm CSGT, anh ám ảnh với những vụ TNGT xảy ra trong mùa Tết, anh nhớ tên từng nạn nhân bị TNGT, cho đến nhân vật gây tai nạn do mệt mỏi khi chạy xe máy một quãng đường rất xa để về quê mà không dám dừng lại để mua một chai nước. Bản thân anh cũng thừa nhận, khi để xảy ra TNGT trên địa bàn trong mỗi mùa Tết như vậy nghĩa là nhiệm vụ của anh vẫn chưa tròn nên ý tưởng thực hiện hoạt động phát nước, khăn lạnh cũng bắt đầu từ đó.

Nhưng qua lời kể của anh, tôi biết, anh xót xa và thương cảm cho người dân làm ăn xa xứ, khi chưa kịp sum họp với gia đình đã phải gặp bất trắc, có người vĩnh viễn “nằm lại” trên đường. Trước đây, tôi thường mặc định rằng, công an, cảnh sát luôn là người uy nghiêm, mạnh mẽ, cứng rắn để bảo vệ và thực thi pháp luật, thì nay, tôi nghĩ rằng, lực lượng thực thi pháp luật nhiều khi cần dùng tình cảm, sự gần gũi của mình để sẻ chia với người dân.

+ Câu chuyện về “chai nước nghĩa tình” tạo sức hút từ cái tên, thông qua tác phẩm này, chị muốn gửi gắm điều gì đến khán thính giả?

- “Trạm dừng chân nghĩa tình” khởi phát từ những ngày đầu, một vài ý kiến cho rằng đây là cách để lực lượng CSGT quảng cáo, PR hình ảnh chứ thực tế bên ngoài không “đẹp” như thế. Cũng có người nói rằng “không lẽ chai nước 5-10 ngàn, người dân nghèo đến mức không thể mua hay sao?”… và vô số ý kiến trái chiều khác nữa.

nhin bang su tich cuc chung ta se co nang luong tich cuc de song tot hon hinh 3

Phóng viên Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc (đang ghi hình) trong một chuyến tác nghiệp.

Bản thân tôi khi thực hiện phóng sự này, mục đích không phải là để “phản biện” hay chứng minh gì, mà tôi muốn gửi gắm một thông điệp là: Cuộc sống này muôn hình vạn trạng. Mỗi ngày chúng ta tiếp nhận vô số thông tin, sự kiện. Chuyện xấu và chuyện tốt đan xen nhau. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận sự việc ở góc nhìn như thế nào mà thôi. Nếu nhìn bằng sự tích cực, chúng ta sẽ có năng lượng tích cực để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn và ngược lại.

Khi mà tôi đứng tại “Trạm dừng chân nghĩa tình”, tôi chứng kiến từng chai nước, chiếc khăn lạnh được trao gửi một cách ân cần đến tay người dân và cách họ nhận, họ gửi lời cảm ơn, họ mỉm cười làm tôi thực sự xúc động. Chai nước, chiếc khăn đúng là không đáng bao nhiêu nhưng từ những chai nước, chiếc khăn và lời chào của người chiến sĩ khiến họ cảm thấy họ được đón chào, quê hương vẫn luôn đón họ về bằng tất cả tấm lòng, bằng sự yêu thương, trân trọng. Những giá trị mà hoạt động này mang lại rõ ràng là vượt xa hơn những gì mà chúng ta nghĩ và khó có gì có thể “đong đếm” được…

Tác phẩm này đã đem đến cho tôi niềm vui lớn khi được ghi nhận và đây cũng là lần đầu tiên tôi vinh dự nhận được một giải thưởng lớn như vậy nên tôi rất vui, tự hào và xúc động. Xúc động vì công sức và tâm huyết của mình đã được ghi nhận. Đây là một động lực rất lớn để tôi - một phóng viên tuổi đời và tuổi nghề có lẽ vẫn còn khá trẻ (so với nhiều anh chị khác) sẽ tiếp tục nỗ lực và cháy hết mình với cái nghề mà tôi đã chọn - nghề báo.

Vũ Phong (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Báo Lao động Thủ đô tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến về sức khỏe và an toàn lao động

Báo Lao động Thủ đô tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến về sức khỏe và an toàn lao động

(CLO) Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Oai vừa tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách chuyên đề “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc”.

Nghề báo
Chương trình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” sẽ được truyền hình trực tiếp ở 5 điểm cầu

Chương trình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” sẽ được truyền hình trực tiếp ở 5 điểm cầu

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam vừa công bố chùm chương trình trọng điểm, trong đó có cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng. Chương trình có 5 điểm cầu - Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh - sẽ được truyền hình trực tiếp tối 5/5/2024 trên kênh VTV1.

Nghề báo
Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

(CLO) Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát hành dự kiến vào ngày 5/5 tới, gồm 4 mẫu nói về quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng của Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

(CLO) Cuộc thi viết, trắc nghiệm, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu mang tên “GIẤC MƠ XANH” do Báo Tiền Phong tổ chức đã chính thức được khởi động từ ngày 1/5/2024 trên phạm vi toàn quốc, với nhiều hình thức và giải thưởng hấp dẫn...

Nghề báo
Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

(CLO) Ngày 3/5, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) phối hợp các đơn vị tổ chức lễ bàn giao thư viện cho các trường: TH-THCS Phước Hiệp; THCS Đồng Khởi; THCS Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường” do Báo SGGP thực hiện.

Nghề báo