Nhìn lại năm 2021: Chính phủ vượt gian lao trong “bão” dịch COVID-19

Thứ năm, 30/12/2021 09:58 AM - 0 Trả lời

(CLO) Năm 2021, trước những khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết sách linh hoạt nhằm đẩy lùi dịch bệnh; từng bước phục hồi kinh tế-xã hội, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Năm 2021 với sự bùng phát của đợt dịch COVID-19 thứ 4 làm kinh tế, xã hội trong nước rất khó khăn. Chính phủ nhiệm kỳ mới đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp vô vàn thử thách, nhưng chính trong gian lao ấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách hợp lý, sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đã đề ra.

Báo Nhà báo và Công luận xin điểm lại một số nội dung nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.

nhin lai nam 2021 chinh phu vuot gian lao trong bao dich covid 19 hinh 1

Một phiên họp của Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

1. Quốc hội bầu ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. 

Ngay sau đó, với 462/466 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Phạm Minh Chính.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV tiếp tục tín nhiệm bầu ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Nghị quyết về việc bầu giữ chức vụ này đối với ông Phạm Minh Chính cũng được thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành.

nhin lai nam 2021 chinh phu vuot gian lao trong bao dich covid 19 hinh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.

2. Ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Ngày 6/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.

Tại Nghị quyết, Chính phủ nhận định thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của Nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, trước mắt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nghị quyết 86 gồm 5 điều, trong đó Điều 1 quy định các giải pháp cấp bách; Điều 2 quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, Điều 3 về tổ chức thực hiện; Điều 4 về điều khoản thi hành. Điều 5 quy định trách nhiệm thi hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Bám sát vào Nghị quyết 86, các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Cũng trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch COVID-19 như: Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị định 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19; Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết 145/NQ-CP điều chỉnh chế độ phụ cấp chống dịch Covid-19; Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg về hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19…

nhin lai nam 2021 chinh phu vuot gian lao trong bao dich covid 19 hinh 3

Trong chiến lược vaccine của Chính phủ, “ngoại giao vaccine” là một trong những mũi nhọn để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất nguồn vaccine từ bên ngoài.

3. Thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine

Ngày 13/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ làm Tổ phó Thường trực.

Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các đối tác song phương và đa phương; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần triển khai.

Ngoài ra, tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và đôn đốc việc đàm phán, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo nhằm tiếp nhận nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể…

Nhờ công tác ngoại giao vaccine, cùng với nguồn lực từ việc thành lập Quỹ vaccine…, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn quốc. Đến nay, các địa phương cơ bản tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine cho người dân, đang tiến hành tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi và hiện đã đủ lượng vaccine để triển khai tiêm mũi 3.

nhin lai nam 2021 chinh phu vuot gian lao trong bao dich covid 19 hinh 4

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng.

4. Kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 24/8, lãnh đạo chủ chốt họp để nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (Báo cáo số 234/BC-BCSĐ, ngày 23/8/2021). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Cùng dự họp có: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và đại diện các ban, bộ, ngành.

Cuộc họp đã thống nhất phân công đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

Ngay sau đó, ngày 25/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1438/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban chỉ đạo). Theo Quyết định, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo có 4 Phó Trưởng ban gồm: Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

nhin lai nam 2021 chinh phu vuot gian lao trong bao dich covid 19 hinh 5

Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

5. Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp

Trước khó khăn của doanh nghiệp do dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có những cuộc gặp, đối thoại với doanh nghiệp trong và ngoài nước (Hàn Quốc, các doanh nghiệp Châu Âu – EU…) nhằm chia sẻ, lắng nghe các kiến nghị, đưa các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, ngày 26/9, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 1.200 đại biểu đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương cùng lãnh đạo các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, cùng cả nước “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

Trong các cuộc họp, Thủ tướng đã nhấn mạnh tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19; khẳng định thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam. 

Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực.

nhin lai nam 2021 chinh phu vuot gian lao trong bao dich covid 19 hinh 6

Nghị quyết số 128-NQ/CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã giúp hồi phục sản xuất, kinh doanh.

6. Chính phủ thay đổi chiến lược chống dịch

Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128-NQ/CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết 128 được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu kép, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Nghị quyết 128 quy định các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch, quy định rõ ràng những việc được phép và không được phép đối với tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh hoạt động dịch vụ... áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương được thông suốt; hạn chế được sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ; hoạt động vận chuyển hành khách cũng thuận tiện hơn, kích thích nhiều lĩnh vực, ngành, nhiều nơi; từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sau khi triển khai Nghị quyết 128, tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, với nhiều điểm sáng và nhất là đã củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tăng 5,5% so với tháng 10/2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 tỷ USD tháng 11/2021, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, cán cân thương mại đã giành lại được vị thế xuất siêu với 225 triệu USD. 

nhin lai nam 2021 chinh phu vuot gian lao trong bao dich covid 19 hinh 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự COP26 và phát đi thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.

7. Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam được Thủ tướng truyền đi tại COP26

Ngày 1/11, hơn 120 lãnh đạo quốc gia có phiên thảo luận về các giải pháp chống biến đổi khí hậu tại COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và đang hết sức nỗ lực "để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân".

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050".

Đánh giá về cam kết mạnh mẽ trên, tiến sỹ Đỗ Nam Thắng, chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng đây là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, đưa Việt Nam hội nhập cùng khoảng 140 nước trên thế giới thực hiện NetZero vào năm 2050.

nhin lai nam 2021 chinh phu vuot gian lao trong bao dich covid 19 hinh 8

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 4 chủ trì cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công.

8. Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Nghị quyết 01 năm 2021 của Chính phủ khóa trước và Nghị quyết 45 năm 2021 - Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn đều xác định giải ngân đầu tư công là một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đặt mục tiêu tới hết quý III giải ngân được 60%, đến hết năm đạt 90-95%; Thủ tướng đã ban hành Công điện số 1082/CĐ-TTg tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc giải ngân. Ngoài ra, các nghị quyết, văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng cũng đề cập rất nhiều tới nội dung này.

Trong cuộc họp ngày 28/9, trước thực trạng chỉ có 04 bộ và 11 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%. Có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết liệt chỉ đạo và ngày 22/11, Thủ tướng đã ký Quyết định thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Các Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng của 6 tổ này.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng các Tổ Công tác, đã cơ bản tìm ra nguyên nhân, khắc phục hạn chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Việc giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến rõ rệt (tăng từ 39,74% - kết quả giải ngân 8 tháng đầu năm lên 63,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao).

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Tỉnh Nam Định triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tỉnh Nam Định triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(CLO) Ngày 24/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội nghị bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tin tức
Hà Nội sắp ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S”

Hà Nội sắp ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S”

(CLO) Thành phố Hà Nội nghiên cứu, phát triển và chuẩn bị ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S” với nhiều tiện ích đưa người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước của thành phố theo một phương thức mới, thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân trên nền tảng số.

Tin tức
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND 2 tỉnh An Giang và Sóc Trăng

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND 2 tỉnh An Giang và Sóc Trăng

(CLO) Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Vương Bình Thạnh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và kỷ luật khiển trách ông Trần Văn Chuyện, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Tin tức
Xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn

Xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn

(CLO) Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước mắt xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Từ tháp nhân lực này tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Tháp nhân lực sẽ như nam châm thu hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam.

Tin tức
Bổ nhiệm ông Đặng Thái Sơn giữ chức Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình

Bổ nhiệm ông Đặng Thái Sơn giữ chức Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình

(CLO) Ngày 24/4, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Tài chính. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc dự và chủ trì hội nghị.

Tin tức