(Congluan.vn) – Phấn đấu lắm cả năm 2013 VN mới đón được 7 triệu du khách quốc tế. Trong khi chỉ cần một lễ hội đường phố Rio Carnival đã lôi được con số tương đương đến vui chơi và nhảy múa và chi xài bạt mạng tại Brazil.
Năm 2014 người dân Brazil sẽ tăng tốc kinh tế nhờ các lễ hội và World cup 2014
Thừa lễ hội thiếu thương hiệu Theo thống kê năm 2004 của Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, trong đó có 7.005 lễ hội dân gian truyền thống, 1399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Gần đây có thêm Lễ hội Bánh Tét tại Thành phố Hồ Chí Minh, lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội du lịch văn hóa Sa Pa, lễ hội Cà phê, Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ... và nhân dịp đờn ca tài tử được UNESCO công nhận, năm 2014 sẽ có thêm Lễ hội Đờn ca tài tử diễn ra tại Bạc Liêu.
Nhiều lễ hội như vậy nhưng đa phần đi lễ hội về du khách phàn nàn. Không mấy nơi lôi kéo được du khách trở lại, trừ những lễ hội được nâng tầm từ văn hóa dân gian và mang tính tâm linh. Đa số lễ hội phục vụ được nhu cầu tại chỗ của người dân đi trẩy hội chứ du khách nơi khác đến chơi chỉ lo bị chặt chém, ăn uống bẩn và hết phòng.
Lễ hội Hoa Đà Lạt lần sau hoành tráng hơn lần trước
Một số lễ hội đã mang đến thương hiệu cho địa phương như Festival Biển của Nha Trang, Lễ hội Hoa của Đà Lạt... nhưng gần đây đang lo lắng nhạt nhòa và mất đi sức hấp dẫn. Cuối năm 2013, trong lúc người viết bài đang lưỡng lự không biết có nên lên đường đến với Lễ hội hoa Đà Lạt lần 5 hay không thì nhận được khoảng chục lời khuyên không nên đi. Thậm chí có bạn bè còn chê “Hoa xấu lắm, chán ốm!” . Còn lại, những người bạn hớn hở lên đường đến Đà Lạt số đông là người thích săn ảnh hoặc chưa đi lần nào. Đa số chuẩn bị tinh thần sẽ phải về ngủ ở Bảo Lộc hoặc “khách sạn ngàn sao” vì biết trước không có phòng. Nghĩ đến cảnh mùa đông rét mướt trên đỉnh núi cao 1.500 mét mà phải ngủ ngoài trời hoặc không có nước nóng tắm mà lo lắng bồn chồn.
Vào năm 2010, tham gia Lễ hội Trái cây Nam bộ lần thứ nhất diễn ra tại Tiền Giang. Du khách tham dự khó có thể hài lòng với tầm cỡ Festival khi lễ hội chỉ diễn ra loanh quanh vài con đường, có hội thảo xúc tiến thương mại và đóng mở bằng đêm biểu diễn truyền hình trực tiếp. Đến nay, Lễ hội Trái cây của tỉnh Tiền Giang có giá trị 20 tỉ trở nên mờ nhạt so với Lễ hội Trái cây được tổ chức thường xuyên hàng năm tại khu du lịch Suối Tiên TP.HCM. Chán hơn nữa, có người bạn từng cá độ ăn thua đủ vì người viết cứ khẳng định đã có Lễ hội Trái Cây ở Tiền Giang.
Nhìn Lễ hội người ta mà thèm! Mỗi năm nhờ mùa lễ hội, đất nước Brazil hoan hỉ thông báo những chỉ số tăng trưởng liên tục. Theo Global Times, lễ hội đường phố Rio Carnival năm 2013 đã thu về 665 triệu USD, dự tính năm 2014 thu về 775 triệu USD, tăng 10%. Thế nhưng, chưa đến ngày kết sổ sách, tức ngày 4/3 chấm dứt lễ hội, doanh số đã đạt 950 triệu USD thu về từ hơn 7 triệu du khách quốc tế kéo đến Rio de Janeiro trong vòng một tháng.
Lễ hội đường phố Rio Carnival thu hút hơn 7 triệu khách nước ngoài
Chật vật lắm, năm 2013 là năm xuống đáy của tất cả các ngành kinh tế trong nước nhưng du lịch VN vẫn lướt qua với thành tích 7 triệu du khách quốc tế trong 12 tháng miệt mài. Làm sao không thèm có một lễ hội đường phố lớn nhất hành tinh như Rio Carnival?!
Nếu tính trên con số lễ hội mà cả nước chúng ta thực hiện để phục vụ cho việc phát huy tiềm năng du lịch tại chỗ và triển vọng kinh tế từng địa phương, rõ ràng chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Trong lúc Rio Carnival diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro thì ở Brazil cũng diễn ra Lễ hội đường phố tại Sao Paulo thu hút hàng triệu du khách Ông Võ Ngọc Hiệp – Chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt- khẳng định về việc nhờ có Lễ hội Hoa mà Đà Lạt phát triển kinh tế và du lịch: “Năm 2005, khi tổ chức Festival hoa lần thứ Nhất, du khách đến Đà Lạt khoảng 1,6 triệu người. Đến cuối năm nay (2013), chúng tôi ước khoảng từ 3,3 – 3,4 triệu lượt người, tăng gấp 2 lần. Ngành trồng hoa, từ khoảng hơn 1000 hecta diện tích đất trồng vào năm 2005, đến nay đã tăng lên khoảng trên 3000 hecta, với sản lượng khoảng trên 1,4 triệu cành/hecta; thu nhập của người dân trong lĩnh vực trồng hoa tăng từ 3 – 4 lần. Giá trị bình quân hiện nay khoảng từ 300 – 400 triệu đồng/hecta, cá biệt có những diện tích trồng hoa có thể thu nhập gần 2 tỷ đồng/ hecta. Không chỉ ngành nghề trồng hoa mà cả nghề sản xuất và trồng rau an toàn cũng đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Lần này, chúng tôi có giới thiệu trong phiên chợ hoa mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với việc trồng hoa và trồng rau”.
Trong số 3,4 triệu lượt du khách đến Đà Lạt tăng trưởng đến năm 2013, Ông Trần Mạnh Linh – Chánh Văn phòng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong Tuần Văn hóa Du lịch Đà Lạt năm 2013 lượng khách đến Đà Lạt đạt 200 ngàn lượt, trong đó có 9.500 lượt du khách nước ngoài. Có 105 ngàn lượt khách đăng ký lưu trú tại các nhà nghỉ, khách sạn và cơ sở lưu trú trên địa bàn. Lượng du khách đến với lễ hội năm 2013 đã tăng lên 20.000 lượt so với kỳ lễ hội trước.
Con số du khách này thật sự có ấn tượng hay không so với kinh phí ngày một tăng? Từ Lễ hội sắc hoa Đà Lạt năm 2004 có kinh phí 10 tỉ, năm 2005 Đà lạt nâng cấp lên tầm Festival Hoa Đà Lạt và nhảy vọt con số thêm 5 tỉ, tức 15 tỉ. Năm 2012 con số đầu tư cho Festival Hoa Đà Lạt đạt ngưỡng 22 tỉ. Đến năm 2013, ngoài phần kinh phí dành cho Festival, Đà Lạt còn được chi đậm 6 tỉ để gắn wifi miễn phí phục vụ du khách. Mặc dù 85% kinh phí này do xã hội hóa nhưng cũng là con số đáng để các tỉnh thành khác phải chạy đua mệt xỉu!
Cái được nhất và đọng lại lâu dài của Festival Hoa Đà Lạt năm 2013, có lẽ là ngồi gần khu vực chợ Đà Lạt và Hồ Xuân Hương sóng wifi miễn phí cũng mạnh tương đương sóng wifi trong quán cafe.
400 tỉ khẳng định thương hiệu ăn chơi bật nhất Nam bộ! Nói đến tỉnh Bạc Liêu không biết có mấy ai nhớ đến thành tựu Kinh tế - Văn hóa – Xã hội nào nổi bật những năm vừa qua nhưng chắc chắn sẽ biết đến “thương hiệu” Công tử Bạc Liêu – người nổi tiếng ăn chơi đốt tiền bật nhất xứ Nam kỳ ngày xưa.
Nhà Công tử Bạc Liêu nay là khách sạn của Tỉnh
Nhằm trùng tu và tôn tạo di tích , tỉnh đã liên tục thay đổi nhà đầu tư, đến nay đã hoàn tất các hạng mục và biến nơi này thành khách sạn resort 5 sao. Cái giá phải trả cho khu di tích du lịch Công tử Bạc Liêu, theo ông Tô Huy Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cẩm Quyên – đơn vị đầu tư và quản lý Khu du lịch Công tử Bạc Liêu – có giá 400 tỉ đồng.
Khu du lịch nằm trong diện tích hơn 12.000m2, được xây dựng thêm 16 phòng khách sạn cao cấp và một số cụm nhà nghỉ, khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao cùng nhiều hạng mục vui chơi giải trí khác và chủ đầu tư đã cất công sưu tầm thêm 40 hiện vật quý của đại công tử ăn chơi. Thành công bước đầu khi vừa mở cửa, Khu du lịch đã đón hơn ngàn lượt khách và nhanh chóng nổi danh là khu du lịch ăn chơi xứng danh với công tử ngày xưa ở miền Tây.
Năm nay, dự tính khi Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất diễn ra tại Bạc Liêu, lượng khách đến tham quan và vui chơi sẽ gia tăng đột biến, góp phần mang về nguồn thu khủng cho nhà đầu tư và Khu du lịch mới này.
Khắp đất nước VN, nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm giàu và phát triển du lịch. Thế nhưng, kinh tế du lịch vực dậy kinh tế cả nước chỉ có thể được đánh giá từ nguồn thu do khách nước ngoài mang về. Còn nguồn thu từ khách nội địa, loanh quanh vẫn chỉ ta đến chơi nhà với mình. Thôi thì cứ tư duy triết học cho đỡ tiếc công: Tiền không mất đi mà chỉ chuyển từ túi tôi qua túi anh.
•
Thanh Chung Xem thêm bài về du lịch