Nhức nhối tình trạng mua bán đất rừng ở Gia Lai
(CLO) Hàng chục ha đất rừng hay đất nông nghiệp quy hoạch lâm nghiệp được rao bán công khai trên mạng xã hội. Hoạt động mua bán đất rừng được giao dịch bằng hình thức viết giấy tay hoặc chỉ tay với việc cam kết ra bìa…
Theo lời rao trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi được “cò đất” tên N.T.V.N (trú tại huyện Đăk Đoa) giới thiệu về lô đất giá mềm hơn 100 triệu đồng/ha. Tổng là 50 ha, trong đó 25ha đất nông nghiệp còn lại là đất rừng. Diện tích đất thuộc lâm phần của Ban quản lý Rừng phòng hộ Đăk Đoa.
Theo lời bà N.: “Em chỉ cần xuống cọc 500 triệu trong khoảng 90 ngày là ra bìa xanh. Nếu khách xuống cọc mà gặp trục trặc hay không bàn giao bìa như hợp đồng sẽ hoàn tiền gấp đôi. Pháp lý rõ ràng, bao bìa nên em yên tâm nha. Đất rừng bìa xanh, đất nông nghiệp bìa hồng”.

Hàng chục ha đất rừng được rao bán công khai trên mạng xã hội
Ngay sau đó khi được hỏi về nguồn gốc đất, PV được chị N. gửi cho một tờ giấy viết tay 25ha đất rừng. Cụ thể, trên tờ giấy sang nhượng đất chị N. gửi có ghi rõ việc ông Vũ Văn Khanh (trú tại thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa) có sang nhượng 54 ha đất trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc cho ông Trần Thời (trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
Trong giấy sang nhượng đất được viết vào năm 2015, ông Khanh có ghi rõ, năm 2000, gia đình ông Khanh có một mảnh rẫy với diện tích khoảng 54ha (thuộc thôn 2, xã Hải Yang) để trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc. Đến năm 2015, do điều kiện đau ốm nên gia đình ông Khanh đã nhượng lại cho ông Trần Thời.

Giấy viết tay về nguồn gốc hàng chục ha đất rừng mà "cò đất" cung cấp cho PV
Đáng nói trong giấy sang nhượng này ngoài chữ ký của bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng còn có chữ ký của các hộ giáp ranh, chữ ký của ban thôn ông Mai Văn Hanh, công chức địa chính xã Hải Yang ông Hồ Văn Tuấn và Chủ tịch UBND xã Hải Yang ông Cao Văn Nông.
Ngay khi có giấy sang nhượng đất, PV đã đi thực tế vị trí đất mà chị N. rao bán. Tại vị trí này đang được trồng cây keo khoảng 2-3 năm tuổi, cạnh đó là những vạt đất trống đã được san ủi khá lâu.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tường Duy – Chủ tịch UBND xã Hải Yang cho biết, sau khi nhận được phản ánh của PV, xã đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa kiểm tra vị trí trên. Vị trí PV phản ánh về tình trạng mua bán đất rừng thuộc tiểu khu lô 9, khoảnh 6 tiểu khu 452 lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa.

Vị trí đất rừng được rao bán đang được trồng keo có độ tuổi từ 2-3 năm
“Về nội dung giấy sang nhượng đất PV cung cấp hiện những người ký tá liên quan trước đó đã nghỉ, không còn công tác ở xã, thời điểm đó mình chưa về xã nên cũng không biết. Hiện xã đang phối hợp với các bên liên quan làm rõ nội dung phản ánh”, ông Duy cho biết.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Khải – Phó ban Ban quản lý Rừng phòng hộ Đăk Đoa, cho biết: “Dựa vào những thông tin mà phóng viên cung cấp, diện tích đất rừng trên thuộc ban quản lý. Qua rà soát, khoảng đất trên thuộc đất nông nghiệp nằm trong lâm nghiệp. Diện tích này nằm trong mục đích phục vụ để trồng rừng, cấm việc sang nhượng, buôn bán.”.
“Được biết, diện tích này đều là đất người dân bản địa sử dụng từ lâu nay. Hộ nhiều nhất cũng chỉ vài sao. Không hiểu sao trên mạng xã hội có người đang sử hữu với diện tích 50ha. Trước thông tin này, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra, ngay khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin đến quý báo”, ông Khải cho biết thêm.

Theo chủ rừng, sau khi ra soát diện tích đất đang bị rao bán nằm trong mục đích phục vụ để trồng rừng, cấm việc sang nhượng, buôn bán
Lợi dụng những quy định pháp luật và tình trạng sốt đất trong nhiều tháng nay, nhiều người môi giới đất đã gom đất ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn để rao bán. Những vùng đất thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp trong lâm nghiệp cũng được rao bán với hình thức viết giấy tay, cam kết miệng để né tránh sự ngăn cản, phát hiện của cơ quan chức năng.
Sự việc chỉ được phát hiện khi những người dân tiếng hành cải tạo, xây dựng sai mục đích với quy hoạch. Lúc này sẽ xuất hiện tình trạng tranh chấp khiến “tiền mất, tật mang”.
Bài và ảnh: Trần Hiền