Những bác sĩ không mang áo Blouse trắng

Thứ bảy, 27/02/2021 19:06 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong cuộc chiến chống COVID -19, có những người bác sĩ không mang áo Blouse trắng nhưng họ chính là người đề ra quyết sách cho cuộc chiến cam go này.

Thầm lặng cống hiến

Trong suốt những đợt dịch COVID-19 vừa qua có một đội ngũ y bác sĩ luôn lặng thầm lặng cống hiến sức mình vào cuộc chiến chung của ngành Y tế Việt Nam.

Họ chính là những chuyên gia dịch tễ có nhiệm vụ giám sát, theo dõi dịch và đưa ra những đánh giá chung vể tình hình dịch bệnh tại các điểm nóng trên khắp cả nước để kịp thời đưa ra những quyết sách dập dịch.

Chống COVID-19 là cuộc chiến chưa từng có tiền lệ đối với đội ngũ các y bác sĩ dịch tễ tại Việt Nam. Những điểm dịch như Sơn Lôi – Vĩnh Phúc, Hạ Lôi – Mê Linh, Hà Nội, Đà Nẵng và đặc biệt là Hải Dương đều có những đặc điểm riêng.

Đoàn chuyên gia từ Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương được Bộ Y tế điều động về chống dịch COVID-19 tại Hải Dương gồm 5 bác sĩ dịch tễ dưới sự chỉ đạo, điều phối của PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng.

Ngay từ những ngày đầu tiên trong cuộc chiến chống COVID-19 tại đây, đội ngũ các y bác sĩ đã khẩn trương vào cuộc, khoanh vùng, truy vết, để nhanh chóng khóa trọn các ổ dịch.

TS. Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm hướng dẫn cho các sinh viên tiến hành truy vết qua điện thoại tại CDC Hải Dương (TL).

TS. Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm hướng dẫn cho các sinh viên tiến hành truy vết qua điện thoại tại CDC Hải Dương (TL).

Một trong những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm với công tác dịch tễ, TS. Ngũ Duy Nghĩa chia sẻ với phóng viên những khó khăn ban đầu của cả đoàn công tác: “Ổ dịch ở Hải Dương ngay từ đầu đã rất phức tạp, khi điểm bùng phát của ổ dịch là ở khu vực nhà máy có đông công nhân làm việc. Không chỉ vậy, thời điểm Tết Nguyên đán còn là một thời điểm nhạy cảm.

Dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Trần Như Dương, anh em chúng tôi xác định phải tìm mọi giải pháp để có thể “khóa chặt” ngay ổ dịch này. Điều may mắn là chúng tôi đã xác định đúng và thành công bước đầu khi chặn đứng được ổ dịch tại POYOON”.

Xác định chống COVID -19 là một cuộc chiến lâu dài, việc truy vết, điều tra dịch tễ đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn, nên ngay sáng ngày 29/1, các chuyên gia dịch tễ đã bắt tay ngay vào công tác tập huấn cho các sinh viên tình nguyện.

Các kỹ năng khai thác thông tin, truy vết qua điện thoại được các chuyên gia truyền đạt và tập huấn từng giờ.

Gần 1 tháng qua, các bác sĩ dịch tễ gần như không có ngày nghỉ ngơi. Những ngày xuất hiện các ca nhiễm có yếu tố dịch tễ phức tạp, gần như các anh phải làm việc xuyên đêm.

So sánh với những lần chống dịch COVID-19 tại các ổ dịch trước đây, TS. Nghĩa cho biết: “Các nguồn lây ở ổ dịch tại Đà Nẵng đều có thể xác định và theo dấu được.

Còn ổ dịch Hải Dương thì như một “đòn phủ đầu” dẫn tới một khối lượng công việc khổng lồ và bắt buộc phải đáp ứng dịch ngay trong tuần đầu tiên.

Tuy nhiên rất may mắn là đoàn công tác chi viện của Bộ Y tế hỗ cùng tỉnh Hải Dương đã đồng lòng thống nhất và đề ra những giải pháp hợp lý. Các trọng điểm dịch đã dần dần được khoanh vùng theo thời gian”.

Với những bác sĩ dịch tễ thì việc đi công tác xa nhà có lẽ đã trở thành một “phản xạ” trong lập trình của cuộc sống.

Bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn-Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xúc động cho biết: “Đây là đợt chống dịch dài nhất mà chúng tôi từng tham gia. Đi chống dịch qua Tết thì anh em, họ hàng, nội ngoại ai cũng hỏi han và thông cảm.

14 năm làm bác sĩ dự phòng tôi đã quen với việc không thể sắp đặt trước thời gian công tác. Dẫu cảm giác nhớ nhà là điều không tránh khỏi nhưng mọi thứ đều phải gác lại vì nhiệm vụ chung, vì cuộc chiến chống COVID-19 đang ở trước mắt”.

TS. Nghĩa tâm sự: “Nhiều lúc, trẻ con trong xóm cứ hỏi sao chú là bác sĩ mà chẳng bao giờ thấy mặc áo blouse trắng.

Tôi cũng chỉ biết nói: “Rồi sau này lớn các con sẽ hiểu!”. Đó là phần “thiệt thòi” của những bác sĩ dịch tễ khi ít được xuất hiện và để ý hơn so với những đội ngũ y bác sĩ khác.

Dù không phải là lần đầu tiên làm nhiệm vụ liên quan đến COVID-19 nhưng đối với BS. Ngô Huy Tú, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ổ dịch Hải Dương cần nhiều sự “nhẫn nại” hơn hết: “Làm bác sĩ dịch tễ không chỉ cần chuyên môn mà còn cần cả sự thấu hiểu.

Có nhiều hôm để khai thác các thông tin dịch tễ, anh em phải gọi đến hàng chục cuộc điện thoại. Không chỉ vậy, cách nói chuyện điện thoại đều phải rất khéo léo.

Đôi khi, chúng tôi còn phải tính toán “kịch bản” cho cuộc gọi để vừa khai thác được thông tin, vừa ổn định tâm lý của người được hỏi”.

Bữa ăn vội của các bác sĩ dịch tễ tại điểm nóng của dịch COVID-19 (ảnh TL).

Bữa ăn vội của các bác sĩ dịch tễ tại điểm nóng của dịch COVID-19 (ảnh TL).

Một điều đặc biệt mà chúng tôi đã “xin phép” các anh để tiết lộ với độc giả chính là cả nhóm đều chọn vợ cùng ngành Y mà lý do thì giản dị như các anh Hải Tuấn nói: “Chúng tôi đi công tác suốt ngày, chọn vợ cùng ngành thì sẽ dễ thấu hiểu, cảm thông hơn.

Nhiều lúc chúng tôi được gọi là chiến binh nhưng kỳ thực nếu không có những hậu phương vững chắc thì chẳng có một thành quả nào được gọi tên”.

Nghề của cộng đồng

Các bác sĩ, chuyên gia dịch tễ của Bộ Y tế đều có ấn tượng tốt về sự đoàn kết chặt chẽ từ mọi lực lượng trong xã hội ở Hải Dương trong đợt chống dịch này.

BS. Ngũ Duy Nghĩa chia sẻ: “Có trực tiếp chống dịch thì mới hiểu rõ được những tác động đến sức khỏe cũng như đời sống của người dân sinh trong vùng dịch. Để có thể dập được dịch bất kể một người dân nào cũng phải chấp nhận sự hy sinh, đặt lợi ích cá nhân sau lợi ích cộng đồng”.

Thấu hiểu điều đó nhưng muốn cụ thể hóa thì lại là một bài toán không hề đơn giản. Được sự hướng dẫn từ vị “thuyền trưởng” là PGS.TS Trần Như Dương, nhiều thông điệp đã được được nhóm bác sĩ dịch tễ cho ra đời để hướng dẫn cho người dân.

Với Bác sĩ Trần Anh Tú, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đây là lần đầu tiên anh thực chứng về tinh thần “chiến tranh”.

Anh tâm sự: “Là bác sĩ dịch tễ trẻ, tôi đã từng nghe nhiều về chiến tranh qua phim ảnh và sách vở.

Nhưng thực sự, khi tham gia trực tiếp nhiệm vụ chống dịch tại đây chúng tôi mới thấm thía được sự đoàn kết của mọi người dân. Từ sự vào cuộc của những lãnh đạo cấp cao nhất cho sự phối hợp của từng xã, phường thôn xóm. Đặc biệt, là sự cống hiến tận tụy không ngừng nghỉ của các tổ COVID-19 cộng đồng”.

Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các cán bộ y tế cơ sở, trưởng thôn, lực lượng thanh niên mà hiệu ứng truyền thông được lan tỏa.

Thông điệp truyền thông đến được với từng hộ gia đình, từng người dân. Chúng tôi đến để lắng nghe những câu chuyện về các bác sĩ dịch tễ nhưng chẳng có câu chuyện nào tách rời khỏi trách nhiệm chung với cộng đồng cả.

Vì như BS. Nghĩa tổng kết: “Nghề của chúng tôi là nghề của cộng đồng. Bạn thấy đấy, chỉ cần một đánh giá sai có thể gây quá tải hệ thống điều trị, thiệt hại trầm trọng cho kinh tế, xã hội”.

Trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, cả nhóm chuyên gia, bác sĩ dịch tễ đều có nguyện ước chung là dịch bệnh sớm kết thúc để có thể trở về bên gia đình.

Bởi như cách tếu táo của các bác sĩ thì câu hỏi được nghe nhiều nhất từ vợ là: “Bao giờ anh về?”. Và câu trả lời mang tính “bất hủ” của bác sĩ dịch tễ là “Còn tùy tình hình dịch bệnh!”.

Trinh Phúc

Tin khác

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe
Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

(CLO) Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Việt Nam về vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP.

Sức khỏe
Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

(CLO) Cắt môi trái tim tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân kém chất lượng, cô gái 25 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây biến dạng môi.

Sức khỏe
TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

(CLO) Sở Y tế TP HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền.

Sức khỏe