Những bất cập về hạ tầng giao thông làm ‘nóng’ diễn đàn Quốc hội

Thứ hai, 04/06/2018 16:42 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều vấn đề bất cập trong xây dựng hạ tầng giao thông, đang được cử tri và nhân dân rất quan tâm.

Báo Công luận
 Toàn cảnh phiên chất vấn của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Có tình trạng “phí chồng phí”?

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết, cử tri phản ánh hàng năm phải đóng phí giao thông đường bộ để duy tu, bảo dưỡng đường, chống xuống cấp. Nhưng sau đó đường vẫn xuống cấp rồi lại được đầu tư theo hình thức BOT để rồi dân lại phải trả phí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng lý giải về vấn đề này.

Đại biểu cũng nêu công trình lớn là đường sắt trên cao Cát Linh phải giãn, hoãn tiến độ và tăng hàng nghìn tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết căn cứ pháp lý nào làm tăng tổng mức đầu tư và trách nhiệm của Bộ?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Xuyền, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, người dân nộp phí giao thông đường bộ để duy tu sửa chữa đường bộ, còn trách nhiệm của Nhà nước là cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, hiện nay, ngân sách eo hẹp, không đủ cho phát triển, mở rộng nâng cấp hạ tầng giao thông nên Nhà nước có chủ trương kêu gọi các thành phần tham gia theo hình thức BOT. Nhà nước ký hợp đồng, doanh nghiệp hưởng chính sách theo quy định, do đó việc thu phí BOT là phù hợp.

“Phí chồng phí hay không? Xin thưa khi nộp thì quỹ có trách nhiệm đảm bảo giao thông cho toàn bộ hệ thống đường quốc gia và địa phương. Còn BOT tự duy tu, sửa chữa, không đảm bảo mặt đường tốt thì dừng không cho thu phí”, Bộ trưởng nêu rõ.

Về dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, Bộ trưởng cho rằng, chi phí tăng do nhiều nguyên nhân như trượt giá, điều chỉnh quy mô dự án...

“Đại biểu nói đường sắt Cát Linh- Hà Đông và một số công trình chậm nên chi phí tăng, trách nhiệm thế nào? Chậm có nhiều nguyên nhân. Vừa qua Chính phủ giao Bộ Giao thông thẩm định dự án đường số 1 Bến Thành- Suối Tiên, có mấy nguyên nhân làm tăng chi phí: 2009- 2010 khủng hoảng kinh tế, lạm phát cao, giá tăng liên tục dẫn đến trượt giá. Khi lập dự án đưa ra quy mô tầm nhìn đến 2030, nhưng thành phố thấy rằng đó là quá ngắn, do đó điều chỉnh quy mô với tầm nhìn năm 2040, đồng thời đưa vào công nghệ mới, mở rộng cả cầu, đường dẫn nên tăng quy mô, tăng kinh phí. Một số dự án triển khai không đảm bảo tiến độ dẫn đến tăng chi phí. Chúng tôi xin tiếp thu để giám sát chặt chẽ dự án lớn”, Bộ trưởng giải thích.

Suất đầu tư cao nhưng đường nhanh xuống cấp

Cuối phiên chất vấn buổi sáng 4/6, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về chi phí làm đường. Theo đại biểu, với công nghệ như nhau nhưng giá thành 1km đường ở nước ta từ 700- 1000 tỷ đồng và tuổi thọ đường thấp, chỉ 2 đến 3 năm là xuống cấp, trong khi các nước làm với chi phí chỉ vài ba trăm tỷ mà tuổi thọ đường lại cao, thường đến 50 năm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của vấn đề này là gì?

Trả lời đại biểu Đặng Thuần Phong, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, có nhiều dư luận nói rằng, đầu tư giao thông ở Việt Nam chi phí đắt, tuổi thọ kém và không đảm bảo so với mặt bằng trong khu vực. Việc này Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cung cấp các thông tin liên quan đến suất đầu tư của đường ở Việt Nam với các nước trong khu vực.

Theo Bộ trưởng, xây dựng đường phụ thuộc vào nền móng, nếu nền móng yếu như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung thì chúng ta phải xử lý đất yếu, vì lớp đất yếu dày có thể 30- 40m và xử lý nền đất yếu này rất tốn kém.

Mặt khác, xử lý nền đất yếu, nếu muốn dùng đất chất lượng tốt để đắp nền đường thì phải vận chuyển đất đến vị trí xử lý và tất cả các khoản chi phí này sẽ khác nhau với từng địa phương, từng nước khác nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, điều đặc biệt ở nước ta là công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất có chi phí bồi thường rất lớn. Do đó, suất đầu tư hiện nay nếu nói rằng từ 700 đến 1.000 tỷ đồng mỗi km cũng có thể đúng, đúng với một số đoạn chứ không phải đúng hết tất cả.

“Có những đoạn đường chúng ta làm giá rất thấp, có những đoạn đường làm giá cao, tùy thuộc vào địa chất, địa hình và giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì cùng với Bộ Giao thông sẽ tiến hành thi công một số đoạn đường cao tốc với công nghệ mới để chúng ta có được suất đầu tư đại diện.

“Hiện nay, Bộ Xây dựng rất tích cực, đã xây dựng đề cương, báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông đang phối hợp sắp tới sẽ triển khai một vài đoạn ở phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Chúng ta giám sát chặt chẽ các ca máy, giám sát chặt chẽ chi phí để chúng ta có được suất đầu tư đại diện cho các khu vực”, Bộ trưởng nói.

Đường sắt trì trệ, tụt hậu

Cho rằng từ năm 1936 Việt Nam đã có hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất châu Á nhưng hiện nay vẫn “dẫm chân tại chỗ”, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Phải chăng đầu tư đường bộ dễ chia sẻ hơn, trong khi đường sắt đầu tư lớn. Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP HCM) cũng nêu vấn đề, cử tri cho rằng chất lượng đường sắt quá tệ, vậy giải pháp của Bộ trưởng để tăng cường hạ tầng cũng như giảm tai nạn đường sắt?

Báo Công luận
 Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng tình cao ý kiến đại biểu Quốc hội, cho rằng giao thông đường sắt, nhất là Bắc- Nam là tuyến hết sức quan trọng. Nếu giải quyết tốt thì giảm tải đường bộ rất nhiều, không cần đầu tư nhiều tiền cho đường bộ Bắc- Nam như hiện nay. 

Theo Bộ trưởng, đường sắt là loại hình vận tải đặc biệt, do đó cần phải quản lý như đường cao tốc, tránh đường giao cắt và xâm phạm sự an toàn. Thừa nhận chúng ta chưa làm tốt quản lý hành lang an toàn đường sắt, Bộ trưởng cũng nhìn nhận ngành tham mưu kém nên chưa có giải pháp hình thành đường sắt Bắc- Nam như yêu cầu.

“Về dự án đường sắt không được Quốc hội thông qua cách đây 8 năm thì trách nhiệm lớn thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2019, Bộ sẽ trình dự án đường sắt tốc độ cao”, Bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Dương Trung Quốc không tán thành lý do tham mưu kém. “Lịch sử cho thấy gần như đường sắt bị bỏ rơi. Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ “chia sẻ” hơn, là lý do ít quan tâm đường sắt, tức không mang lại nhiều lợi ích cho “nhóm lợi ích”?, đại biểu chất vấn.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Đường sắt đầu tư rất lớn, có dự án lên đến cả tỷ USD. Cũng vì nguyên nhân đó mà dự án trước đây trình mấy chục tỷ USD, khi ra Quốc hội đắn đo vì nguồn kinh phí rất lớn và chưa thông qua được.

Theo Bộ trưởng, nếu làm đường mới thì phải làm song hành, không thể chắp vá với đường sắt hiện nay. Nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo thì sẽ tiến hành thực hiện dự án.

“Còn bình luận chia sẻ lợi ích, theo cá nhân tôi, người làm giao thông, chúng tôi muốn phát triển hài hoà các loại hình, nhưng đường sắt chưa đầu tư đúng mức. Dự án đường sắt, đường bộ đều như nhau, lấy tâm ra làm, còn vi phạm chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đã đến lúc cần thông qua dự án đường sắt, trong nhiều nhiệm kỳ mới có đường sắt Bắc- Nam, nếu không sẽ hạn chế rất lớn cho vận tải và phát triển kinh tế- xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

T.Toàn

Tin khác

Cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT

Cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT

(CLO) Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Tin tức
Cần 'vừa làm, vừa hoàn thiện' các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

Cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

(CLO) Tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp năng lượng quốc tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cùng với quá trình triển khai dự án, các bên liên quan cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, xác định giá điện, giải pháp xây dựng lưới điện truyền tải...

Tin tức
Đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam vào những dự án trọng điểm quốc gia

Đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam vào những dự án trọng điểm quốc gia

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam, tập trung vào những dự án trọng điểm quốc gia, quy mô lớn như các dự án về: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển giao thông chiến lược, đường sắt đô thị, năng lượng tái tạo, truyền tải điện, nông nghiệp thông minh...

Tin tức
Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất cho doanh nghiệp

Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất cho doanh nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, báo cáo Thủ tướng giải pháp với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Tin tức
Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

(CLO) Về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần phải xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức