(NB-CL) Với nhiều thế hệ người Mỹ, Jacqueline Kennedy- phu nhân cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy- là một trong những đệ nhất phu nhân không những đẹp nhất mà còn thông minh, tinh tế và đa cảm nhất mà họ có được. Chỉ qua những lá thư được xem là rất đặc biệt của Jacqueline Kennedy cũng phần nào thấy rõ điều này.
Những lá thư thông minh
“Một người phụ nữ hài hước, thông minh với trí thông minh tuyệt vời và thật mạnh mẽ” – đó là những gì nhà đấu giá Christie’s đã nhận định về cố đệ nhất phu nhân nước Mỹ Jacqueline Kennedy khi đưa những bức thư thời thiếu niên của bà gửi cho bạn trai R. Beverley Corbin Jr vào những năm 40 của thế kỷ trước mang ra bán đấu giá hồi tháng 5/2011. Theo nhà đấu giá, đây là những bức thư sớm nhất của cố phu nhân Jacqueline Kennedy. Các bức thư được viết tay bằng mực màu xanh, thể hiện những tâm tình, suy nghĩ của bà khi chỉ mới 17 tuổi.
Trong bức thư đề ngày 10/10/1946, Jacqueline Kennedy (khi đó 17 tuổi) đã thổ lộ với bạn trai Beverley Corbin (khi đó 21 tuổi) rằng: “Em yêu anh và vẫn sẽ yêu anh cho dù em không hôn anh mỗi khi mình gặp nhau. Em hi vọng là anh hiểu điều đó”. Tuy nhiên, trong một lá thư khác đề ngày 20/11/1947, Jacqueline Kennedy viết: “Em luôn nghĩ rằng yêu nhau là sẵn sàng làm mọi thứ vì đối phương... và mỗi phút không được gần nhau sẽ giống như địa ngục. Vì vậy, em đoán rằng em không yêu anh”. Lá thư cuối cùng của Jacqueline Kennedy gửi đến Corbin không rõ thời gian nhưng nội dung là thông báo việc cô đính hôn với John Husted.
Những lá thư thời trang
Một điều đã gần như hiển nhiên là cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ có ảnh hưởng không nhỏ tới thế giới thời trang bởi gu mặc tinh tế, sang trọng. Trong suốt thời gian làm bà chủ Nhà Trắng (nhiệm kỳ 1961-1963), Jacqueline Kennedy Onassis (gọi thân mật là Jackie O) luôn là một biểu tượng thời trang trong nước và quốc tế, quý bà kiều diễm nhất trong các Đệ nhất phu nhân xứ cờ hoa. Người đàn bà đẹp có nụ cười duyên và đôi mắt lấp lánh luôn xuất hiện trước công chúng trong những trang phục và lối phối đồ hoàn hảo. Các thiết kế dành cho bà không cầu kỳ về kiểu dáng nhưng toát lên sự sang trọng và đẳng cấp vượt thời gian. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, để có được những thiết kế hoàn hảo ấy, ngoài sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia tư vấn thời trang thuộc hàng “cao thủ”, thì chính bản thân bà Jacqueline Kennedy cũng đã phải rất lao tâm khổ tứ. Điều này được chứng minh phần nào qua những lá thư tay được phu nhân Onassis viết gửi tới những nhà thiết kế thời trang từng thực hiện trang phục cho bà.
Trong những lá thư thân mật này, bà Jacqueline Kennedy đã đưa ra những yêu cầu đối với các bộ trang phục mà bà đặt hàng, đôi khi bà cũng đưa ra một số ý kiến nhận định ngoài lề về thời trang. Chẳng hạn trong một lá thư, phu nhân Jacqueline từng thú thật rằng bà đã chán ngán những bộ váy áo màu đen - màu vốn từ lâu được coi là sang trọng, đẳng cấp và lịch lãm. “Tôi rất thích bộ vest mà anh vừa thực hiện, và chắc chắn tôi sẽ mặc đi dự nhiều sự kiện bởi tôi đã quá chán ngán thấy mọi người liên tục mặc những bộ đồ màu đen... như thể mọi người đang để tang từ suốt 20 năm nay vậy” - vị phu nhân từng viết trong một lá thư tay gửi tới nhà thiết kế Bill Hamilton. Trong một số thư tay còn có những nét vẽ của phu nhân Jacqueline phác thảo dáng những bộ đồ thời trang mà bà muốn đặt hàng với nhà thiết kế. Trước đây, những thư từ cá nhân của bà hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Trong những lá thư phu nhân Jacqueline gửi tới một số nhà thiết kế thời trang, người ta dễ dàng nhận thấy sự nhã nhặn, tính cách dễ chịu của một vị phu nhân nổi tiếng, bà biết cách khiến những người phục vụ mình cảm thấy thoải mái và được trân trọng. Những lá thư này đều được kết thúc bằng những lời cảm ơn vì những bộ trang phục mà các nhà thiết kế đã thực hiện cho bà.
Lá thư tâm tình, sẻ chia
Tháng 9/2009, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành cuộc điều tra liên quan tới một lá thư tay do cựu đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy viết hồi năm 1968. Bức thư là những dòng tâm tình, chia sẻ, động viên mà cựu phu nhân Jackie Kennedy chân thành gửi tới em dâu Ethel Kennedy, sau sự ra đi vĩnh viễn của em chồng - Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy – vào năm 1968.
Ông Robert bị ám sát ở Los Angeles khi đang thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống. Các nhà điều tra tin rằng, lá thư an ủi của bà Jackie được viết sau lễ tang của ngài thượng nghĩ sỹ hôm 8/6/1968. Mở đầu bức thư, bà Jackie viết: “Ethel yêu quý! Chắc hẳn giờ đây em đang rất mệt mỏi. Đêm qua, chị đã chợp mắt, chỉ mải suy nghĩ về em, và cầu nguyện cho em”.
Báo giới Mỹ cho hay, các nhân viên FBI và các thành viên gia đình Kennedy đều tin rằng, lá thư đã bị đánh cắp khỏi ngôi nhà của vợ chồng ông Robert F. Kennedy tại McLean, bang Virginia. Bức thư dài 2 trang này từng được bán với giá 25.000 đôla. Năm 2006, bức thư trên đã được đem bán đấu giá tại nhà đấu giá Heritage.
Những lá thư đau đớn
Cuộc đời bà Jacqueline Kennedy thực sự là một cuộc đời quá đỗi thăng trầm, hào quang, vương giả cũng nhiều mà nỗi đau, bi kịch cũng chẳng ít. Từ nỗi buồn đức ông chồng đào hoa quá mức đến tấn bi kịch vĩnh viễn mất con rồi mất chồng chỉ trong vòng một năm (năm 1963). Điều kì lạ là người đàn bà thông minh và mẫn cảm này không gào thét quá mức mà âm thầm nén nỗi đau, giấu nỗi buồn qua những trang thư.
Mới đây, những bức thư chưa từng được công bố của Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ một thời gửi đến Joseph Leonard, một linh mục ở Dublin, trong những năm từ 1950 đến 1964 đã được hé lộ. Phủ đầy trong những lá thư ấy là một Jackie đầy tâm trạng khi biết rõ ràng rằng người chồng mình rất đỗi tôn thờ, yêu thương lại là một người đào hoa quá mức. “Anh ấy luôn thích theo đuổi và cũng luôn bị chán nản bởi các cuộc chinh phục” - đó là một trong những tâm sự mà bà Jackie viết trong thư gửi Joseph Leonard chia sẻ thất vọng về bản tính trăng hoa của chồng. Jackie so sánh bản tính trăng hoa của chồng mình với cha ruột John "Black Jack" Vernou Bouvier: “Anh ấy giống hệt cha của tôi. Dù đã kết hôn nhưng ông vẫn chứng minh mình còn hấp dẫn bằng cách tán tỉnh nhiều phụ nữ khác và thường tỏ ra cáu giận với vợ".
Năm 1963 là năm đầy bi kịch của Jackie khi phải lần lượt chứng kiến con trai thứ 3 Patrick qua đời lúc mới 2 ngày tuổi còn chồng bị ám sát ba tháng sau đó. Sự ra đi của Patrick để lại vết thương lòng sâu sắc đối với người từng trải qua những ca sinh nở khó khăn như Jackie. "Điều duy nhất mà em không thể chịu đựng nổi, đó là khi em phải mất anh", Jackie nói với chồng, sau khi ông Kennedy báo tin người con trai qua đời. Nhưng rồi chỉ 3 tháng sau đó, chính Jackie lại phải đối diện với “nỗi đau không thể chịu nổi” ấy, tận mắt chứng kiến cái chết của chồng. Bộ đầm Channel màu hồng bà mặc ngày 22/11/1963 lấm lem vệt máu từ thi thể ông Kennedy. Sau 6 tháng sống trong bi kịch, hoảng loạn, bà Jackie rốt cuộc cũng phải rời Nhà Trắng để nhường chỗ cho chủ mới là Lyndon Johnson, người tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ ngay sau vụ ám sát ông Kennedy vài giờ. Vào những ngày cuối cùng còn ở Nhà Trắng, bà Jacqueline đã gửi một lá thư ngoại giao cho ông Nikita Sergeyevich Khrushchyov, Tổng bí thư Liên Xô khi đó, bày tỏ mong muốn ông sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình. Theo Jacqueline, đây là điều mà ông Kennedy luôn theo đuổi lúc sinh thời. Trong một lá thư khác gửi linh mục Leonard, cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ thừa nhận với linh mục Leonard rằng bà đã “cay đắng chống lại Chúa” mặc dù: “Tôi tự nhủ mình vẫn phải có Chúa ở bên - hoặc tôi sẽ không còn hy vọng có lại Jack. Tôi nghĩ Chúa đã đưa Jack đến một thế giới khác và chúng tôi sẽ mất đi anh ấy”.❏
Hà Anh