Báo chí - Công nghệ

Những cuốn sách 'nên đọc' do AI đề xuất và được đăng báo phần lớn không tồn tại!

Cao Phong (theo Telegraph, Reuters) 22/05/2025 09:59

(CLO) Một danh sách gợi ý các cuốn sách để đọc trong những ngày hè, được in trong phụ bản đặc biệt của các báo Chicago Sun-Times và Philadelphia Inquirer, trông có vẻ hấp dẫn với những tác phẩm từ các tác giả nổi tiếng. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đã xảy ra.

Phần lớn các tựa sách được đề xuất đều không tồn tại, mà được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI).

Sự cố này là ví dụ mới nhất về những rủi ro khi sử dụng AI trong báo chí. Dù công nghệ AI đã cải thiện, các hệ thống như chatbot vẫn không thể phân biệt thông tin thật và giả, thường tạo ra nội dung tưởng tượng nhưng trông rất thuyết phục.

Những mô tả sách như Tidewater Dreams của Isabel Allende, được quảng bá là “một câu chuyện đa thế hệ kết hợp chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo và hoạt động môi trường”. Hay Hurricane Season của Brit Bennett về “các mối quan hệ gia đình bị thử thách bởi thiên tai” nghe có vẻ hợp lý, nhưng hoàn toàn là sản phẩm của AI.

Phụ bản “Heat Index” chứa danh sách này không do đội ngũ biên tập của hai tờ báo thực hiện, mà được mua từ King Features, một công ty con của tập đoàn Hearst.

greejcyxoaapva-.jpeg
Danh sách do AI tạo ra trên Philadelphia Inquirer.

Freelancer Marco Buscaglia, người tạo ra danh sách, thừa nhận rằng ông đã sử dụng AI để tổng hợp danh sách nhưng không kiểm tra kỹ. “Tôi thường kiểm tra nội dung, nhưng lần này tôi đã bỏ qua, và tôi vô cùng xấu hổ”, Buscaglia nói.

Trong số 15 tựa sách được đề xuất, chỉ có 5 cuốn là có thật, từ các tác giả như Françoise Sagan (Bonjour Tristesse), Ray Bradbury (Dandelion Wine), và André Aciman (Call Me By Your Name).

Chicago Sun-Times và Philadelphia Inquirer đã nhanh chóng xin lỗi. “Chúng tôi đang xem xét cách nội dung này được in”, Sun-Times nhấn mạnh rằng đây không phải nội dung biên tập và không được phòng tin tức phê duyệt.

CEO của Philadelphia Inquirer, Lisa Hughes, cho biết việc sử dụng AI vi phạm chính sách nội bộ, và phụ bản đã được gỡ khỏi phiên bản điện tử. Victor Lim, đại diện Chicago Public Media (công ty mẹ của Sun-Times), gọi đây là “bài học cho toàn ngành báo chí”, cam kết cập nhật quy trình để tránh lặp lại sự cố.

Sự việc gây ra làn sóng phản đối trên mạng xã hội, với độc giả và tác giả như Rebecca Makkai bày tỏ sự bất bình. “Chicago Sun-Times đã dùng AI để tạo danh sách sách không tồn tại. Tôi không viết cuốn Boiling Point!”, Makkai cho biết. Công đoàn Sun-Times Guild cũng lên án, gọi đây là “nội dung rác” và lo ngại về uy tín với độc giả.

Sự cố này làm dấy lên cuộc tranh luận về việc sử dụng AI trong báo chí, đặc biệt khi các tòa soạn đang cắt giảm nhân sự. Chicago Sun-Times vừa mất 20% nhân viên vào tháng 3/2025 do khó khăn tài chính, khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc thiếu giám sát nội dung.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những cuốn sách 'nên đọc' do AI đề xuất và được đăng báo phần lớn không tồn tại!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO