Những đại học Mỹ 'sống nhờ' sinh viên quốc tế
(CLO) Lệnh cấm từ chính quyền ông Trump nhắm vào sinh viên quốc tế đã phơi bày sự phụ thuộc tài chính đáng báo động của nhiều trường đại học hàng đầu nước Mỹ.
Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm Harvard tuyển sinh viên quốc tế, cộng đồng học thuật đã lập tức chấn động. Nếu lệnh cấm này thành hiện thực, hơn 1/4 tổng số sinh viên Harvard sẽ biến mất – một cú sốc đủ sức làm rung chuyển toàn bộ hoạt động học thuật lẫn doanh thu của ngôi trường danh tiếng này.
.png)
Lệnh cấm tạm thời bị chặn đứng trong vòng 24 giờ bởi một thẩm phán liên bang vào ngày 23/5, nhưng nó đã kịp làm lộ rõ một sự thật: nhiều trường đại học hàng đầu ở Mỹ đang phụ thuộc nặng nề vào sinh viên quốc tế để duy trì hoạt động, cả về học thuật lẫn tài chính.
Không chỉ Harvard, các trường như New York University (NYU), Johns Hopkins, Columbia và Carnegie Mellon thậm chí có tỷ lệ sinh viên quốc tế còn cao hơn. Những con số từng là minh chứng cho tầm ảnh hưởng toàn cầu và năng lực tài chính vững mạnh, giờ lại phơi bày điểm yếu chí mạng: một khi chính sách nhập cư bị siết, các trường này có thể bị đẩy vào khủng hoảng.
.png)
.png)
Tỷ lệ sinh viên quốc tế đã tăng vọt trong hai thập kỷ qua, khi sự bùng nổ kinh tế ở các nước như Trung Quốc và Ấn Độ tạo điều kiện cho hàng triệu gia đình đầu tư vào giấc mơ du học Mỹ.
Đồng thời, nhiều đại học công lập ở Mỹ, đối mặt với tình trạng cắt giảm ngân sách giáo dục từ tiểu bang, cũng chủ động chuyển hướng sang tuyển sinh quốc tế để bù lại nguồn thu, bởi sinh viên nước ngoài thường phải trả học phí đầy đủ, không được hỗ trợ tài chính.
“Chúng ta cứ nhắc đến thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhưng đó là về hàng hóa”, Gaurav Khanna, nhà kinh tế tại Đại học California, San Diego, nhận định. “Còn khi xét về dịch vụ như giáo dục đại học, Mỹ lại đang xuất siêu rất lớn”.
Quả thật, giáo dục đại học là một “ngành xuất khẩu” khổng lồ của Mỹ. Theo phân tích từ NAFSA, một tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục quốc tế, hơn 1,1 triệu sinh viên quốc tế đã mang lại khoảng 43 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm học 2023–2024, chủ yếu qua học phí và các khoản chi tiêu sinh hoạt như nhà ở, ăn uống, sách vở.
Trong khi đó, sinh viên bản địa thường được hỗ trợ tài chính hoặc trả học phí thấp hơn nếu học tại bang của mình. Theo Mirka Martel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện Giáo dục Quốc tế, một sinh viên quốc tế có thể đóng góp nhiều hơn gấp rưỡi so với một sinh viên Mỹ về mặt học phí. Một số đại học công lập thậm chí còn thu học phí từ sinh viên quốc tế cao hơn cả mức mà sinh viên ngoài tiểu bang phải trả.
Nói cách khác, chính sinh viên quốc tế đang vô hình trung “trợ cấp ngược” cho sinh viên Mỹ, giúp các trường duy trì mức học phí thấp hơn cho người trong nước. Vì vậy, bất kỳ sự sụt giảm nào về số lượng sinh viên quốc tế, dù do chính sách nhập cư, căng thẳng địa chính trị hay rào cản hành chính, đều có thể kéo theo thiệt hại tài chính nghiêm trọng; làm gián đoạn lớp học, ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu và làm lung lay cả chuỗi đào tạo nhân lực chất lượng cao cho nước Mỹ.