Những dấu ấn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tại Quảng Trị

22/03/2025 19:36

(CLO) Trong suốt các giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng, cùng với báo giới cả nước, những người làm báo Quảng Trị đã vượt qua khó khăn, gian khổ để làm tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh- quốc phòng của địa phương. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại chuyên nghiệp và nhân văn.

Nhiều dấu ấn trong công tác đào tạo

Dấu ấn nổi bật nhất trong công tác đào tạo chuyên môn của Hội Nhà báo Quảng Trị là vào năm 2005 được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Trị, sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình, có trách nhiệm của Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 18/4/2005, Hội Nhà báo Quảng Trị đã phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền (HVBC-TT) mở lớp Đại học vừa học vừa làm ngành Báo chí khóa 25 (2005-2009) tại Quảng Trị. Tổng số học viên của lớp là 62 người, bao gồm các cơ quan báo chí trong tỉnh; Đài PT-TH Quảng Trị, Báo Quảng Trị, Đài truyền thanh các huyện, thị xã và các cơ quan khác theo học. Thường trực Hội Nhà báo tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức và quản lý tốt lớp học, tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên HVBC-TT khi vào giảng dạy ở Quảng Trị.

nhung dau an trong cong tac dao tao boi duong nghiep vu bao chi tai quang tri hinh 1

Khoá bồi dưỡng về "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí đa phương tiện".

Sau 4 năm đào tạo, các học viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản và cần thiết về nghề báo, các kỹ năng làm báo và phương pháp luận trong việc phân tích, đánh giá các vấn đề trong cuộc sống. Kết quả thi tốt nghiệp cuối khoá, 100% học viên đỗ tốt nghiệp. Trong đó khá giỏi 41/62 người, chiếm tỷ lệ trên 60%; trung bình khá 21/62 người, chiếm tỷ lệ trên 30%. Đây là lớp học có kết quả học tập và tỷ lệ tốt nghiệp được Học viện BC-TT đánh giá cao.

Sau khi tốt nghiệp các cử nhân báo chí đã trở thành những cây bút nòng cốt trong các cơ quan báo chí và là những cán bộ tuyên truyền xuất sắc trong các Sở, ban ngành và các địa phương của tỉnh, có đủ đức, tài và chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển đóng góp xứng đáng vào tiến trình xây dựng tỉnh Quảng Trị ngày càng giàu mạnh.

Một dấu ấn không thể nào quên, trong những năm 2019-2021, đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn quốc đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ so với những năm trước đó. Trong những năm khó khăn này, Hội Nhà báo Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam đã phải linh hoạt tổ chức các lớp học theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh để đáp ứng với tình hình thực tế.

Cụ thể, Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí- - Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng các khoá bồi dưỡng cho học viên học trực tuyến. Nhờ hình thức học mới mẻ và hấp dẫn, các học viên có thể nắm vững kỹ năng, kiến thức giảng viên truyền đạt để đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu học tập của các hội viên - nhà báo tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, trước nhiều thách thức mới, báo chí càng giữ vai trò quan trọng, vấn đề bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo lại càng phải được coi trọng. Hội Nhà báo Quảng Trị xác định tập trung tiếp tục chú trọng đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Tập trung tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu cho hội viên về kỹ năng sử dụng công nghệ mới trong báo chí…
Điều này không chỉ giúp tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng để tham gia Giải thưởng báo chí của tỉnh, Giải báo chí các ban, bộ, ngành Trung ương, Giải báo chí quốc gia…mà còn nâng cao trình độ cho các nhà báo, phóng viên, hội viên khi tác nghiệp (việc bổ sung hai loại giải mới là Báo chí sáng tạo và Báo chí đa phương tiện trong Giải Báo chí Quốc gia năm nay là một bước tiến quan trọng, phản ánh xu hướng phát triển tất yếu của báo chí hiện đại).

Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là không ít thách thức. Việc sản xuất các tác phẩm báo chí đa phương tiện hay báo chí sáng tạo đòi hỏi phóng viên không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn phải thành thạo các kỹ năng mới như xử lý dữ liệu, thiết kế đồ họa, dựng video, sử dụng AI trong khai thác và sản xuất tin bài. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn về đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ người làm báo.

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, việc trang bị kiến thức và kỹ năng ứng dụng AI vào báo chí không chỉ giúp đội ngũ làm báo nâng cao năng lực tác nghiệp mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn hơn. Trên tinh thần “bắt nhịp” xu hướng mới, các lớp bồi dưỡng kỹ năng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất được khuyến khích…

Đây cũng là một trong những xu hướng mới được Hội Nhà báo Quảng Trị quan tâm đào tạo phù hợp với công nghệ báo chí hiện đại. Hội Nhà báo Quảng Trị đã có sự phối hợp nhịp nhàng với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí tập huấn về trí tuệ nhân tạo, kỹ năng sử dụng các phần mềm ứng dụng AI trong tác nghiệp báo chí để giúp các phóng viên có thể ứng dụng trong từng khâu sản xuất từ việc tạo dữ liệu, sản xuất tin bài, ảnh, video…

Nổi bật và gần đây nhất là Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Tuổi Trẻ, Báo Kinh tế và Đô thị… tổ chức các khoá bồi dưỡng, tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí đa phương tiện” cho các cơ quan báo chí, các sở, ban ngành trong tỉnh. Qua các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ giúp cho các phóng viên, hội viên nhà báo ứng dụng tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực báo chí, hỗ trợ các nhà báo trong việc thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, tạo ra nội dung tự động, thiết kế đồ họa, biên tập video và nhiều khía cạnh khác của công việc. Đặc biệt, các học viên đã được thực hành ứng dụng Gemini, một mô hình AI tiên tiến, vào việc sáng tạo nội dung báo chí. Từ việc tạo tiêu đề hấp dẫn, viết tóm tắt nội dung đến việc hỗ trợ viết bài báo hoàn chỉnh.

Việc tổ chức khoá bồi dưỡng “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí đa phương tiện” thể hiện sự chủ động của Hội Nhà báo Quảng Trị trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ báo chí của tỉnh, góp phần đào tạo đội ngũ làm báo tại địa phương ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.

Tiếp tục đào tạo sâu để làm báo thời đại chuyển đổi số

Các khóa bồi dưỡng của Hội Nhà báo Quảng Trị trong thời gian qua có một số điểm mới, như: Đã bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, cách thức lan toả thông tin trên nền tảng facebook, ngăn chặn tin tức giả. Chú trọng vào việc bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà báo về mảng khoa học, truyền thông về giới, xây dựng Đảng, tiếp cận và khai thác thông tin trong thời đại kỹ thuật số. Nội dung về chính trị, đạo đức người làm báo cũng được lồng ghép trong các bài giảng nhằm giúp cho các nhà báo luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp.

nhung dau an trong cong tac dao tao boi duong nghiep vu bao chi tai quang tri hinh 2

Nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Trị chia sẻ kinh nghiệm về công tác đào tạo báo chí tại Hội báo toàn quốc.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Trong bối cảnh đổi mới báo chí hiện nay, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng.

Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, các hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như thế nào cho phù hợp với nhu cầu đào tạo cho các phóng viên, hội viên, các cơ quan báo chí. Hội Nhà báo tỉnh nên tổ chức đào tạo theo nhiều chủ đề. Việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần được cập nhật để đáp ứng được yêu cầu mới. Cần thiết lập các chương trình đào tạo phù hợp với các xu hướng và công nghệ mới, giúp học viên có thể nắm bắt được các kiến thức cơ bản cũng như có khả năng sử dụng công nghệ mới nhất để truyền tải thông tin một cách hiệu quả.

Thời gian tới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Cùng với đó, những khóa học cũng cần phải đa dạng hơn với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ phóng viên mà cả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí; thậm chí, cần phải đào tạo nhiều lần, chứ không phải một, hai lần…

Đồng thời cần đào tạo dưới nhiều hình thức, phương tiện, từ đó trang bị về kiến thức, kỹ năng cũng như kỹ thuật, nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên một cách đầy đủ nhất, qua đó sẽ đáp ứng được nhu cầu cập nhật tin tức kịp thời, nhanh nhạy, chính xác và tạo hiệu ứng tốt nhất đến độc giả. Cần bồi dưỡng, đào tạo cho nhà báo, phóng viên để bắt nhịp nhanh với công việc; tích hợp đào tạo những kỹ năng chung nhất cần thiết cho các loại hình báo chí; đặc biệt đào tạo sâu hơn để làm báo thời đại chuyển đổi số hiệu quả, đáp ứng bối cảnh báo chí hiện nay…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những dấu ấn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tại Quảng Trị
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO