Những dấu hỏi về lực lượng an ninh trong vụ bạo loạn ở Brazil
(CLO) Cuộc tấn công của những kẻ bạo loạn nhằm vào các tòa nhà chính quyền ở thủ đô Brasilia (Brazil) hôm 8/1 đang đặt ra nhiều dấu hỏi cho các chính trị gia nước này, trong đó nổi bật là về phản ứng chậm trễ của lực lượng an ninh và cảnh sát.
"Chiến lược không hành động"
Lý do giải thích sự chậm trễ đó không hoàn toàn rõ ràng, nhưng một số quan chức cấp cao tại Brazil đang cáo buộc lực lượng an ninh thủ đô trì hoãn hành động có chủ đích hơn là nhầm lẫn. Bộ trưởng tư pháp Brazil, Flavio Dino, nói rằng có ít cảnh sát hơn nhiều so với thỏa thuận trong kế hoạch an ninh được đưa ra vài ngày trước đó.

Cảnh sát đặc nhiệm Brazil đứng gác bên ngoài một tòa nhà liên bang ở thủ đô Brasilia hôm 8/1. Ảnh: NYT
Một thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil hôm 10/1 đã ban hành lệnh bắt giữ 2 quan chức an ninh của thủ đô với cáo buộc hỗ trợ các cuộc bạo loạn do sơ suất hoặc đồng lõa. Còn trên mạng xã hội lan truyền nhiều video cho thấy các sĩ quan có mặt dường như để hộ tống những người biểu tình trên đường đến các tòa nhà liên bang và còn dừng lại để chụp ảnh selfie với họ.
Theo các chính trị gia, việc cảnh sát tại hiện trường không hành động hoặc hành động chậm trễ vào thời điểm vụ bạo loạn bắt đầu đã làm trầm trọng thêm tình hình. Mọi thứ chỉ được vãn hồi khi Chính phủ Brazil cử thêm lực lượng an ninh tăng cường đến để trấn áp. Hơn 1000 người tham gia bạo loạn đã bị bắt giữ và các lều trại của họ cũng được dẹp bỏ hoàn toàn.
Sự kiện hôm 8/1 đã không dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự như nhiều người ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro kêu gọi. Naunihal Singh, tác giả cuốn sách “Giữ quyền lực: Logic chiến lược của các cuộc đảo chính quân sự”, cho rằng chi phí của các cuộc đảo chính quân sự đã trở nên quá cao, cùng với các biện pháp trừng phạt và các hình thức áp lực quốc tế, nên nó sẽ rất khó xảy ra ở một quốc gia như Brazil.
Tân Tổng thống Luis Inacio Lula da Silva vẫn an toàn trong nhiệm kỳ của mình, còn ông Jair Bolsonaro vẫn ở Florida. Nhưng vụ bạo loạn tại thủ đô Brasilia đã tạo nên làn sóng phản đối rộng rãi từ công chúng và sự lên án mạnh mẽ từ các nhà lập pháp nước này. Hôm thứ Hai, những người đứng đầu cả ba nhánh của chính phủ Brazil đã đưa ra một tuyên bố chung, điều hiếm khi xảy ra, nhằm lên án bạo lực.
Yanilda Maria Gonzalez, chuyên gia nghiên cứu về chính sách và dân chủ ở châu Mỹ của Đại học Harvard, nhận định rằng phản ứng dữ dội đối với các sự kiện hôm 8/1 sẽ làm mất uy tín của những người ủng hộ ông Bolsonaro và rút cạn năng lượng từ phong trào biểu tình. Nếu quan điểm đó đúng thì nguy cơ xảy ra bạo lực tiếp theo tại Brazil sẽ khá thấp. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi, đặc biệt là khi Chính phủ Brazil bắt đầu truy tố hàng trăm người vì tham gia bạo loạn. Tiến sĩ Amy Erica Smith của Đại học Iowa (Mỹ), cho biết: “Chính quyền Brazil sẽ phải truy tố những kẻ bạo loạn nhưng việc này cũng có thể gây bất ổn”.
Điều quan trọng nữa là một cuộc đảo chính quân sự không phải là cách duy nhất có thể làm suy yếu nền chính trị Brazil. Theo tiến sĩ Yanilda Maria Gonzalez, cảnh sát ở Brazil có lịch sử sử dụng việc không hành động như một công cụ chính trị. Ví dụ, ở Sao Paulo vào những năm 1980, cảnh sát đã để xảy ra bạo loạn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế nhằm gây áp lực lên các chính trị gia. Năm 2013, sau khi thị trưởng Sao Paulo trì hoãn các khoản thanh toán ngoài giờ cho cảnh sát địa phương, lực lượng an ninh đã cố tình buông lỏng việc kiểm soát một lễ hội văn hóa lớn, dẫn đến tội phạm gia tăng đột biến.
Giờ đây, Gonzalez nhận thấy nguy cơ các phe ủng hộ Bolsonaro trong lực lượng cảnh sát hoặc các cơ quan an ninh có thể “khoanh tay đứng nhìn” thay vì ngăn chặn loạn trong tương lai. Một lý do giải thích cho thái độ này là sự ủng hộ của họ với ông Bolsonaro, người được xem như ứng cử viên ưa thích của cảnh sát và quân đội. Một động cơ khác là nhiều người trong lực lượng an ninh lo sợ các chính sách của tân Tổng thống Lula sẽ đe dọa địa vị, đặc quyền hoặc quyền miễn trừ của họ.
Di sản của Bolsonaro và sức ép cho Tổng thống Lula
Ông Bolsonaro vốn coi quân đội và cảnh sát là vấn đề bản sắc chính trị cũng như chính sách. Khi còn đương nhiệm, ông đã mở rộng quyền miễn trừ cho các sĩ quan cảnh sát sử dụng vũ lực, tăng lương hưu cho quân nhân và bổ nhiệm các quan chức quân đội vào những vị trí quyền lực trong nội các. Trong khi đó, ông Lula lại muốn hạn chế vai trò của quân đội và có thể đảo ngược các chính sách của thời Bolsonaro.

Tân Tổng thống Brazil Lula sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh: Reuters
Tiến sĩ Christoph Harig đến từ tại Đại học Kỹ thuật Braunschweig (Đức), nhà nghiên cứu về cảnh sát và quan hệ dân sự-quân sự ở Brazil, cho biết: “Các lực lượng an ninh Brazil đã bỏ qua rất nhiều thứ trong những năm gần đây. Có nhiều trường hợp người vô tội bị giết… và chỉ có những bản án rất khoan dung được đưa ra. Sự miễn trừ này khá phổ biến ở cảnh sát và quân đội Brazil”.
Tiến sĩ Harig cũng lưu ý rằng các quan chức quân sự ở thủ đô Brasilia đã nhận định những người biểu tình ủng hộ đảo chính là “những người biểu tình ôn hòa” và cho phép họ cắm trại bên ngoài doanh trại quân đội trong 10 tuần qua. Điều đó đã che chở một cách hiệu quả cho phong trào bạo loạn, dù bản thân giới lãnh đạo quân sự từ chối ủng hộ hoặc tiến hành một cuộc đảo chính.
Theo ông Harig, vụ việc hôm 8/1 nhắc nhở chính phủ Brazil về tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ tốt với quân đội. Ông Lula sẽ phải nỗ lực thu hút đủ sự hỗ trợ trong quân đội và cảnh sát nhằm trấn áp các cuộc biểu tình bạo lực khi cần thiết. Bởi nếu không, các cuộc biểu tình có thể mở rộng thành những vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng tại Brazil và đe dọa nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Quang Anh