Những điều cần biết khi đưa bé đi tiêm chủng
(CLO) Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất giúp trẻ phòng tránh bệnh tật. Để tránh gặp phải rủi ro nguy hiểm sau tiêm phòng, các bậc phụ huynh hãy lưu ý chuẩn bị một số điều sau đây.
Theo dõi tình trạng sức khỏe của bé
Bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để thông báo cho bác sĩ trong quá trình khám sàng lọc trước khi tiêm.

(Ảnh: Internet)
Nếu trẻ chưa đạt tiêu chuẩn về cân nặng hoặc có một trong các biểu hiện bệnh lý thì phải trì hoãn lịch tiêm cho đến khi trẻ đủ cân nặng, hết sốt hoặc khỏi bệnh.
Nếu trẻ có các phản ứng nặng sau tiêm ở các lần tiêm trước thì sẽ ngưng tiêm các mũi tiếp theo (nếu có).
Mang theo sổ hoặc phiếu tiêm chủng
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ (người chăm sóc) cần mang đầy đủ sổ/phiếu tiêm chủng và thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe, các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ theo dõi và phối hợp cùng bố mẹ đưa ra lịch tiêm chủng hợp lý, tránh bỏ sót hay nhầm lẫn.
Ghi nhớ về các loại thuốc bé đang, đã sử dụng và các loại vắc-xin, thuốc, thức ăn bé bị dị ứng
Ghi chú về các loại thuốc bé đang hoặc đã sử dụng trên 2 tuần. Vì có một số loại thuốc khi sử dụng sẽ làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Do vậy, phụ huynh cần ghi chú và báo cho bác sĩ tiêm chủng biết. Việc ghi nhớ các loại vắc-xin, thuốc và thức ăn bé bị dị ứng nhằm hạn chế tối đa các phản ứng dị ứng sau tiêm cho bé.

(Ảnh: Internet)
Tại cơ sở tiêm chủng, bác sĩ sẽ tiến hành khám sàng lọc cho trẻ và đánh giá toàn diện thể trạng của trẻ. Căn cứ vào kết quả khám và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ phối hợp cùng bố mẹ lựa chọn mũi tiêm tiếp theo.
Bố mẹ nên tuân thủ lịch tiêm chủng theo lứa tuổi đã được Bộ Y Tế và các chuyên gia khuyến cáo. Việc tiêm chủng đúng thời điểm sẽ giúp tạo miễn dịch hiệu quả cho trẻ, tránh trường hợp mắc bệnh có thể xảy ra nếu chưa kịp tiêm chủng.
Chăm sóc trẻ sau tiêm
Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ: Phụ huynh cần vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ để tránh nhiễm trùng sau khi tiêm. Cho trẻ mặc trang phục đơn giản để dễ thao tác hơn trong quá trình tiêm phòng.
Phụ huynh nên tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc uống thêm nước, uống thuốc hạ sốt – giảm đau paracetamol nếu trẻ sốt hay quấy khóc với liều thuốc là 10 – 15mg/kg cân nặng của trẻ. Bạn cũng cần theo dõi chặt chẽ các phản ứng của trẻ sau khi tiêm vaccine. Thông thường trẻ có thể gặp các phản ứng như sốt, sưng, nóng, đỏ hoặc đau ở vị trí tiêm. Đó là biểu hiện cho thấy cơ thể đang tìm cách thích nghi với vaccine và bố mẹ chỉ cần chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu con có những biểu hiện như sốt cao trên 38,5 độ C, nổi ban, các triệu chứng sốt, sưng đau tại chỗ, sốt quấy, bú kém, biểu hiện nặng hơn sau 24 giờ, co giật, tím tái... bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.