Những điều chỉnh trong tuyển sinh đại học thí sinh cần lưu ý
(CLO) Năm học 2025 sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp tuyển sinh mới cùng với đó là các trường có những điều chỉnh phương thức tuyển sinh phù hợp với chiến lược riêng; vì vậy thí sinh cần lưu ý nhằm tránh thụ động trong việc lựa chọn ngành học, trường học mình theo đuổi.
Tuyển sinh đại học trong năm 2025 sẽ có những thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh và đảm bảo sự bình đẳng giữa các phương thức xét tuyển.
Dựa vào các công bố gần đây về dự kiến phương án tuyển sinh của nhiều trường đại học có thể thấy có không ít biến động, các thí sinh cần theo dõi để chủ động hơn đăng ký tuyển sinh.
Theo đó, nhiều trường đã thay đổi trong phương thức tuyển sinh. Cụ thể, nhiều trường đại học dự kiến áp dụng các phương thức xét tuyển đa dạng như xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp với chứng chỉ quốc tế và xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực hoặc tư duy do các đại học lớn tổ chức, xét tuyển bằng học bạ. Tùy trường sẽ có chiến lược riêng phù hợp với định hướng đào tạo.

Tuyển sinh đại học sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2025 (ảnh nguồn Đại học Quốc gia Hà Nội).
Một số trường giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Đơn cử như Đại học Bách khoa Hà Nội, dự kiến giảm tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT từ 50% xuống còn 40%, đồng thời tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy.
Nhưng có nhiều trường lại tăng tỷ lệ tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có nhiều trường bỏ phương thức tuyển sinh bằng điểm học bạ như Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng vẫn còn rất nhiều trường sử dụng phương thức tuyển sinh này để thu hút thí sinh.
Đến thời điểm này nhiều trường đã điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển, cụ thể là bổ sung và loại bỏ một số tổ hợp, thêm nhiều tổ hợp mới. Ví dụ, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến dừng xét tuyển các tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), C03 (Toán, Văn, Sử), C04 (Toán, Văn, Địa), D09 (Toán, Sử, Tiếng Anh), D10 (Toán, Địa, Tiếng Anh) và chỉ sử dụng các tổ hợp A00, A01, D01, D07.
Trong khi một số trường dự kiến bổ sung các tổ hợp mới như A0C (Toán, Lý, Công nghệ), A0T (Toán, Lý, Tin học), B0C (Toán, Hóa, Công nghệ), D0C (Toán, Tiếng Anh, Công nghệ), D0G (Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và Pháp luật) nhằm đáp ứng sự thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các trường có xu hướng mở thêm một số ngành mới và tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Các ngành liên quan đến công nghệ mới, AI, bán dẫn sẽ là những ngành được nhiều trường hướng đến. Bên cạnh các ngành liên quan đến kinh tế, luật cũng được các trường chú trọng tuyển sinh.
Một số trường đại học dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2025. Chẳng hạn, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu, tăng gần 800 chỉ tiêu so với năm 2024, đồng thời mở thêm các ngành mới như Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế.
Một số trường có khuynh hướng sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức dự kiến sẽ được nhiều trường sử dụng làm căn cứ xét tuyển.
Điều này nhằm đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh, phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông.
Những thay đổi trên phản ánh xu hướng đa dạng hóa và linh hoạt trong công tác tuyển sinh đại học năm 2025, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thí sinh và yêu cầu của xã hội.